Duyên thơ Gò Bồi
18:26', 28/7/ 2008 (GMT+7)

Gò Bồi, ngôi làng ven sông, một thị tứ nhỏ bé mà thơ mộng, đã gắn bó duyên thơ với nhiều nhà thơ. Từ các cụ khoa bảng ngày xưa, đến Đào Tấn, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và nhiều tên tuổi khác.

 

Lễ giỗ kỵ 22 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu, một hồn thơ đất Gò Bồi. Ảnh: Q.K

 

Ai đã một lần về Gò Bồi, hẳn không quên dòng sông hai mùa nước: đục ngọt, mặn trong. Dòng sông xanh, hai bên bờ đầy tre, đêm đêm vang vọng câu hò với nhịp chèo khuya. Âm thanh êm ả và tình tứ, với thanh sắc rất riêng của một vùng sông kề biển. Mời bạn đi thử một đêm đò dọc từ Gò Bồi về Quy Nhơn:

Gò Bồi cách Giã một đêm trăng

Nồm lay ánh bạc sóng ngân mạn thuyền.

Trên bờ sông, cửa nhà san sát, nghiêng bóng soi mình. Cảnh trên biển, dưới thuyền tấp nập buôn bán. Cách chợ vài dặm về phía Tây, cổ tháp Bình Lâm sừng sững giữa thôn xóm đầy tre xanh. Chùa chiền không ít, nhưng trầm tư và lặng lẽ. Cầu tre dài bắc qua sông, gió chiều lồng lộng, tựa vào thành cầu chờ trăng lên, tình thơ thấy nao nao. Sông nước đã lắng vào lòng người và có sức lôi cuốn lạ. Chẳng thế mà nhiều nhà giáo, nhà thơ ngày xưa đã về đây trú ngụ và lập nghiệp, như ông Giáo Cửu, cụ Tú Thọ…

Gò Bồi trên bến dưới thuyền

Nồm đưa khách đến trăng nghiêng soi mời

Gia đình ông Đào Đức Ngạc (thân sinh cụ Đào Tấn) đã ngụ tại Gò Bồi, sau vì hương lý địa phương kỳ thị, nên cụ phải trở về làng Vinh Thạnh. Thấy những bất bình, cụ viết:

Gò Bồi dân chúng đã kêu vang

Hết việc quan gia đến việc làng

Xâu thuế quanh năm lo muốn chết

Mà đêm nằm ngủ cũng không an

(Theo tài liệu của Mạc Như Tòng)

Ngoài cụ Đào, còn rất nhiều nhà khoa bảng lúc bấy giờ, như cụ Huấn Lâm, cụ cử Trang, cụ nghè Bốn, cụ nghè Sáu (cậu ruột nhà thơ Xuân Diệu) và nhiều cụ Tú khác đã sinh trưởng ở Gò Bồi và sáng tác nhiều bài thơ chan chứa tình cảm, mà nay đã thất lạc nhiều.

Gò Bồi không những là thắng cảnh, mà còn là nơi Xuân Diệu chào đời, là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn với tuổi thơ ông. Xuân Diệu đã viết nhiều bài thơ về quê ngoại thật nồng nàn, tha thiết:

Quê ngoại là gì, quê ngoại là ai?

Mà tôi xa cách ba chục năm hoài

Bồi hồi sóng nước buâng khuâng gió

Đầm đậm cá chuông thơm thơm khoai

Nhắc đến Xuân Diệu mà quên nhắc Huy Cận quả là một điều thiếu sót vì tình bạn nửa thế kỷ của họ. Gò Bồi đã chào đón ông Huy Cận từ thuở “Lửa thiêng”. Trong bài giới thiệu tập thơ “Gò Bồi quê mẹ”, ông viết:

“Tôi đã về thăm vạn Gò Bồi vài lần cùng anh Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, đi đò dọc từ Quy Nhơn.

Tôi đã được bà ngoại cho ăn cơm và bánh quê hương như là cháu của ông… Ôi cuộc đời sao có những tình cảm dằng dặc như vậy nó làm nên sướng vui đau khổ một đời. Bạn tôi mất đi nhưng vạn Gò Bồi còn đó và vì vạn Gò Bồi còn đó nên bạn tôi mãi mãi còn về”.

Ngày khánh thành nhà tưởng niệm Xuân Diệu, Huy Cận say sưa nhắc lại những kỷ niệm của tình bạn và đã vui sướng đón nhận Gò Bồi làm quê hương thứ hai của mình.

Gò Bồi tuy nhỏ bé, nhưng có đến hai bà mẹ của hai nhà thơ lớn đã từng gắn bó nơi đây. Bà Nguyễn Thị Hiệp thân mẫu nhà thơ Xuân Diệu, cô hàng nước mắm một thời “Sắc nước hương trời, kết duyên cùng cụ tú Ngô Xuân Thọ từ Hà Tĩnh vào đây dạy học. Chuyện tình thật đẹp, nhưng cũng đầy nước mắt. Sau khi xa chồng, cụ nương náu nơi nhà ngoại ở Gò Bồi. Mãi đến năm 1954, cụ tập kết ra Bắc ở với Xuân Diệu cho đến ngày qua đời.

Bà Nguyễn Thị Duy (thân mẫu nhà thơ Hàn Mặc Tử) những ngày cuối đời cũng đã âm thầm sống nơi bến Chuông, bên cạnh hồ sen, ven sông Gò Bồi. Ngày nay, mộ bà hiện còn tại thôn Kim Giản, Gò Bồi. Và cũng chính nơi đây, năm 1939 Hàn Mặc Tử đã ẩn náu ở nơi đây để trị bệnh. Anh Lê Hoàn, người hàng xóm, một cựu học sinh Trường Collège Quy Nhơn đã chép được những bài thơ, trong đó có bài “Đây thôn Vĩ Dạ”:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Phải chăng hình ảnh Gò Bồi đã đi vào thơ anh qua hai câu thơ cuối của bài thơ này.

Duyên thơ Gò Bồi không dừng ở các nhà thơ tên tuổi, mà lan tỏa khắp vùng Gò Bồi và đi sâu vào lòng người yêu thơ. Niềm yêu ấy đã thể hiện qua tập thơ “Gò Bồi quê mẹ” xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Xuân Diệu. Trong tập thơ, có hơn 10 tác giả là người Gò Bồi. Họ đã viết với tất cả tấm lòng như lời giới thiệu của nhà thơ Huy Cận: “Tôi không phải là người Gò Bồi mà đọc bài thơ các câu thơ tập hợp trong quyển này tôi bồi hồi xúc động và tôi cảm thấy như mình cũng gắn bó máu thịt vào mảnh đất tình nghĩa này, chắc hẳn vì các bạn viết về Gò Bồi với tất cả cảm tình sâu lắng về quê hương nồng đậm này, nồng đậm không chỉ vì hương vị thơm ngon của nước mắm Gò Bồi  nổi tiếng mà trước hết là vì vùng quê trên bến dưới thuyền này quy tụ bao nhiêu nghĩa tình truyền thống…”.

  • Nguyễn Phúc Liêm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương vị quê nhà  (28/07/2008)
Gia vị đất Võ  (28/07/2008)
Cảm xúc đường làng  (28/07/2008)
Nơi bồi đắp cho tình yêu gốm  (28/07/2008)
Ba làng võ nổi tiếng của Bình Định  (28/07/2008)
Hồn võ trong hát bội Bình Định  (28/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)
Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu  (04/07/2008)