Sông Côn: từ nguồn ra biển
18:33', 28/7/ 2008 (GMT+7)

* Bút ký của Lê Hoài Lương

Dòng sông “nội địa” này kể cả những ngóc ngách suối nguồn về tới biển cũng chừng hơn trăm cây số, nhưng trong ào ạt thác lũ hay lững lờ xanh trong của nó đã chứa đựng những biến thiên vật đổi sao dời, những vỉa tầng văn hóa ngàn năm, những giá trị hiện thực và huyền thoại làm nên khí chất một vùng đất. Và, với những hàm chứa này, bằng cỡ kích khiêm tốn của mình, sông Côn đã làm một cuộc phiêu du vĩ đại…

 

Một khúc sông Côn. Ảnh: V.T

 

* Xuôi ngược theo dòng

Xin bắt đầu bằng nơi kết thúc hành trình của sông Côn: cửa Cách Thử và đầm Thị Nại. Sông đã hòa với biển, đã không còn là nó nữa. Nhưng sông òa vỡ theo cái cách hân hoan và bi hùng của nó cũng là độc nhất vô nhị. Cửa Cách Thử từng là một hải cảng Nước Mặn sầm uất của Đàng Trong với các tàu buôn người Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan… vào thế kỷ XVI- XVII. Chuyện dân gian truyền rằng: chợ Cách Thử xưa sôi nổi cả người dương thế lẫn cõi âm. Nhiều khi mang tiền về nhà chỉ thấy toàn tiền vàng mã cho cõi âm. Bởi vậy, chợ đêm phải “thử tiền” bằng cách bỏ vô chậu nước, tiền chìm là tiền thật của người sống. Chuyện thử tiền chỉ là cách giải thích huyền hoặc về tên vùng đất một thời bán buôn tấp nập, nhưng những trận thủy chiến bi hùng nơi cửa sông của những vương quốc xưa mà sử sách còn ghi. Nơi đây từng có những cuộc đối đầu sinh tử của hàng vạn chiến binh trên các thuyền chiến đủ các cờ hiệu: Lý, Trần, Hồ, Lê của Đại Việt, Mông Cổ, Chiêm Thành và nhất là cuộc giằng co cuối cùng đến 10 năm của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Khi nhà Tây Sơn mất, cửa Cách Thử bị “trời” lấp thành bãi cát dài 7-8 cây số, núi đảo Triều Châu phía trước thành bán đảo Phương Mai bây giờ che chắn cho một Quy Nhơn tương lai.

Tận nơi ngọn nguồn vùng núi rừng Vĩnh Thạnh còn dấu tích kỳ bí của thành đá Tà Cơn như một thách đố cho các khảo sát trong tương lai về một nền văn minh tối cổ. Trong cuốn biên khảo đồ sộ “Làng Cây Dừa” (cũng là tên khác của Vĩnh Thạnh), PGS-TS Diệp Đình Hoa đã có những cứ liệu chứng minh rằng xưa kia biển đã đến tận vùng núi này. Nghĩa là thời ấy sông Côn chỉ là những dòng suối nhỏ ầm ào dốc thác.

Nhưng biển đã lùi xa, sông đã chảy nên làng. Quanh các chi lưu cường tráng của sông từ thượng nguồn xuôi về hạ bạn. Và nên các vương triều. Từ thế kỷ VII đã có thành Chas của xứ Lâm Ấp, thành Đồ Bàn từ đầu thế kỷ XI, thành Hoàng Đế cuối thế kỷ XVIII. Sông đã chảy qua vùng kinh đô các vương triều mười mấy thế kỷ, đã chảy qua bao dấu tích phế hưng, nhiều vật đổi sao dời chỉ còn thấp thoáng trong mỏng manh trang sử và truyền thuyết, nhưng vẫn còn. Theo cuộc lãng du qua nhiều biến động của mình, sông đã giữ lại những giá trị lớn làm nên diện mạo một vùng đất.

