1. Bình Định có hai biểu tượng độc đáo cho sự “gặp gỡ” văn hóa Việt - Chăm. Một là “Từ trời xanh rơi vài giọt Tháp Chàm/ quanh Quy Nhơn”, và hai là thành Hoàng đế được xây chồng lên Đồ Bàn. Nhà thơ Văn Cao đã nhìn ra những “giọt Tháp Chàm” như báu vật của trời xanh “rơi” quanh thành phố Quy Nhơn đẹp như một lẵng hoa hồng. Đó là quá khứ hội nhập cùng hiện tại, là sự bí ẩn hiện hình và song hành cùng đời sống. Và khảo cổ học, thực tế hơn, đã “đào bới”, tìm được hai kinh thành Hoàng Đế và Đồ Bàn gần như chồng lên nhau nơi một vùng đất xứng danh là “địa linh”: An Nhơn.
|
Dưới chân tháp cổ. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
Văn hóa bao giờ cũng “chảy” theo cách chảy, theo quy luật của những dòng sông: đó là tích hợp, hòa trộn, gạn lọc, giao thoa, và cuối cùng, là “chảy về chỗ trũng”. Và dòng chảy của văn hóa Chăm tới một ngã ba bất ngờ nào đó, đã gặp gỡ với dòng chảy của văn hóa Việt. Nơi gặp gỡ ở khoảng rộng là miền Trung Việt Nam, ở khoảng hẹp hơn là Bình Định. Nhưng “khoảng hẹp” trong văn hóa nhiều khi lại tích chứa dồn nén sự “hội nhập” văn hóa rõ rệt hơn ở “khoảng rộng”.
2. Đào Duy Từ (1572-1634) là một trong những “nhà hoạch định chính sách” thành công nhất tại Việt Nam từ xưa tới nay, đồng thời là “ông Tổ” của nghệ thuật Hát bội Việt Nam. Vì sao một nhà chính trị, một nhà quân sự lỗi lạc vốn quê Thanh Hóa lại có thể thành công đến thế khi khởi nghiệp tại Bình Định? Vì sao Đào Duy Từ lại khai sáng ra nghệ thuật tuồng? Và tuồng là nghệ thuật dân gian hay cung đình?
Trước hết, theo tôi, có lẽ nghệ thuật tuồng bắt nguồn từ nghệ thuật dân gian của người Chăm, sau đó, được người Chăm “cung đình hóa”. Nhưng Đào Duy Từ, người vốn đã được trang bị văn hóa và am hiểu nghệ thuật Đàng Ngoài, khi tiếp thu nghệ thuật tuồng dân gian Đàng Trong tại Bình Định, thì đã cải biến để tuồng chính thức trở thành nghệ thuật cung đình, nhưng cũng được phổ biến trong quân đội và dân gian. Sau này, Đào Tấn đã nâng tuồng Bình Định lên thành một nghệ thuật hoàn thiện. Thêm một lý do để tuồng có thể sống mạnh khỏe đến như thế tại đất Bình Định cho tới bây giờ, ngoài việc nhờ vào thiên tài cách tân và hoàn thiện nghệ thuật của Đào Tấn, còn nhờ chính vào sự hưởng ứng, yêu mến từ vô thức của người Bình Định - những người đã lưu giữ và nghe âm âm trong máu mình nhịp trống tuồng. Dựa vào lý thuyết vật lý và thông tin của Boltzmann và Shannon, có thể nói là may mắn cho tuồng đã gặp được một “môi trường mở” về văn hóa tại Bình Định, nên mới có cơ hội phát triển như vậy.
|
Ngày Thơ Việt Nam trên đồi Thi Nhân - Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
3. Tới bây giờ, tôi vẫn không hết ngạc nhiên, vì sao từ những năm 30 của thế kỷ XX, tại Bình Định lại xuất hiện với một mật độ dày như vậy những nhà thơ tài năng kiệt xuất: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Có thể kể thêm vào đó Bích Khê của Quảng Ngãi - người coi Bình Định là “môi trường thơ” của mình, coi Hàn Mặc Tử là bạn thơ chí thiết và là “ngòi nổ” cho thành công thơ của mình. Dường như, trong hiện tượng “chói sáng một vùng thơ” này, lại có dấu ấn của hòa nhập văn hóa Chăm - Việt tại một vùng đất mở về văn hóa là Bình Định. Chỉ xin nêu một dẫn chứng: vì sao, khi mới ở tuổi 16, 17 mà Chế Lan Viên đã có tập thơ “Điêu tàn” gây chấn động đời sống văn học thời đó? Ở đây, xin đừng lấy quan điểm xã hội học thô sơ mà giải thích về hiện tượng “chín sớm” của Chế Lan Viên qua “Điêu tàn”. Cũng sẽ rất khó hiểu khi quan niệm văn hóa theo cách nhìn những “môi trường khép kín”. Nhưng sẽ dễ hiểu hơn khi nhìn nhận sự hòa nhập về văn hóa ở vùng đất Bình Định đã là cái nôi, là suối nguồn cho những tài năng thơ trác tuyệt.
4. Thời kháng chiến chống Pháp, Bình Định lại tiếp tục là “thủ phủ” của văn hóa, văn nghệ kháng chiến. Cũng không đơn giản vì Bình Định là nơi Bộ chỉ huy tối cao Khu Năm chọn làm “đại bản doanh”, nên văn nghệ kháng chiến “ăn theo” vào đó mà phát triển. Những Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phạm Hổ, Lưu Trùng Dương… thuở ấy còn rất trẻ, nhưng họ đã kịp lớn lên từ cái nôi Bình Định để, người lên Tây Nguyên, kẻ vào Khánh Hòa, Bình Thuận sáng tác những tác phẩm phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến; đồng thời, tích lũy cho bước đường văn học còn dằng dặc xa của mình. Các loại hình nghệ thuật khác, từ tuồng đến âm nhạc, múa, hội họa… của cả Khu Năm đều được nuôi dưỡng và phát triển bởi Bình Định. Dù những “tác phẩm để đời” của thời kháng chiến chống Pháp ấy trên đất Bình Định còn thưa vắng, nhưng với vai trò “chiếc nôi”, Bình Định đã âm thầm hun đúc nên những nghệ sĩ tài năng cho những năm xây dựng hòa bình ở miền Bắc và nhất là cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Khu Năm sau đó. Và dù ở hai phía, hay trong cuộc đời phải đi theo nhiều hướng khác nhau, nhưng quả thật Bình Định đã “đẻ” ra được không ít những nhà văn, những nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước.
|