Cùng với hàng chục chương trình đang được chuẩn bị rất công phu để góp mặt trong Festival Tây Sơn- Bình Định 2008 - hội tụ và phát triển, Liên hoan Sinh vật cảnh (SVC) Bình Định lần thứ V (năm 2008) hứa hẹn sẽ tạo ấn tượng khó quên cho khách đến với lễ hội bằng sự hội tụ những tác phẩm SVC độc đáo của Bình Định và của mọi miền đất nước.
|
Hội SVC Bình Định đang tuyển chọn tác phẩm cho Liên hoan SVC lần thứ V.
|
* Một liên hoan SVC có quy mô lớn nhất nước
Nội dung chính của Liên hoan SVC Bình Định lần thứ V là triển lãm, trưng bày, dự thi và mua bán, trao đổi các thể loại SVC được tuyển lựa, như: cây cảnh, thủy sinh, phong lan, bonsai, non bộ, đá cảnh, cá cảnh, chim cảnh, gỗ lũa, gỗ điêu khắc, gốm sứ, thư pháp, chọi gà… với quy mô toàn quốc. Liên hoan sẽ kéo dài một tuần, từ ngày 27.7 đến ngày 3.8.2008, tại khu vực Công viên eo biển Quy Nhơn (ngã 5 An Dương Vương). Cổng chính và tường hoa sẽ sử dụng hàng chục ngàn lọ hoa, lẵng hoa đủ màu sắc, được cách điệu, lắp ghép công phu, ráp chữ mang nội dung đón chào khách đến với Festival Tây Sơn - Bình Định; đến với Liên hoan SVC Bình Định lần thứ V. Bên trong được bố trí 50 gian trưng bày, triển lãm và hội thi. Có 20 gian trưng bày, hội thi của các tỉnh, thành phố có phong trào SVC phát triển mạnh, nơi hội tụ nhiều nghệ nhân tên tuổi và nơi có nhiều tác phẩm SVC độc đáo, gồm: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Nam Định, ĐăkLăk, Phú Yên, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tây, Đồng Tháp, Gia Lai, Kom Tum, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Trong tỉnh sẽ bố trí 30 gian trưng bày các tác phẩm đã được tuyển chọn từ các huyện, thành phố và các chi hội trực thuộc; bên cạnh đó còn có hàng chục tác phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao của một số nghệ nhân đang còn mai danh, ẩn tích lâu nay.
Bonsai, kiểng nghệ thuật vẫn là bộ môn được nhiều người yêu thích nhất và sẽ được các đơn vị mang theo với số lượng lớn nhất trong các gian triển lãm. Đặc biệt là những tác phẩm nổi tiếng được các nghệ nhân tên tuổi lâu nay nhắc đến, như cây “sanh đại thụ” bám đá, “đa Tân Trào” của Hà Nội; bộ “nguyệt quới lão tướng”, bộ “kim quýt cổ”, “cừa đại lão”, “tùng La Hán bách niên”… của TP Hồ Chí Minh; “cần thăng dáng ngũ phúc”, “kim quýt Thần đồng vấn Khổng Tử”, bộ đôi cây kiểng lưỡng diện “Tam tòng tứ đức” - “tam cang ngũ thường” của Đồng Tháp… đều hứa hẹn sẽ góp mặt trong lễ hội thịnh soạn này. Những tác phẩm kinh điển mang dáng trực, dáng hoành, siêu phong, thác đổ… từ các danh kiểng, như: sanh, cừa, tùng La Hán, ngọa tùng, sam, du, cần thăng, nguyệt quới, đa, me, kim quýt… là những cây chất liệu mà các nghệ nhân và khách tham quan yêu chuộng.
|
Cá La Hán được giới chơi cá cảnh Bình Định quan tâm.
|
* “Tiệc” hoa đã sẵn sàng
Từ đầu tháng 4.2008, công việc tuyển lựa những tác phẩm tham gia trưng bày, triển lãm của Bình Định đã được hoàn tất. Những ngày này, đâu đâu tại các vườn kiểng ở Bình Định cũng rộn ràng việc chỉnh sửa, chăm chút tác phẩm; các nghệ nhân đã ở tâm thế sẵn sàng đưa những tác phẩm “con cưng” của mình đi trưng bày. Nhiều nghệ nhân Bình Định đang áp dụng kỹ thuật ép một số cây mai xuân ra hoa trái mùa, hoa nở đúng vào dịp lễ hội, góp thêm cho sự phong phú hương sắc của xứ sở nổi tiếng mai xuân. Trên 50 cây mai kích cỡ lớn sẽ được huy đôïng hòa cùng muôn vẻ, muôn sắc SVC tại lễ hội. Cái độc đáo mà Bình Định đã thể hiện trong các kỳ lễ hội SVC mang tầm quốc tế và cả nước trước đây, như Festival Hoa Đà Lạt 2005 Bình Định có 13 tác phẩm mai xuân nghệ thuật đang đồng loạt nở hoa giữa sương lạnh Đà Lạt (tháng 10 âm lịch); cùng với 50 chậu mai vàng khác mà Lâm Đồng đã sưu tập ở Bình Định, cũng đua nở tưng bừng trong những ngày này. Điều đó chứng tỏ mai xuân có thể nở được ở miền ôn đới, gợi ra cho các nhà khoa học, các nhà đầu tư sự tìm hiểu, nghiên cứu để cây mai xuân có thể có mặt và cho hoa ở mọi miền đất nước.
