Kết tinh của đất và người
20:46', 28/7/ 2008 (GMT+7)

Phù điêu Quang Trung do các nghệ nhân làng đúc Bằng Châu (An Nhơn) thực hiện.

Đến và thụ cảm trên đôi tay những sản phẩm truyền thống của làng nghề, trong ta luôn đánh động về những giá trị tâm thức cội nguồn. Yêu tha thiết những sản phẩm ấy, lòng ta, không tránh khỏi những tiếc nuối mặn lòng.

* Từ bàn tay tài khéo của ông cha

Một chiếc lư hương đúc từ thời Tự Đức, tìm thấy tại thị trấn Bình Định (An Nhơn), thân lư khắc bốn chữ “Thọ Tỷ Nam Sơn”, nét khắc sâu, rõ ràng, thể hiện trình độ kỹ thuật cao. Đỉnh lư là lân, con vật cõng trên lưng thời gian và trong mỹ thuật cổ, là biểu trưng cho thời gian. Thân lư đúc hình những ngôi sao, biểu tượng của không gian. Trên một chiếc lư đồng đã bao hàm cả một quan niệm về vũ - trụ.

Còn đây, sản phẩm gốm cổ của đất Bình Định xưa. Đứng trước những tạo phẩm thô mộc, với màu men tiến dần đơn sắc, những họa tiết trang trí bình dị, tưởng như ta đang chạm tay vào một nét gì đó rất riêng, có thể là một phần tâm hồn của một vùng đất. Không chỉ thuần túy kỹ thuật, dù những sản phẩm này thể hiện một trình độ kỹ thuật cao, chúng còn là một phần di sản văn hóa mà thế hệ trước trao truyền cho thế hệ hôm nay.

Nhưng đâu chỉ một, hai sản phẩm như vậy, mà trên 40 làng nghề truyền thống hiện tồn tại trên đất Bình Định này, ta đều có thể bắt gặp không ít những tạo phẩm kết tinh của trí sáng tạo, tâm hồn đất và người Bình Định như vậy. Mỗi sản phẩm có thể tinh xảo, có thể rất thô mộc, nhưng đều hàm chứa chút gì đó trong quan niệm tư tưởng triết lý về trời - đất và con người, thấm đượm tư tưởng, tình cảm và quan niệm thẩm mỹ trong bản sắc văn hóa của một vùng đất. Nào là những chiếc võng trân đan từ cây Tàu thơm, nào là những làng bánh tráng - món ăn trên lưng ngựa từng theo chân các chiến binh Tây Sơn khi xưa, rồi làm nước mắm - thứ “phẩm vị chi nhất” theo đánh giá của Lê Quý Đôn, đến cả chiếc nón ngựa, rồi nón lá…

Ở một mảnh đất từng là chốn phiên trấn, rồi kinh đô và tỉnh lỵ; ở một nơi từng là “trung tâm giao dịch và mạng lưới vận chuyển nối liền Thuận Quảng, khu trung tâm của Đàng Trong với đồng bằng sông Cửu Long”, và cũng là “điểm dừng cuối ven biển của lộ trình kết nối với mạng lưới buôn bán phát sinh từ Ayudhaya- Bangkok” (GS Keith W.Taylor) thì thật dễ thống nhất với nhau, rằng: con số trên chỉ là số làng nghề còn lại sau bao thăng trầm và biến động lịch sử.

Không tiếc nuối sao được khi mà làng nghề truyền thống đang trong vận bĩ. Sản phẩm làm ra không tiếp cận được với thị trường. Những thợ tài khéo năm xưa, nay mất dần, không người kế cận. Thay vào những sản phẩm tinh xảo, từng là niềm tự hào trước đây trong mỗi người Bình Định, chúng ta đang “bỏ vàng nhặt đất” khi sản xuất ra những sản phẩm rẻ tiền, sút kém về kỹ thuật, phôi pha bao nhiêu phần hàm lượng văn hóa gốc. Không tiếc nuối sao được khi so với cả nước, làng nghề truyền thống ở Bình Định chỉ ở cấp C (dưới 50.000 lao động), sản xuất quy mô nhỏ; điều kiện hạ tầng của làng nghề vẫn ở mức trung bình. Khả năng giữ gìn bản sắc văn hóa ở các làng nghề cũng chỉ nằm ở mức trung bình.

