Lâu nay, các báo địa phương chủ yếu vẫn dành hầu hết diện tích trên các trang báo để thông tin về tình hình của địa phương mình. Do địa bàn bị giới hạn, sự kiện trong tỉnh lại không có nhiều, nên có nhiều đề tài bị lặp đi lặp lại, thông tin không phong phú, dẫn đến nội dung bị nhàm chán và hệ quả là, tờ báo không có nhiều bạn đọc.
|
Trao giải báo chí “Những bông hoa thời hội nhập” tại Lễ kỷ niệm 83 năm, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
Trước hết, cần phải khẳng định, báo địa phương thì phải tập trung thông tin về tình hình mọi mặt của đời sống ở địa phương. Tuy nhiên, thông tin như thế nào, liều lượng bao nhiêu, làm sao có thể nối kết giữa những sự kiện thời sự trong nước, quốc tế với những sự kiện thời sự của tỉnh thành một hệ thống thông tin hấp dẫn bạn đọc, để tạo ra một bản sắc riêng của một tờ báo địa phương, có lẽ là cả một vấn đề lớn, không dễ dàng và phải bàn thảo nhiều.
Hoàn toàn không có tham vọng đặt ra vấn đề cải tiến báo địa phương, nhưng với góc độ là một người từng làm công tác thư ký tòa soạn cả ở tờ báo điện tử và báo in Bình Định, tôi xin có một vài ý kiến nhỏ với hy vọng góp phần nâng cao tính hấp dẫn của tờ báo địa phương. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi, góp ý của các bạn đồng nghiệp.
Xin được bắt đầu từ tờ báo Bình Định. Báo Bình Định hiện nay xuất bản 6 kỳ/tuần (từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi số 12 trang, riêng số cuối tuần 16 trang, in 4 màu), cuối tháng có thêm tờ Bình Định nguyệt san, ngoài ra còn có tờ Bình Định điện tử cập nhật liên tục trong ngày. Do đó, hàng ngày báo Bình Định “tiêu thụ” một lượng thông tin khá lớn.
Nếu chỉ đơn thuần cung cấp cho bạn đọc toàn bộ các thông tin về Bình Định, chắc chắn tờ báo sẽ nhanh chóng bị bạn đọc nhàm chán bởi như đã nói ở trên, các sự kiện nóng, hấp dẫn bạn đọc diễn ra trên địa bàn tỉnh hầu như không có nhiều mà thảng hoặc nếu có, thì việc thông tin cũng phải hết sức cẩn trọng nên không thể thông tin nóng và nhanh như một số tờ báo bạn có lượng phát hành cao.
Vì lẽ đó, liên tục qua các kỳ cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức của báo Bình Định, vấn đề tăng liều lượng thông tin về tình hình thời sự trong nước và thế giới luôn được Ban Biên tập báo quan tâm. Hiện nay, chỉ với riêng báo in, mỗi số báo, báo Bình Định dành hẳn một trang thời sự trong nước và một trang thời sự quốc tế. Ngoài ra, trên các trang chuyên đề, như: văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học - công nghệ…, nếu những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế được bạn đọc quan tâm, thì các ban chuyên môn cũng chọn lọc thông tin với liều lượng thích hợp, xen kẽ với những thông tin về tình hình thời sự trong tỉnh.
Như vậy, nếu “nén” lại, thì mỗi số báo, báo Bình Định dành khoảng 3 trang cho các vấn đề, sự kiện thời sự trong nước và quốc tế. Trong khi lượng thông tin thời sự trong nước và quốc tế của báo Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế chỉ là 1/2 trang báo khổ lớn như báo Nhân Dân (trong tổng số 4 trang), tương đương 1 trang khổ A3; của báo Ninh Thuận là 1 trang khổ A3 (trong tổng số 8 trang), báo Quảng Ngãi 1/4 trang (8 trang), báo Khánh Hòa 1/2 trang (12 trang), báo Phú Yên 2 trang (12 trang)…
Theo chủ quan của chúng tôi, trong thời điểm hiện nay, liều lượng thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế của báo Bình Định là tương đối hợp lý, vì vừa có thể giảm bớt những thông tin không có gì đáng chú ý, những thông tin theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, đến hẹn lại lên diễn ra trong tỉnh; vừa chuyển tải thêm thông tin thời sự trong nước và quốc tế đến với bạn đọc.
