Hồn võ trong hát bội Bình Định
17:37', 28/7/ 2008 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên những tích tuồng nổi tiếng của hát bội Bình Định như Hộ sanh đàn, Sơn Hậu, Cổ Thành, Tam hạ Nam Đường… diễn đi, diễn lại cả trăm lần, mà vẫn làm say lòng khán giả. Cái căn cốt tạo nên sức hút ấy chính là cái hồn của hát bội, cái hồn của người nghệ sĩ và trong đó, có cả cái hồn của võ Bình Định.

 

Sử dụng võ thuật và binh khí trong hát bội Bình Định. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Ngay từ khi ra đời cho đến bây giờ, hát bội vẫn chiếm một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Có người nói: hát bội là loại hình kịch hát thì đúng mà chưa đủ. Phải nói rằng đó là một loại hình kịch hát - múa. Múa trong hát bội có tiết tấu, khoa trương, cách điệu từ những động tác sinh hoạt thường ngày của con người. Nếu bạn đã được xem một tuồng hát bội thứ thiệt, chắc chẳng thể nào quên được những động tác: chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, ngã, lăn, nhảy thành, đá, xóc… Tất cả đều được chắt lọc từ các tư thế của bài quyền. Hay những tuồng có đạo cụ kiếm, thương, đao, búa, chùy… thì cũng bắt nguồn từ những bài võ thuật binh khí. Chẳng ngoa chút nào nếu ta nói: cái hồn của hát bội là cái hồn của võ Bình Định.

Trong nhiều tuồng cổ của hát bội, binh khí luôn được sử dụng như một đạo cụ chính. Để sử dụng được và thành thạo các binh khí, hẳn nhiên phải có một nền tảng võ thuật, để từ đó, trau chuốt, cách điệu cho phù hợp với từng tích tuồng, từng động tác, có tính thẩm mỹ không gây phản cảm cho người xem. Ví như một kép vào vai Tiết Cương thì phải biết đánh độc phủ (búa đơn). Đã vậy còn phải học các đánh, cách thủ. Lúc Tiết Cương chống búa thì chỉ đứng một chân, chân kia co lại và đưa lên cao. Nếu kép vào vai này mà không có “miếng võ phòng thân”, thì sao có thể đứng đẹp, lập bộ vững vàng. Đó là không kể kép còn phải diễn và hát nữa. Nói đến Quan Công, ta dễ hình dung người này phải biết đánh đại đao với động tác rành mạch, dứt khoát, sao cho thể hiện cái dũng, cái uy của vị tướng tài.

Tôi đã từng được xem các kép sắm vai Triệu Khánh Sanh, Cao Quân Bảo, sử dụng thương một cách nhuần nhuyễn. Không nghi ngờ gì nữa, những diễn viên này hẳn là những người biết võ. Những động tác khai thương, khán thương, khoát thương, chỉ thương… được thực hiện hết sức đẹp mắt. Đã vậy, trong khai thương còn có khai vớt, khai chao, khai loan. Ngay cả khi không giao tranh thì việc cầm thương, dắt ngựa và diễn cũng không dễ dàng. Kép phải biết gò ngựa, cầm thương lên ngựa thật uyển chuyển. Làm không tốt thì thương đi đường thương, ngựa đi đường ngựa, vở diễn kém hấp dẫn.

Còn đối với các diễn viên nữ, nếu không biết miếng võ nào thì luôn gặp khó khăn trong vai diễn. Ví như Lưu Kim Đính, hay Kỷ Lan Anh chuyên múa song kiếm, thì việc chuốt kiếm, dựng kiếm, khấu kiếm không đơn giản; động tác phải liên tục, tròn, kín, lúc tách, lúc nhập. Thế mới thấy cái khó của những diễn viên hát bội và nhất là những vở tuồng cổ. Sinh thời, cụ Đào Tấn cũng dạy: “Kép hát phải biết võ nghệ mới được”.

Những nhân vật trong tích tuồng như Quan Công, Hoàng Phi Hổ, Tiết Cương, Triệu Khánh Sanh, Trương Phi…bước ra từ lịch sử Trung Quốc nhưng đã được thổi hồn vào các vai diễn, tạo nên một phong cách riêng, mang đậm cốt cách võ Bình Định, và góp phần làm cho những vở tuồng đó được thăng hoa.

  • Đỗ Ngà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)
Tản mạn hoa cúng  (03/07/2008)