Ba làng võ nổi tiếng của Bình Định
17:40', 28/7/ 2008 (GMT+7)

Bình Định được mệnh danh là miền đất Võ. Những làng võ hiện tồn, nằm bên bờ sông Côn, chính là biểu hiện sống động của truyền thống đó. Nhân Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, xin giới thiệu đôi nét về ba làng võ này…

 

Biểu diễn võ trong ngày giỗ Tổ ở một lò võ. Ảnh: Hoài Thu

 

* Thuận Truyền

Làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) gắn với tên tuổi của võ sư Hồ Nhu (thường gọi là Hồ Ngạnh, gọi theo tên con). Ông sinh năm 1891, cha từng là một võ quan triều Nguyễn, mẹ người Huế. Theo võ sư Hồ Sừng, cháu nội võ sư Hồ Nhu, hồi bé, võ sư Hồ Nhu học võ ở nhiều ông thầy, như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm, và theo Quách Tấn - Quách Tạo thì ông còn được một tạo sĩ (đậu tiến sĩ võ) truyền dạy thêm. Khi đường roi đã cứng cáp, mẹ ông mới tinh truyền thêm. Đường roi càng trở nên thiên biến vạn hóa, sâu hiểm khôn lường. Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, học trò đến thọ giáo rất đông. Quá 80 tuổi, Hồ Nhu vẫn còn thao diễn roi, đường roi vẫn cứng và đẹp. Con trai mất sớm, ông truyền nghề cho cháu nội, là võ sư Hồ Sừng hiện nay.

Roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ Bình Định, nhiều võ đường ở Bình Định rất giỏi về roi, nhưng nổi tiếng về roi vẫn là Thuận Truyền. Người thầy của võ sư Hồ Nhu là Hồ Khiêm với đường “lạc côn”, là một đường roi tuyệt kỹ. Rồi các đường roi như: “đâm so đũa”, “roi đánh nghịch”, “đá văng roi”, “phá vây”, “roi chiến”… đều là những bảo vật bí truyền của võ Bình Định. Cái bí truyền của những đường roi đã đi vào những câu chuyện truyền tụng, thật - hư lẫn lộn... Hiện nay, tại làng Hòa Mỹ (xưa cũng thuộc tổng Thuận Truyền), võ sư Hồ Sừng vẫn tiếp tục mở lò dạy võ và giao cho các con ông đứng lớp. Lò võ này đã đào tạo ra rất nhiều võ sư, võ sinh nổi tiếng cho Bình Định, cung cấp thêm nguồn lực cho Đội tuyển Võ Cổ truyền của Bình Định.

* An Vinh

Nói đến roi là nói đến Thuận Truyền, còn quyền thì phải nói đến làng võ An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn). Một trong những võ sư nổi danh của đất An Vinh là Hương Mục Ngạc. Người ta kể, tổ tổ cô của Hương Mục Ngạc chính là sư phụ của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Hương Mục Ngạc đã thông quyền Bình Định, lại học quyền Tàu của ông Khách Bút ở vùng Cảnh Hàng (Nhơn Phong, An Nhơn). Tổng hợp nhiều nguồn khác nhau, Hương Mục Ngạc trở thành một tay quyền xuất sắc nhất trong làng võ đương thời. Những người con của Hương Mục Ngạc như Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác đều tinh thông võ nghệ. Trong đó, Bảy Lụt chẳng những xuất sắc về võ thuật mà còn gan dạ và có sức mạnh đáng kể, tay không có thể vật ngã một con trâu đực. Bảy Lụt dạy nhiều học trò, trong đó có Hương Kiểm Mỹ. Hương Kiểm Mỹ tên thật là Đinh Hề, thuộc dòng dõi của Đinh Văn Nhưng, tức ông Chảng. Hương Kiểm Mỹ giỏi cả quyền và kiếm, tài năng không thua kém sư phụ là mấy, đã góp phần phát triển quyền thuật An Vinh lên một bước mới: Đi như lá, cứng như đá, công thủ đi liền, sao sao cũng vậy.   

Ngoài lò võ của Hương Mục Ngạc, An Vinh còn có các trường võ khác. Nay, những trường võ ấy đã vắng bóng. Trong làng, chỉ có võ sư Trần Dần và Văn Xuân Ngọc là còn mở lò dạy võ.