Nguồn để khai thác các vấn đề, sự kiện thời sự trong nước và quốc tế của báo Bình Định là từ cộng tác viên ở các tỉnh, từ TTXVN và các hãng thông tấn lớn trên thế giới như: BBC, Reuters, AP, AFP, CNN… do các biên dịch viên của báo tuyển chọn và biên dịch, và từ các báo điện tử bạn.
Và với cách làm như đã nêu, báo Bình Định đã phần nào tạo được sự phong phú trên mặt báo và cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hơn.
Xin mở ngoặc, hiện nay, ngoài 5.000 bản/kỳ phát hành qua đường bưu điện, báo Bình Định đã phát hành khoảng 2.500 bản/kỳ đến tận tay người đọc và qua các sạp báo. So với các báo địa phương trong khu vực, đây là một kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng cá nhân tôi, báo Bình Định nói riêng và các báo địa phương nói chung cần phải tiếp tục mở rộng biên độ thông tin. Nói cách khác, là mở rộng “địa giới hành chính” thông tin hơn nữa. Ít nhất là theo tỉ lệ 50/50, nghĩa là một nửa dành cho các thông tin thời sự, những vấn đề đặc sắc của địa phương, một nửa dành cho các thông tin thời sự trong nước và quốc tế.
Theo nhà báo Thẩm Tuyên, nguyên Phó Tổng biên tập báo Người Lao Động, một tờ báo hiện đại là tất cả những gì là thời sự đều phải có trên mặt báo. Thông tin trên báo phải phong phú, đa dạng và không có địa giới hành chính. Thông tin quốc nội, quốc tế và địa phương nối kết thành làn sóng dồn dập trùng điệp mà tờ báo phải biên soạn hệ thống để dễ đọc, dễ nhớ, dễ xử lý ở khâu tiếp nhận.
Đương nhiên, với báo chí địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân lực và kinh phí. Trong điều kiện như thế, nếu tổ chức mạng lưới phóng viên, cộng tác viên ở những trung tâm, đô thị lớn như các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… để chủ động nguồn tin là việc không thể (riêng mảng thời sự quốc tế thì có thể khai thác qua các hãng thông tấn nước ngoài). Nhưng nếu biết liệu cơm gắp mắm, chẳng hạn thiết lập một chế độ chia sẻ thông tin đáng chú ý của địa phương mình giữa báo địa phương này với báo địa phương kia và ngược lại, thì tôi tin chúng ta sẽ làm được, mở rộng được biên độ thông tin trên tờ báo của mình.
Suy cho cùng, ngoài việc tuyên truyền đậm nét về các chủ trương chính sách và tình hình thời sự của địa phương, báo địa phương còn phải cung cấp nhiều thông tin phong phú khác cho bạn đọc địa phương, bởi bạn đọc có quyền đòi hỏi khi cầm trên tay một số tờ báo khác nhau, được in và phát hành cùng một thời điểm trên cùng một địa bàn: Tại sao báo kia có thông tin về tình hình động đất ở Trung Quốc mà báo địa phương không có? Tại sao báo kia có thông tin đầy đủ, chi tiết về kỳ họp Quốc hội mà báo địa phương lại chỉ có vài dòng? Tại sao thông tin trên báo Đảng địa phương lại cứ phải nghèo nàn hơn báo ngành, báo của các hội, đoàn thể?
Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng diễn ra cuối năm 2007 tại Hà Nội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cũng đã đề nghị các báo, tạp chí của Đảng, trong đó có các báo Đảng địa phương, cần nhanh chóng xây dựng đề án đổi mới về hình thức và nội dung thông tin, bên cạnh việc đảm bảo định hướng tuyên truyền quan điểm của Đảng còn phải đảm bảo tính hấp dẫn và thiết thực đối với quần chúng và cán bộ, đảng viên.
Trong thời đại bùng nổ thông tin và “thế giới phẳng” như hiện nay, chỉ với một cái nhấp chuột, bạn đọc đã có thể đón nhận một lượng thông tin khổng lồ, đa dạng, nhiều chiều. Nếu báo chí địa phương mở rộng biên độ thông tin với sự chọn lọc kỹ càng và sự nhạy cảm về chính trị, bảo đảm được tính khuynh hướng (tính Đảng) trong từng thông tin, thì theo tôi, báo chí địa phương không chỉ sẽ hấp dẫn hơn mà còn góp thêm phần định hướng thông tin cho bạn đọc.
|