KỶ NIỆM 83 NĂM, NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa
18:10', 4/7/ 2008 (GMT+7)

Với cánh nhà báo được một lần đến Trường Sa là niềm mong ước song cái  khó là phải đủ sức khỏe để chịu đựng sóng gió, tác nghiệp trong điều kiện rất ngắn về thời gian, lại phải tìm cho được những ý tưởng, cảm xúc riêng bởi đã từng có hàng trăm bài báo viết về Trường Sa…

 

Tác giả bên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn.

 

* Từ lâu tôi vẫn ước ao được một lần chạm chân lên đảo Trường Sa

Tháng 4.2007, cơ hội đến khi Bộ Tư lệnh Hải quân gửi giấy mời về Báo Bình Định và Ban Biên tập đã phân về Ban Chính trị – Xã hội. Cả ban chỉ có duy nhất một phóng viên nam song anh chàng này lại đang phải lo chăm “bầu bì” cho vợ, không thể xa nhà dài ngày. Vậy là dù muốn hay không, chiếc giấy mời ấy vẫn lọt vào tay tôi! Các thủ tục đăng ký đã được gửi đi. Vậy mà giờ chót tôi vẫn không thể lên đường vì thời điểm ấy cơ quan đang bận rộn nhiều chuyện trong khi Ban Biên tập lại có nhiều người đi công tác… Trong tâm trạng vừa ngại ngần đường xa nhiều sóng gió lại vừa tò mò trước vùng đất mới, việc thôi chuyến đi này làm tôi cứ lẫn lộn vui buồn.

Tròn một năm sau, Ban Biên tập đã hoàn toàn ủng hộ việc để tôi đi công tác Trường Sa và cơ hội thực sự đã đến với tôi sau cả năm chờ đợi!

Hải trình Trường Sa có hai hướng: hướng về các đảo phía bắc, nơi có các đảo chính là Sinh Tồn, Song Tử Tây, An Bang… thì xuất phát từ Cảng Cam Ranh; còn hướng về các đảo phía nam nơi có các đảo chính là Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh… sẽ xuất phát từ Cảng Ba Son. Chuyến đi của tôi nằm trong kế hoạch thăm các đảo phía nam.

Thú thật, càng đến ngày lên đường tôi càng thấy lo lắng, nhất là khi hay tin cơn bão số Một khởi đi vào trung tuần tháng 4.2008 đang đổ về hướng Trường Sa. Trong cuộc đời làm báo, từng trải qua hàng trăm chuyến đi thực tế song chưa có chuyến đi nào khiến tôi phải bồi hồi đến thế. Tôi từng có chuyến đi bằng tàu thủy nhưng xa nhất vẫn chỉ từ bến đò Đống Đa của TP Quy Nhơn đến xã đảo Nhơn Châu! Tôi cũng từng trải qua cảm giác say sóng: nôn ọe, nhức đầu và rất mệt song chỉ kéo dài chừng hơn một buổi nên cũng chẳng lường nổi nếu phải lênh đênh mười ngày trời trên biển, cảm giác sẽ ra sao!

 

Con tàu 957 trước cầu cảng của đảo Trường  Sa.

 

* Rượu Bàu Đá và chiếc võng dù

Vì sợ sóng gió và cũng để tránh viết theo lối mòn nên tôi đã tìm đọc những bài viết của đồng nghiệp trên mạng internet về các chuyến đi Trường Sa. Tôi nghe theo lời nhà báo Thu Uyên “muốn đỡ say sóng thì say rượu”, tôi lại nghe theo lời của một đồng nghiệp khác “chiếc võng cột trên boong tàu có thể giúp bạn đỡ say sóng”. Vậy là tôi đi mua 4 chai rượu loại Bàu Đá nếp của cơ sở Tâm Hường và không quên ghé chợ mua chiếc võng dù. Và dĩ nhiên là trong túi thuốc phòng cảm mạo, tiêu chảy… tôi cũng cẩn thận mua thêm vỉ thuốc chống say sóng.

Vào đến TP Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy yên tâm hơn sau cuộc họp đoàn hôm trước ngày xuất bến tại Nhà khách Bộ Tư lệnh Hải quân. Ở đây tôi đã được nghe phổ biến kế hoạch và hải trình của chuyến đi. Thượng tá Nguyễn Văn Huân, Phó Lữ đoàn trưởng lữ đoàn M25 nói như đinh đóng cột: “Tàu 957 là tàu kéo của quân chủng vừa hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh trở về hôm kia. Đây là một trong những con tàu trong đoàn tàu không số có nhiều thành tích, có hơn 10 năm kinh nghiệm đưa đón các đoàn công tác đi - về Trường Sa… Chúng tôi sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoàn, quyết không để xảy ra một sự cố nào, cả việc trầy xướt gây chảy máu các đồng chí!... Khu vực Trường Sa đang có gió cấp 5, sau 2 ngày tới gió sẽ lên tới cấp 6, cấp 7… Có thể sẽ có người say sóng. Nhưng trong lịch sử chưa có ai chết vì say sóng bao giờ…”. Giọng nói vừa chắc cú lại vừa pha trò của vị thượng tá khiến tôi cảm thấy yên lòng!

Trong số 61 người đi trên tàu (chưa kể đội ngũ phục vụ) có 17 nhà báo, trong đó có 8 nhà báo đi theo phục vụ cho 3 đoàn đại biểu của tỉnh, 9 nhà báo còn lại được phiên thành một đoàn riêng gọi là “Đoàn nhà báo độc lập” do anh Trương Đức Minh Tứ, Phó tổng biên tập Báo Quảng Trị, làm trưởng đoàn. Tôi ở trong đoàn này.

