Làng tôi là làng ven sông Gò Chàm, một nhánh của sông Côn. Con sông đó vốn cạn nhưng đến mùa mưa thì thường dâng cao. Con đường làng cũng là đường đê ngăn dòng lũ lớn sông Gò Chàm đổ vào làng.
|
Đường làng bờ đổ dọc sông quê. Ảnh: Văn Tư
|
Đó là con đường đất chạy quanh làng, soi bóng sông quê. Đầu đường sừng sững cổng làng cũ kỹ, rêu phong. Từ đường làng, có con đường đất khá rộng rãi chạy lên ngôi đình làng cổ kính và mấy con đường đất khác đi vào các ngõ xóm hay ra cánh đồng. Con đường làng tôi bờ đổ, cừ đá, nền đất cao (cho thành đường đê) và đã in sâu vào tâm trí trẻ thơ của tôi qua câu hát bà ru cháu trong mỗi giấc ngủ: “Ai đi bờ đổ một mình/ Phất phơ chéo áo giống hình trò Ba?”.
Con đường làng thay đổi bốn mùa. Xuân, hoa dã quỳ nở. Hè gió cuốn bụi mù. Thu lả tả lá rụng. Và đông lầy lội. Từ ngày tôi lớn khôn hơn một chút và bắt đầu đi ra khỏi làng, tôi nhận ra những con đường làng khác trong vùng Phủ An, phần nhiều là bờ đổ dọc những con sông quê như đường làng tôi. Con đường làng Hòa Cư, Tiên Hòa, Phò An… (Nhơn Hưng, An Nhơn) rợp bóng hàng tre soi bóng nước sông Gò Chàm. Đường làng Thanh Giang, Thanh Danh, Trung Lý (Nhơn Phong, An Nhơn)… theo dọc những chân ruộng cao, mùa nắng người ta vẫn đóng gàu sòng bên đường, tát nước dòng Mương Đôi dẫn vào ruộng.
Đường làng An Định thường nhộn nhịp mỗi ngày. Sáng sớm, đường đẫm sương, thức dậy cùng với mọi người. Những người từ các ngõ xóm ùn lên đường làng để đi ra đồng, đi chợ, đi làm thuê trên phố Huyện, lũ nhỏ chúng tôi đi học... Người có công chuyện đi xa thì lên xe ngựa của chú Mười Cẩn đón khách ở bến chợ Bồ Đề giữa làng. Những chuyến xe ngựa của chú chạy gập ghềnh trên đường làng, thường chở khách đi bến xe Đập Đá, ga Bình Định, bến đò Trường Thi... Buổi trưa, thường có những người lỡ độ đường ngồi nghỉ mát dưới bóng bụi tre già, gốc cây ngô đồng, cây thị xum xuê ven đường. Xế chiều, con đường nhộn nhịp trở lại: nông phu về trong ráng chiều, lũ trẻ con thả diều lờ lững trên không... Đêm về, đường lại đón bàn chân người đi hóng gió, ngắm trăng, ra sông Gò Chàm tắm mát, đi trao duyên…
Đã có biết bao câu thơ cho thấy những cách nghĩ, cách gọi, cách tả, cách nhớ nhung khác nhau và độc đáo của thi nhân viết về con đường làng: Đường làng là con đường thơm: “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm / Người cùng tôi đi giữa đường thơm” (Đi giữa đường thơm, Huy Cận); con đường thầm thĩ cùng ai nỗi niềm: “Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng…” (Lời con đường quê, Tế Hanh); rồi con đường trong tâm cảm của người xa xứ trở về: “Ngày nay dù ở nơi xa/ Những khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre” (Cổng làng, Bàng Bá Lân)…
Ai chẳng có nhiều kỷ niệm với đường làng. Trên con đường làng An Định ngày xưa, in bóng chị em tôi đi đến trường với những bạn cùng lứa tuổi xóm Miễu Tây. Trên đường đi học, tôi cũng như lũ chúng bạn, thường ham mê những chuyện dọc đường: khi bắt chuồn, bắt bướm, hái dú dẻ; khi lội ao làng hái sen, hái súng… Tôi còn nhớ hình bóng những ngày bà cháu tôi đi lễ chùa, tôi và chị Tuyết (chị tôi) chạy lon ton theo dòng người ra đình xem hát hội làng… Rồi cũng trên con đường thân thương ấy, tôi đã đưa chị tôi đi lấy chồng, tiễn anh tôi đi bộ đội, bà tôi ra nghĩa trang ngày bà mất... Và, khi tôi đã là một trang niên thiếu, có một ngày đã chào tạm biệt những người thân và con đường làng để đi học trường tỉnh, ở Quy Nhơn. Hôm ấy, mọi người đầy lưu luyến và con đường làng như cũng có tình cảm như vậy với tôi. Đường ngả mấy cành tre trì níu cái mũ cối trắng tôi đội trên đầu; dứa dại, cỏ chỉ, cỏ gà, hoa mắc cỡ… níu ống quần, giữ guốc tôi lại. Nói sao cho hết những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi với con đường làng.
Từ đó, vì cuộc mưu sinh, tôi không được sống gần gũi với làng, nhiều khi phải xa biền biệt. Nhưng lòng tôi thì chưa bao giờ dám quên con đường trong cảnh làng quê của mình. Ngày tôi trở về, cách đây chưa xa, con đường làng An Định đã được bê tông hóa với mặt đường rộng rãi, phẳng phiu, cổng vào làng xây cao rộng, biển làng tươi màu sơn mới. Và trên đường, xuôi ngược những khách bộ hành, xe cộ... Tôi thầm nghĩ, vậy là những con đường làng hôm nay đã đi đầu trong việc làm thay đổi từ bộ mặt đến cuộc sống vùng quê. Nhưng trong tôi, hoài niệm về những con đường làng vẫn hằn sâu, bằng kỷ niệm.
|