Hội SVC tỉnh Lâm Đồng đăng ký sẽ mang đến lễ hội những sắc màu đầy ma lực của trăm hoa. Ngoài các cụm lan quý hiếm (nữ hoàng của loài hoa), Lâm Đồng còn đem đến hàng chục các loài hoa khác, tô điểm cho khuôn viên trưng bày và để quảng bá thương hiệu, như: pensée, thạch thảo, dã uyên thảo, lyli, phong lữ, cúc pha lê, hồng, loa kèn, hồng môn…; ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ có dịp giới thiệu những tác phẩm cây kiểng nghệ thuật đặc trưng, như: tùng, bách, thông…
Đá cảnh Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… mỗi nơi một chất liệu, một phong cách chơi riêng, nhưng tất cả đều có chung một ngôn ngữ bên trong, một tình cảm mãnh liệt được thăng hoa, hòa quyện trên từng vân đá, thế đá. Phần lớn các tác phẩm đá cảnh mang đến các Festival, các địa phương tuyển chọn rất công phu, nên hầu hết sẽ là những tác phẩm xuất sắc và độc đáo. Đây cũng là điểm ngắm của các nghệ nhân, người yêu thích nghệ thuật đá cảnh và các thương buôn.
Có khá nhiều tỉnh thành có thế mạnh về nghệ thuật gỗ lũa; trong đó có gỗ lũa thô mộc (tự nhiên) và gỗ lũa qua chạm khắc. ĐăkLăk, Nghệ An, Khánh Hòa và Bình Định là những địa phương chơi gỗ lũa từ rất sớm và có phong trào sưu tầm, tạo dáng nghệ thuật từ gỗ lũa rất mạnh. Các địa phương này sẽ giới thiệu những bộ sưu tập gỗ lũa rất phong phú, đa dạng hứa hẹn sẽ làm “xiêu lòng” những khách hàng nhiều tiền.
Dù phong trào chơi cá cảnh ở Bình Định thực sự chưa mạnh như ở một số tỉnh, thành trong nước, nhưng cũng hứa hẹn sẽ có hàng chục hồ cá cảnh có quy mô lớn, thuộc 4 loại: Dĩa, La Hán, Xiêm và 7 màu, là những giống cá quý, với hàng trăm chi khác nhau, khách có thể “no nê” với vô số sắc hình lộng lẫy. Trưng bày, thi chọi chim, thi chim hót, thi chim dáng sắc đẹp, lạ sẽ thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách nước ngoài. Thi đá gà (gà chọi) là trò chơi dân gian được nhiều người ưa chuộng, cũng là một nội dung trong Liên hoan, hiện đã có hàng trăm kê thủ đăng ký tham gia. Trong đó có những địa phương nuôi gà chọi nổi tiếng toàn quốc, như Tu Bông, Đại Lãnh, Ninh Hòa (Khánh Hòa), Tuy An, Sông Cầu (Phú Yên), ĐăkLăk… Bộ môn này đã có 10 tỉnh, thành đăng ký tham gia hội thi.
Một nội dung không kém phần quan trọng trong Liên hoan SVC lần này là Hội thảo xung quanh các đề tài về: Phương hướng phát triển SVC Bình Định đến năm 2020; Thị trường SVC Bình Định; Tạo nguồn nhân lực cho SVC và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất SVC. Chấm thi gian trưng bày hoa kiểng nghệ thuật và bán đấu giá tác phẩm SVC ủng hộ người nghèo cũng là một nội dung trong liên hoan; hoạt động này nhằm đánh giá “tay nghề” và quá trình đóng góp cho Liên hoan thành công. Mặt khác, tạo sân chơi, sàn giao dịch đầy bổ ích, mở rộng tiềm năng kinh tế từ thú chơi “hái ra tiền” này. Trong Lễ hội, các đơn vị sẽ kết hợp trưng bày, giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm, cùng với các dụng cụ, dịch vụ vật tư chăm sóc hoa kiểng, đặc biệt là phần biểu diễn tạo cây thế, tác phẩm bonsai nghệ thuật tại Liên hoan, do một số nghệ nhân tên tuổi đảm trách. Qua Liên hoan SVC lần thứ V (năm 2008) tỉnh Bình Định, các nghệ nhân và Hội SVC Bình Định có dịp giao tiếp, thi thố để nhìn nhận lại mình một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường SVC. Hy vọng Liên hoan SVC lần thứ V sẽ là bữa tiệc hoa ấn tượng, lộng lẫy và no lòng người thưởng thức.
|