Trong khi đó, như ta đã biết, sản phẩm gốm của những người thợ thủ công đất này, đã được tàu buôn chở đi khắp Ấn Độ Dương, biển Ả Rập thế kỷ XV và XVI; nghề gốm Bình Định nối dài bằng nghề gốm ở Quảng Đức (Phú Yên) - tiếng vọng của gốm Gò Sành; rồi những nghệ nhân tài khéo của Quy Nhơn vào Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) vào những năm 1720-1750, đã hình thành nên một phường đúc ở làng Nhơn Giang, chợ Quán, mà sản phẩm của phường đúc này được tìm mua khắp trong Nam ngoài Bắc và có mặt ở cả nước ngoài. 

 

Gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (An Nhơn). Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Tiếp sức cho làng nghề

Tiếp sức cho làng nghề - đó là mục tiêu của hàng loạt những động thái mà các cơ quan chức năng Bình Định đang tiến hành. Trong đó, có việc xem xét từng nhóm ngành hàng để có phương án phát triển sản phẩm toàn diện, đầu tư cho các làng nghề gắn với du lịch; quảng bá cho làng nghề truyền thống mà Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là một ví dụ… Đi liền với những động thái đó, các làng nghề cũng sẽ được đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất. Sản xuất ra những sản phẩm giàu hàm lượng văn hóa gốc, có giá trị thương mại cao, nhằm bảo lưu và phát triển các làng nghề truyền thống, là đích đến của những việc làm này. 

Tuy nhiên, vấn đề không dừng ở sản xuất mà còn ở việc sử dụng những sản phẩm thủ công đó như thế nào. Người tiêu dùng hôm nay, nhất là khách nước ngoài, mua một sản phẩm thủ công truyền thống, không chỉ là mua một món hàng mà họ còn mong muốn được chia sẻ một kinh nghiệm về sản phẩm đó, những ý nghĩa phi vật thể nội hàm, về phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công của sản phẩm.

Như vậy, thay vào chỉ sản xuất ra những sản phẩm rẻ tiền, bán ngay theo ý thức thực dụng thông thường, chúng ta phải sản xuất ra những sản phẩm thủ công truyền thống có giá trị văn hóa gốc, gắn với giá trị lịch sử. Bên cạnh đó, những chú dẫn cụ thể về nơi sản xuất, các công đoạn sản xuất thủ công, ý nghĩa biểu trưng về văn hóa, giá trị lịch sử… đi kèm với mỗi sản phẩm thủ công làm cho khách hàng nước ngoài, khi mua một sản phẩm thủ công truyền thống, cũng là tìm hiểu thêm được một nét văn hóa Việt. Hội Làng nghề Truyền thống trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 cũng sẽ tổ chức theo hướng này. Bên cạnh giới thiệu sản phẩm đặc trưng, Hội Làng nghề còn tổ chức khu trình diễn quy trình sản xuất theo đúng phương thức truyền thống và biểu diễn các nét sinh hoạt văn hóa của làng nghề. Tuy nhiên, nếu sau Festival, ở một số làng nghề mang tính đặc trưng, chúng ta cũng tổ chức được hình thức này, thì hẳn sản phẩm làng nghề sẽ có sức thu hút hơn với khách du lịch.  

Mỗi nghệ nhân, mỗi người thợ thủ công là một vốn quý. Mỗi làng nghề là nơi ẩn chứa một phần của hồn Bình Định, một nét trong bản sắc văn hóa Việt. Phát triển làng nghề không chỉ là con đường thiết thực xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp - nông thôn hiệu quả, mà còn là tích cực bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà hát Quốc gia ở “kinh đô” Tuồng  (28/07/2008)
Nhiều chương trình sinh động và hấp dẫn  (28/07/2008)
Đi chơi xa  (28/07/2008)
Thơ  (28/07/2008)
Sông Côn: từ nguồn ra biển  (28/07/2008)
Duyên thơ Gò Bồi  (28/07/2008)
Hương vị quê nhà  (28/07/2008)
Gia vị đất Võ  (28/07/2008)
Cảm xúc đường làng  (28/07/2008)
Nơi bồi đắp cho tình yêu gốm  (28/07/2008)
Ba làng võ nổi tiếng của Bình Định  (28/07/2008)
Hồn võ trong hát bội Bình Định  (28/07/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2008)
Tác nghiệp ở Trường Sa  (04/07/2008)
Báo chí đã ngân lên tiếng vọng trái tim  (04/07/2008)