Nhưng nói đến võ An Vinh không thể không nhắc đến lão võ sư Phan Thọ (hiện ngụ ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) - một huyền thoại đương thời của miền đất Võ. Võ sư Phan Thọ sinh năm 1926, học võ từ năm 18 tuổi. Năm 24 tuổi, ông theo học thêm thầy Sáu Hà, Tàu Sáu, Hồ Ngạnh - những võ sư danh tiếng thời ấy. Võ sư Phan Thọ là một trong những người hiếm hoi tinh thông thập bát ban binh khí và áp dụng thông thạo các loại vũ khí hiếm gặp, vốn chỉ lưu truyền ở dân bản địa Tây Sơn mà dân gian gọi nôm na là “võ thế”, “võ vườn” như võ đòn xóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chĩa ba mũi nhọn)… Hiện tuy đã lớn tuổi, không còn dạy võ, nhưng võ sư Phan Thọ vẫn rất tâm huyết với vấn đề quảng bá và phát huy võ cổ truyền Bình Định.

* An Thái

Làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn), là nơi có hội đổ giàn nổi tiếng, cũng từng là nơi thầy giáo Hiến trên đường vào đàng Trong lập nghiệp, đã dừng chân và mở trường luyện võ, dạy văn. Ba anh em Tây Sơn khi ấy, đến xin nhập học, vì có đủ tư chất và đạo đức, nên được ông thâu nhận ngay và truyền dạy hết vốn liếng.

Truyền thống võ nghệ của An Thái được hun đúc qua những bước thăng trầm của thời gian và binh biến. Sang thế kỷ XIX, vùng đất này đã đón tiếp nhiều người Hoa, trong đó, có các võ sư và dần hình thành hai phái: phái người Việt của cụ Đoàn Dũ và phái người Hoa của ông Khánh Ngôn bảo trợ. Nhưng đến giữa thế kỷ XIX thì cả hai đều tàn lụi. Đầu thế kỷ XX, có một biến cố với làng võ An Thái là sự xuất hiện của phái quyền Tàu mà ông Diệp Trường Phát (thường gọi là Tàu Sáu) là người khai mở.

Tàu Sáu sinh năm 1896, là người Hoa nhưng bà nội và mẹ ông là người Việt. Ở quê mẹ, Tàu Sáu đã hấp thụ tinh thần thượng võ. Năm 13 tuổi (1909), ông được gửi về Tàu, rồi sang Hồng Kông học. 15 năm sau, ông Tàu Sáu quay lại An Thái và mở trường dạy võ hơn 40 năm, cải tiến tinh hoa võ thuật lâu đời, nhiều phái, trên quy mô tổng hợp, hiện đại, xây dựng một hệ thống quan niệm về võ thuật và võ đạo khá sâu sắc. Hệ thống quyền xây dựng khá chặt chẽ, được xây dựng trên bốn bộ chính là: hổ quyền, long quyền, hầu quyền, xà quyền. Về tinh thần, cụ Tàu Sáu đã suy tưởng, nghiền ngẫm về bản chất tốt đẹp của loài trâu, đúc kết thành giáo điều của môn phái. Đó là ngũ điều: nhẫn nại, đoàn kết, hy sinh, thật thà, dũng cảm và ngũ qui: không phản sư phế đạo, không ỷ thế hiếp cô, không sanh tâm đạo tặc, không loạn dâm háo sắc, không thắng vinh bại nhục. Cụ Tàu Sáu đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh như Ba Phùng, Chín Kỷ, Phó Tuần Chuẩn, Năm Tường.

Cụ Tàu Sáu mất, con trai cụ là Diệp Bảo Sanh nối nghiệp. Năm 1971, đổi tên là phái Bình Định - An Thái, gọi tắt là phái Bình Thái. Hiện nay, võ phái này được các đệ tử lớp sau của Diệp Bảo Sanh tiếp tục truyền dạy tại nhiều nơi.

Hiện tại An Thái, chỉ có võ đường Bình Sơn của võ sư Lâm Ngọc Phú còn dạy võ. Võ sư Phú là con của lão võ sư Lâm Đình Thọ (tức Hương Kiểm Lài), một người vừa học võ truyền thống của gia đình, vừa học thêm từ cụ Tàu Sáu và đã từng mở võ đường Bình Sơn (gọi tắt của Bình Định - Tây Sơn) ở Quy Nhơn.

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồn võ trong hát bội Bình Định  (28/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)
Ba viên cảnh sát  (03/07/2008)