 

Thành đá Tà Cơn (Vĩnh Thạnh). Ảnh: L.H.L

 

* Đất võ trời văn

Từ lâu Bình Định được mệnh danh là miền đất Võ. Miền biên viễn nước Đại Việt từ cuối thế kỷ XV sau cuộc chinh nam của vua Lê Thánh Tôn này đã là môi trường tất yếu của sự tồn tại nhiều bậc kỳ tài và trượng nghĩa lập nghiệp. Không kể ba anh em Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mà cuộc khởi nghĩa nửa cuối thế kỷ XVIII của họ đã làm nên đám cháy vĩ đại thiêu rụi nhanh chóng những tập đoàn phong kiến mục ruỗng, xây dựng một vương triều chói sáng rồi vụt tắt bi hùng nhất lịch sử đất nước với những chiến công chống ngoại xâm hiển hách. Nhà Tây Sơn 29 năm từ thuở phất cờ đến kết thúc đã là sự chung tay của những hiệp khách võ nghệ lẫy lừng. Không kể những trang nam tử Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Võ Đình Tú, Lê Văn Hưng, Đặng Xuân Phong, Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long… tên tuổi nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân và đội nữ binh của bà vẫn là chỗ dựa cuối cùng trung thành, dũng mãnh của cơ nghiệp, mà trận chiến thành Đâu Mâu là cuộc tỏa sáng cuối cùng của những bậc nữ lưu anh hùng.

Ngoài Tây Sơn, An Thái của “đất vua” An Nhơn cũng là địa danh nổi tiếng của đất Võ. Nơi đây thầy giáo Trương Văn Hiến mở trường dạy học và có những học trò lừng lẫy: ngoài anh em nhà Tây Sơn còn là các võ tướng: Phan Văn Lân, Đặng Văn Long… Nơi đây, có lò võ ông Tàu Sáu (Diệp Trường Phát) như một cuộc tiếp sức cho nền võ học Bình Định nổi tiếng đến nửa đầu thế kỷ XX. Và cũng nơi đây, trên bãi cát sông Côn hàng năm có Lễ hội Đổ giàn An Thái đầy tinh thần thượng võ. Phần thưởng cho cuộc thắng chỉ là con heo quay nhưng luôn là khát vọng của các lò võ tên tuổi trong vùng. Bên kia sông là An Vinh, xế lên vài cây số là Thuận Truyền. “Trai An Thái, gái An Vinh”, “roi Thuận Truyền, quyền An Thái”… cũng chỉ là thuận miệng mà thành tiêu biểu, chứ có làng thôn nào của Bình Định không có lò võ đâu? Người chuyên tâm theo đòi hay dăm tháng học cơ bản hộ thân, nam hay nữ, hễ lớn lên là học võ, luyện võ. Và có thể lấy câu ca dao này mà hình dung một phần đất võ: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền”.

Có thể nhiều lý do nhưng phần vì chiến chinh thất tán nhiều, nên nền văn học Bình Định còn lại nổi danh muộn hơn võ. Ngoài danh sĩ phía bắc tỉnh (người gốc Thanh Hóa) Đào Duy Từ, sông Côn đã lưu lại theo suốt chiều dài của nó những tên tuổi lớn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Những kẻ sĩ thời lều chõng tài hoa và đầy khí chất như Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Bá Huân, Hồ Sĩ Tạo, Đào Phan Duân, Đào Tấn… Trong đó, nhà thơ, nhà soạn tuồng, nhà lý luận sân khấu - danh nhân văn hóa Đào Tấn để lại sự nghiệp đồ sộ hơn cả. Ông được tôn vinh là Hậu tổ tuồng hát bội. Thế kỷ XX, từ nguồn Vĩnh Thạnh qua Tây Sơn, An Nhơn đổ ra Tuy Phước, sông Côn đã kịp ghi tên tuổi những nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu nổi tiếng: Diệp Đình Hoa, Quách Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan, Mịch Quang, Nguyễn Mộng Giác… Cũng cần nhắc lại rằng thời Thơ mới còn hai thi sĩ trứ danh Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cùng sống, viết ở Bình Định và hợp với Quách Tấn, Yến Lan làm nên “Trường thơ Bình Định” sừng sững. Nhóm “Bàn thành tứ hữu” này còn thu hút cả thi sĩ siêu thực tài năng Bích Khê từ Quảng Ngãi vào. “Trời Văn” có thể thuận miệng để kèm với “đất Võ”, nhưng chắc rằng chỉ dọc theo sông Côn với những tên tuổi đã mặc định uy tín về chuyên môn trong giới, cũng thấy được trong cuồn cuộn sóng lũ của mình, sông còn thực sự mơ mộng và suy tư, đúc kết và khám phá những chiều kích đầy triết lý và nhân bản.