Thông thường các nhà báo được ưu tiên, song khi đi với một đoàn mà hầu hết là lãnh đạo của các tỉnh, rồi văn công, giới báo chí bỗng… chẳng hơn ai cả! Thế nên chúng tôi được xếp ở 6 người trong một buồng dưới đáy tàu lại chỉ có 3 giường, gồm: Trương Đức Minh Tứ; Nguyễn Hùng Long- Báo Hậu Giang; Lê Thanh Hà- Báo Sinh viên Việt Nam; Nguyễn Xuân Bính- Báo Ninh Thuận, Vũ Kiều Minh- Báo Lao Động và tôi.

Ra khỏi lạch sông, tàu bắt đầu chòng chành trên sóng, tôi làm đầu trò lấy mực và rượu Bàu Đá ra mời anh em với lời rao: “Thu Uyên đã nói muốn không say sóng, phải say chút rượu, anh em nào sợ say sóng thì ngồi xuống đây…”. Nếu là tôi nói thì chắc mọi người không tin nhưng nghe đó là lời của nhà báo Thu Uyên (đang làm MC cho chương trình “Như không hề có cuộc chia ly” trên VTV1) mọi người tin ngay và xúm xít quanh tôi. Chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ, 6 nhà báo đã nốc hết 1 lít “vodka số 1 Việt Nam” cùng với nửa cân mực khô… Tàu cứ đi và tôi thì cứ váng vất! Chẳng biết say do sóng hay rượu mà cả hai bữa chiều liên tiếp, dạ dày tôi chẳng thể nạp được hạt cơm nào. Và nhiều ngày sau đó 3 chai rượu Bàu Đá của tôi chẳng ai dám đụng đến! Tôi đâm ra nghi ngờ kinh nghiệm của Thu Uyên.

Còn chiếc võng thì quả là cứu cánh của tôi trong suốt dặm đường đến Trường Sa!

6 con người chỉ có 3 người được nằm trên giường, còn 3 phải trải chiếu nằm trên sàn tàu, chật hẹp và bí bứt! Có chiếc võng sở hữu, tôi thường mang lên boong tàu và gắn mình với nó! Những lúc sóng to, thuyền lắc mạnh, chiếc võng lại đung đưa mạnh hơn… Nằm võng thấy mình như được bình yên hơn, không còn có cảm giác dập dềnh của sóng!

 

Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi với các chiến sĩ trên đảo.

 

* Cơ hội chỉ có một

Đã đi Trường Sa là phải viết bút ký, viết phóng sự chứ chẳng ai lại bõ công cho một chuyến đi dài ngày và gian khó để chỉ làm có bài phản ảnh. Trong khi đó mỗi năm có hàng vài chục nhà báo đến tác nghiệp ở Trường Sa nên viết thế nào cho hay, cho độc đáo và không trùng lặp với người khác quả là điều khó khăn. Thêm vào đấy, thời gian lưu lại ở mỗi đảo không nhiều, phóng viên chỉ làm các thao tác quen thuộc là quan sát, chụp ảnh và phỏng vấn ngắn một vài chiến sĩ. 

Với tôi, mỗi lần đặt chân đến một hòn đảo nào, câu hỏi đầu tiên vẫn là: Có ai là người Bình Định sống ở đây không? Song hầu như trong suốt chuyến đi, tôi chẳng nhận được một lời chỉ dẫn nào. Những người Bình Định mà tôi gặp trên đảo Trường Sa đều rất tình cờ, lúc thì trong buổi diễn của văn công, lúc lại lang thang chụp ảnh… Có một lần ở đảo chìm Núi Le, suốt 20 phút tác nghiệp trên đảo tôi chẳng phát hiện được có một chiến sĩ từng học ở trường Đại học Quy Nhơn. Đến khi nhận ra thì sự hối thúc của con tàu khiến tôi chẳng kịp phỏng vấn được một câu ngắn. Ở khu Tư Chính, tôi đã được nghe kể nhiều tấm gương hy sinh rất anh dũng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt ở các nhà giàn… tôi đã không kịp ghi chép và rồi mãi mãi không còn có cơ hội để ghi lại được nữa!

Song đau nhất có lẽ sự mất sạch dữ liệu cùng cả trăm bức ảnh chụp về Trường Sa của nhà báo Nguyễn Hùng Long do một thao tác vô tình của anh trên laptop khi con tàu đang quay trở về. Anh buồn như muốn khóc suốt mấy ngày dẫu chúng tôi đã cố dỗ dành và đã sẵn sàng chia sẻ lại những bức ảnh chụp được về Trường Sa cho anh. Đó có lẽ là những sự khác biệt lớn giữa tác nghiệp trên đất liền và tác nghiệp ở Trường Sa. Ở đất liền nếu thiếu chất liệu anh có thể quay lại lần thứ hai, thậm chí có thể liên lạc bằng điện thoại để hỏi thêm còn ở Trường Sa ư, nếu bỏ quên một câu hỏi, bỏ sót một tư liệu thì vĩnh viễn không thể có chi tiết ấy trong bài báo máu thịt của mình!

Trường Sa ơi, có bao giờ tôi được trở lại!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)
Tản mạn hoa cúng  (03/07/2008)
Rau dớn, cá niên  (03/07/2008)
Vợ bị bắt, chồng đầu thú  (03/07/2008)