Nhà hát Tuồng Đào Tấn là “người nối dõi” của một đơn vị nghệ thuật lớn thuộc Trung ương, từng là một “ gương mặt quốc gia” về sân khấu. Đó là Đoàn Tuồng Liên khu 5 nổi tiếng ngày nào. Cần phải làm như thế nào để Nhà hát đủ sức gánh vác trọng trách lớn lao của mình?
|
GS Trần Văn Khê và các diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn trong chuyến lưu diễn tại Đức. Ảnh: ST
|
Từ một “gánh” tuồng cách mạng đầu tiên (chữ của GS. Hoàng Châu Ký - ông “bầu” gánh thuở ấy), được thành lập hơn 55 năm trước tại Bình Định, với vỏn vẹn chín thành viên, đến Đội Tuồng tập kết gồm 22 diễn viên, nhạc công, trong 22 năm ở miền Bắc (1954-1976), Đoàn Tuồng Liên khu 5 đã trở thành một đơn vị nghệ thuật sân khấu hàng đầu với lực lượng hùng hậu những nghệ sĩ kiệt xuất, dàn kịch mục hết sức phong phú và độc đáo. Đây là một trong những bằng chứng sinh động nhất về sự phục sinh và thăng hoa của nghệ thuật truyền thống dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
Những năm tháng đó, các vở “Sơn Hậu”, “Tam nữ đồ vương” (được chỉnh biên thành “Ngọn lửa Hồng Sơn”), “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”... của Đoàn Tuồng Liên khu 5 được giới sân khấu học trong và ngoài nước đánh giá là những đỉnh cao của sân khấu dân tộc.
Tháng 6 năm 1976, khi ký văn bản bàn giao Đoàn Tuồng Liên khu 5 về đứng chân tại Quy Nhơn, chuyển giao đơn vị nghệ thuật thuộc Trung ương về cho địa phương quản lý, chắc chắn, lãnh đạo Bộ Văn hóa hồi ấy không hề nghĩ rằng phiên hiệu Tuồng Liên khu 5 không còn cần có mặt trong danh sách các đơn vị nghệ thuật Quốc gia và cũng không hề là việc cho “xuống hạng” một đơn vị nghệ thuật. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: đưa các đơn vị nghệ thuật có nguồn gốc miền Nam về các địa phương miền Nam để làm nòng cốt phát triển nghệ thuật cách mạng; và hy vọng khi trở lại với những cái nôi đã sản sinh ra mình, các đơn vị này sẽ có môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn.
Hơn thế, với Đoàn Tuồng Liên khu 5 trở về với Bình Định không hẳn là về với một địa phương, mà là về với một “thủ đô” khác, thủ đô truyền thống của nghệ thuật tuồng. Bình Định, quê hương của hậu Tổ tuồng Đào Tấn, “tụ nghĩa đường” của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh của tuồng miền Trung, là nơi mà mỗi người dân đều là những “Mạnh Thường Quân bất diệt của nghệ thuật tuồng” như lời nhà nghiên cứu Mịch Quang.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau khi Đoàn Tuồng Liên khu 5 về với Bình Định khoảng một năm, tại Quy Nhơn đã diễn ra cuộc gặp gỡ lớn nhất, có ý nghĩa nhất của các nghệ sĩ tuồng cả nước. Trong hội thảo lần thứ I về Đào Tấn. Trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương hè 1977, các nghệ sĩ tuồng danh tiếng nhất của ba miền, sau lễ dâng hương hậu Tổ Đào Tấn tại Vinh Thạnh, đã trình diễn những vai tuồng để đời của mình. Cố NSND - Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, người có mặt ở cuộc gặp gỡ không thể nào quên này, nhiều năm sau, khi nhắc lại, ông nói rằng đó là những ngày rất hạnh phúc của cuộc đời ông khi được tận mắt những tinh túy, những tuyệt kỹ của sân khấu dân tộc...
Đỉnh cao hoạt động của Nhà hát sau giải phóng là những năm 80, khi nhà hát có tới ba đơn vị biểu diễn (một gồm các nghệ sĩ chủ lực chuyên dàn dựng tiết mục mới, một tập hợp các nghệ nhân chuyên khai thác phục hồi vốn cổ và một gồm các diễn viên trẻ trưởng thành từ phong trào), một phòng nghệ thuật làm công tác nghiên cứu lý luận và ba lớp đào tạo diễn viên trẻ được liên tục tổ chức. Những năm 90, bên cạnh việc phục hồi được nhiều pho tuồng cổ lớn như “Sơn Hậu”, “Tam nữ đồ vương”, “Giang tả cầu hôn”, “Cổ thành”, “Hộ sanh đàn”, “Đông Lộ Địch”... Nhà hát cho ra đời hàng loạt vở diễn mới đủ các loại đề tài lịch sử, dân gian, dã sử, hiện đại, với những mạnh dạn cách tân, đổi mới, với khát vọng làm tuồng sống được trong cuộc sống đương đại, chinh phục được thế hệ trẻ hôm nay.