 

Sông Côn đoạn qua Định Bình. Ảnh: L.H.L

 

* Có một không gian văn hóa

Có mối liên hệ nào không từ những lời khan đêm này qua đêm khác của các già làng đầu nguồn những sử thi Bana K’riêm, Bana Konkđeh… kể về những cuộc tình đẹp, những con người dũng cảm; với những đêm hát bội suốt sáng, những vở tuồng kinh điển của cụ tú Huỳnh Phủ Nguyễn Diêu (tôn sư và nghiệp sư Đào Tấn) và người học trò lừng danh của ông, những vở hát chung cuộc vẫn đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, nôm na là dạy cách làm người? Sông Côn đã thức thâu đêm hằng bao nhiêu thế kỷ cho lời ngợi ca truyền khẩu và những đêm diễn miên man như máu thịt người Bình Định? Chợt nhớ những phát hiện rất khoa học của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn về điệu Lan Lăng vương - điệu nhạc múa cung đình Chàm lưu lạc trên đất Nhật - rồi nguồn gốc phức tạp của chữ “bội” (hát bội) từ âm tiếng Chăm, tiếng Nhật, tiếng Hán… như một cách lý giải vì sao Bình Định trở thành cái nôi của hát bội. Cũng chỉ ở đất này, “lệ làng” không vị quan đầu tỉnh nào (dù ở tỉnh khác tới cai quản) không thực hiện là, cuộc hát Văn Miếu đầu năm để phong chánh ca, phó ca cho những nghệ sĩ tài danh của hát bội! Người Bình Định của tiếng trống chầu và thuộc làu tuồng tích, thuộc làu cách diễn từng vai, diễn tới trăm lần vẫn cứ hấp dẫn nếu “diễn đúng”, cái đúng tinh tế đã được thừa nhận, cảm nhận một cách sâu sắc từ lời hát châu ngọc…- người Bình Định của cực đoan và thẳng thắn, quyết liệt bảo vệ các giá trị. Bỗng thấy những nhân vật trong các tuồng tích dù mượn sử, dã sử Trung Quốc: Quan Công, Châu Thương, Tiết Cương… có những tương đồng của khí chất Bình Định!

Nếu võ, văn, chưa đủ thuyết phục thì sông Côn còn “hiện vật” chinh phục mọi người: tháp Chàm. Với 8 cụm, 14 tháp (có một phế tháp Bà Chằng trên Hòn Chuông, Núi Bà), và nhất là còn khá nguyên vẹn, mang phong cách cuối cùng đáng kể của kiến trúc Chăm theo đánh giá của các nhà khoa học, kiến trúc thế giới từ nửa đầu thế kỷ XX (chủ yếu là vẫn dựa theo nhà nghiên cứu kiến trúc người Pháp P. Stern đưa ra năm 1942), đó là các phong cách: Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn A1, Bình Định là những phong cách đặc sắc. Vốn quý của kiến trúc Chăm này đều nằm dọc theo lưu vực sông.

Rồi rượu Bàu Đá, gốm Gò Sành, bún Song Thằn, nón ngựa Gò Găng, nem Chợ Huyện… cũng đều là những sản vật lừng danh.

