Nơi bồi đắp cho tình yêu gốm
17:47', 28/7/ 2008 (GMT+7)

Theo học ngành kinh tế, ra trường, lần lượt thử sức với nhiều nghề, nhưng rồi anh Nguyễn Xuân Thanh (Cửa hàng mỹ nghệ Thanh Xuân, số 34 đường An Dương Vương, TP. Quy Nhơn) lại quyết định “dừng chân” với gốm. Từ đó, một cơ sở kinh doanh gốm đầy ấn tượng, của một ông chủ trẻ 35 tuổi, đã ra đời ở Quy Nhơn…

 

Cửa hàng Thanh Xuân được trang trí rất đẹp mắt.

 

* Duyên nợ đất nung

Anh Thanh cho biết: “Trước đây, tôi không hề thích gốm. Nhưng rồi một lần vào TP. Hồ Chí Minh, vô tình tôi nhìn thấy và bị lôi cuốn bởi nhiều đồ gốm được trang trí tại khách sạn nơi tôi trú chân. Tôi bắt đầu “cảm” vẻ đẹp của gốm, quyết định tìm hiểu nó và ngày càng bị mê hoặc”.

Rồi Nguyễn Xuân Thanh quyết định từ bỏ tất cả các công việc mưu sinh khác, để mở cửa hàng kinh doanh gốm Bàu Trúc mang tên Thanh Xuân cách đây hơn hai năm. Anh đã bỏ ra cả ba tháng trời nghiên cứu về gốm Bàu Trúc, loại gốm anh đặc biệt có thiện cảm; rồi vào tận làng gốm Bàu Trúc để thiết lập quan hệ kinh doanh. Hiện tại, mặt hàng gốm Bàu Trúc tại cửa hàng Thanh Xuân rất đa dạng, từ bình, chum, đến tượng… với cả trăm mẫu mã.

Thời gian đầu, việc buôn bán tương đối khó khăn, nhưng anh Thanh vẫn quyết tâm duy trì cửa hàng để lấy ngắn nuôi dài. Anh Thanh tâm sự: “Tôi mở cửa hàng không chỉ đơn thuần kinh doanh, mà còn muốn biến nơi đây thành chốn bồi đắp tình yêu gốm, nơi gặp gỡ của những người yêu gốm”. Theo anh Thanh, nguyên liệu đất làm gốm Bàu Trúc có lẫn chất đồng kẽm, nên khi nung có những vết cháy đen đặc trưng trên thân gốm. Đó cũng là lý do khiến khi đem soi dưới nắng, gốm Bàu Trúc sẽ lấp lánh những ánh kim loại rất đẹp.

Bên cạnh đó, anh Thanh còn tiếp thu tính mỹ thuật của những sản phẩm thủ công khác, hoặc có sự sáng tạo riêng để yêu cầu làm nên những sản phẩm gốm “không đụng hàng” cho cửa hàng của mình. Chỉ vào một sản phẩm gốm Bàu Trúc dạng “chum lư hương”, anh Thanh cho biết: “Đây là sản phẩm mới nhất. Từ dạng chum truyền thống của người Chăm, tôi đã yêu cầu làm thêm ba chân đế cùng hai quai hình đầu rồng, tạo thành một sản phẩm mang dáng dấp lư hương của người Việt. Tuy nhiên, tôi rất ít khi yêu cầu làm những sản phẩm “độc” như thế, mà luôn để người Chăm sáng tạo theo cách thức truyền thống của họ, nhằm giữ được cái “hồn” của gốm Bàu Trúc”. Nhờ những sản phẩm gốm đa dạng và độc đáo, một số Việt kiều từ Đức, Mỹ, Pháp… khi về Quy Nhơn, cũng tìm đến mua hàng tại Thanh Xuân với số lượng lớn.

 

Xuân Thanh bên các sản phẩm gốm, tượng đá của cửa hàng.

 

* Tâm huyết của ông chủ trẻ

Tiếp xúc với Xuân Thanh, có thể cảm nhận đằng sau cách nói chuyện chân chất, mộc mạc của anh, là một tâm hồn biết trân trọng vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Đó cũng là lý do khiến anh bỏ công lặn lội khắp nhiều vùng miền trong cả nước, tìm tòi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng khác đem về bày bán. Hiện ngoài gốm Bàu Trúc là chủ đạo, cửa hàng Thanh Xuân còn bán các bức thư pháp Việt trên gỗ của Đắk Lắk, các sản phẩm từ tre bông của Long Xuyên, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre, Phú Yên… cho đến các loại đá cảnh, gỗ lũa, đồ cổ. Do đó, cửa hàng Thanh Xuân đã dần dần trở thành nơi hội ngộ của nhiều người trong giới yêu nghệ thuật tỉnh nhà. Các giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Huế, khi vào Bình Định dạy, đều đưa sinh viên đến Thanh Xuân để giới thiệu một cách trực quan về nghệ thuật gốm.    

Đặc biệt, Xuân Thanh rất nặng lòng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quê nhà. Cửa hàng của anh cũng là nơi giới thiệu những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nghệ nhân Bình Định, như các loại tượng đá Chăm, sản phẩm gỗ mỹ nghệ…

Xuân Thanh tâm sự: “Trong tương lai, tôi sẽ nghiên cứu mẫu mã để đặt làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng từ dừa Bình Định. Hiện tại, để chào đón Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, tôi đã đặt hàng các nghệ nhân ở An Nhơn làm tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng chất liệu đá; đặt hàng làm tranh tre bông về Quang Trung ở Long Xuyên… nhằm có thêm những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa bán cho du khách về dự Festival”.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ba làng võ nổi tiếng của Bình Định  (28/07/2008)
Hồn võ trong hát bội Bình Định  (28/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)
Tiềm năng và phát triển  (04/07/2008)
Làng đúc Bằng Châu xưa và nay  (04/07/2008)
Quy Nhơn mùa Euro  (04/07/2008)
Thơ  (04/07/2008)