Trong bốn lần Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc các năm 1985, 1990, 1995, 1999, với bốn tiết mục gây được tiếng vang: “Sao Khuê trời Việt”, “Sáng mãi niềm tin”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Trời Nam”, Nhà hát luôn đạt Huy chương Vàng. Đây là một thành tích mà hầu như không có đơn vị nghệ thuật nào làm được, kể cả những đơn vị được coi là tiêu biểu của đất nước hiện nay. Sự quan tâm chăm sóc và đầu tư không mệt mỏi của lãnh đạo tỉnh, sự định hướng đúng đắn của ngành văn hóa, sự bổ sung nguồn nhân lực từ các lò tuồng truyền thống, và việc tích cực thu hút chất xám từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đã là những điểm tựa vững chắc để Nhà hát đứng vững và phát triển vươn đến những đỉnh cao mới ngay cả trong “cơn đại hồng thủy của cơ chế thị trường” (nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn).
|
Cần đầu tư để Nhà hát Tuồng Đào Tấn có kế hoạch đào tạo diễn viên trẻ một cách sáng tạo và thực tế hơn. Ảnh: Hoài Thu
|
Những năm gần đây, giữa cơn “thoái trào” chung của nghệ thuật tuồng, những gì Nhà hát làm được vẫn là một kỳ tích. Nhưng so với chính quá khứ của mình, với Đoàn Tuồng Liên khu 5 năm xưa hay Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình những năm 80, có thể nói, chúng ta đang “phú quý thụt lùi”. Đúng như Giám đốc Nhà hát, NSND Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận, so với những công việc phải làm, cái đích phải đạt, lực lượng Nhà hát hiện rất mỏng. Vậy vấn đề bây giờ là làm thế nào để giúp Nhà hát Tuồng Đào Tấn đủ sức gánh vác trọng trách lớn lao của mình?
Có nhiều việc phải làm, nhưng tôi chỉ xin đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhà hát cần phải được quản lý và đầu tư sao cho tương xứng với vị trí và nhiệm vụ của mình.
Trước hết, như chúng ta thống nhất xác định, dù là đơn vị nghệ thuật do địa phương quản lý, với bề dày truyền thống và những thành tựu, với vị trí quan trọng và gánh nặng trách nhiệm mà lịch sử nghệ thuật tuồng đã ghi nhận và giao phó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn là một đơn vị nghệ thuật có tầm vóc Quốc gia, tính chất Quốc gia. Điều đó, về mặt quản lý, cần chính thức xác nhận. Điều này rất quan trọng vì nó liên quan tới chính sách đầu tư. Những năm qua, Bình Định thực sự đã dốc túi cho những yêu cầu về xây dựng và phát triển Nhà hát Tuồng Đào Tấn và sắp tới chắc chắn cũng thế. Nhưng cho dù là thủ đô của nghệ thuật Tuồng, thì Bình Định hiện vẫn là một tỉnh nghèo. Đã đến lúc, các nhà quản lý nghệ thuật của đất nước cần đưa Nhà hát Tuồng Đào Tấn vào trong phạm vi trách nhiệm trực tiếp của mình. Nhà hát Tuồng Đào Tấn là một Nhà hát Quốc gia ở địa phương, tại sao không? Một nhà hát Quốc gia tại địa phương là một nhà hát mà Trung ương và địa phương cùng phân công, hợp sức chăm lo. Có như thế, Nhà hát Tuồng Đào Tấn mới có thể nghĩ tới những chương trình lớn, có tính chiến lược. Chẳng như quy tụ các nhà khoa học nghệ thuật giàu vốn liếng, kinh nghiệm và tâm huyết để bắt tay trở lại công tác nghiên cứu lý luận về tuồng Đào Tấn. Hay như việc khẩn trương bắt đầu, trước khi quá muộn, kế hoạch đào tạo diễn viên trẻ một cách sáng tạo và thực tế hơn, để có nguồn bổ sung những tài năng trẻ cho Nhà hát. Thực tế cho thấy việc đào tạo diễn viên nghệ thuật biểu diễn truyền thống dựa vào hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật thường ít hiệu quả. Một số nhà khoa học nghệ thuật cho rằng các bộ môn sân khấu truyền thống cần có một hệ thống tổ chức và phương thức đào tạo riêng và phương thức truyền nghề của tiền nhân là hết sức hiệu quả. Vậy tại sao Nhà hát lại không thể tổ chức ra một Học Bộ Đình riêng cho mình. Tôi tin là nếu có một Học Bộ Đình riêng của mình, Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ chủ động hơn rất nhiều trong việc chọn mời thầy hay, định ra chương trình giảng dạy phù hợp, hấp dẫn và hiệu quả, có chế độ ưu đãi tài năng trẻ, kết hợp học và hành để kích thích các học viên trẻ khổ luyện thành tài. Học Bộ Đình của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nếu có, rất có thể sẽ trở thành một trung tâm đào đạo tuồng mà cả nước đang cần...
|