Giải thích thế nào về việc tháp Chàm và hát bội phát triển theo dọc sông Côn như một điều bí ẩn? Và đơn giản như cuộc giáp lưng nhau ba xã sở hữu ba “lò” nổi tiếng: gốm Gò Sành (Nhơn Hòa), rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc) và võ nghệ, bún Song Thằn An Thái (Nhơn Phúc)? Sẽ không có giải thích nào cả ngoại trừ một ghi nhận: sông Côn kiêu hùng và tài tử, giàu có đến ngạc nhiên!

* Từ nguồn ra biển

Cuộc “can thiệp” của con người vào diện mạo sông Côn bắt đầu từ nguồn, từ những năm 80 thế kỷ trước: thủy điện Vĩnh Sơn. Tuy công suất chỉ 65 MW nhưng vô cùng quý giá của buổi đầu góp vào lưới điện quốc gia cho công cuộc rầm rộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con người đang học cách viết nên huyền thoại mới khi rừng đại ngàn ngân nga ánh điện và vắt qua những triền núi cao đường dây 500KV hòa cả ba miền. Cách thủy điện Vĩnh Sơn mươi cây số, con người đã biến những trùng trùng vách núi thượng nguồn sông Côn thành công cuộc cải tạo, điều tiết nguồn nước quý giá để tưới xanh cánh đồng các huyện Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước bằng con đập bê tông sừng sững chắn ngang vùng thung hẹp thượng nguồn, công trình hồ chứa nước của đầu tư quốc gia này có tên Định Bình. 700 hộ dân vùng cao đã di dời cho một hồ chứa 240 triệu mét khối nước, một điểm nhấn kỳ vĩ và duyên dáng của con người và sông như cuộc phối ngẫu của bất ngờ nhan sắc và niềm yêu.

Và với khát vọng khôn nguôi của mình, sau lộ trình dằng dặc qua ngàn vạn năm với tầng tầng những biến thiên và chuyển động của văn hóa, lịch sử, cuộc hội ngộ cuối cùng của sông với biển lại thêm một khát vọng mới của con người: cầu Thị Nại nối Quy Nhơn qua bán đảo Phương Mai, cây cầu-vồng-hiện-thực vượt biển dài nhất Đông Nam Á mở ra cho Bình Định cơ hội vươn tới một trù phú xứng tầm. Nếu như cuộc hàn cửa Cách Thử trời làm đầu thế kỷ XIX chuẩn bị cho một Quy Nhơn tương lai thì cuộc vươn dài qua mặt đầm hôm nay là đến với những khu công nghiệp, cảng biển nước sâu và dọc dài bờ biển đẹp đầy tiềm năng du lịch cần đánh thức cho một Quy Nhơn biết hàm ơn và toan tính. Kết thúc hành trình của sông Côn để hòa vào biển lớn cũng lại là bắt đầu cho hòa nhập một rộng rãi hy vọng vươn lên giàu có, thịnh vượng của vùng đất nối tiếp những vàng son và quên lãng, khát vọng và hy vọng mà mới vài năm nay đã được Chính phủ phê duyệt là một trong 5 tỉnh kinh tế trọng điểm của miền Trung.

Sông Côn. Đã và đang chảy. Từ nguồn ra biển…

  • L.H.L
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Duyên thơ Gò Bồi  (28/07/2008)
Hương vị quê nhà  (28/07/2008)
Gia vị đất Võ  (28/07/2008)
Cảm xúc đường làng  (28/07/2008)
Nơi bồi đắp cho tình yêu gốm  (28/07/2008)
Ba làng võ nổi tiếng của Bình Định  (28/07/2008)
Hồn võ trong hát bội Bình Định  (28/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)
Mở rộng biên độ thông tin trên báo địa phương  (04/07/2008)
Những kết quả đáng khích lệ  (04/07/2008)
Cần sự quan tâm nhiều hơn  (04/07/2008)
Nhơn Lộc xây dựng Xã văn hóa  (04/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định và xây dựng thương hiệu địa phương  (04/07/2008)