Khi bài báo này đến tay bạn đọc, thì Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã chuẩn bị khai diễn những hoạt động đầu tiên. Đất Võ vậy là đã tưng bừng bước vào ngày hội lớn với đa dạng sắc màu văn hóa...
Festival chính thức diễn ra trong ba ngày, từ ngày 1 đến ngày 3.8. Tuy nhiên, các hoạt động như Giải Võ Cổ truyền Toàn quốc, Liên hoan Sinh vật cảnh, Liên hoan Tuồng truyền thống Toàn quốc, Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực thì đã bắt đầu từ những ngày cuối tháng 7. Có thể nói, chưa bao giờ không khí Quy Nhơn lại náo nức với sắc cờ, hoa và rộn ràng lòng người đến vậy.
|
Hoa viên Quang Trung. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Đón Festival bằng sắc diện mới
Không khí náo nức ấy của Festival, thực ra, đã bắt đầu cùng với việc những công trình hạ tầng, phục vụ Festival và công tác chỉnh trang đô thị đi vào hoàn thiện. Náo nức trên phố Quy Nhơn những ngày này, bên những pa nô quảng bá, hình ảnh những sân khấu đã sẵn sàng, là những công trình mới điểm tô cho thành phố. Hội trường Quang Trung ngày nào, nay đã bề thế một công trình văn hóa hiện đại. Khuôn viên phía trước Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh nay trở nên đẹp hơn, với Tượng đài Quang Trung vừa được nâng cấp, chuyển chất liệu, để trở nên đẹp, hài hòa hơn. Hoa viên quanh tượng cũng đã được thu hẹp về diện tích và cải tạo lại. Hệ thống vòi phun nước quanh bệ tượng và hệ thống đèn chiếu sáng tạo cho khu vực trung tâm thành phố đẹp hơn lên.
Trên trục Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương, bên cạnh những công trình đã xây dựng trước đó như Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, Trung tâm Hội chợ Triển lãm, nay có thêm Hồ Phun nước nghệ thuật và Nhà Văn hóa Lao động. Tuy kiến trúc Nhà Văn hóa Lao động có phần chưa tương xứng với cảnh quan, nhưng hai công trình mới này, chí ít tạo cho tuyến trục của thành phố khỏi sự đơn điệu về hình thái kiến trúc và sự sôi động về đêm. Sau này, khi tuyến Nguyễn Tất Thành nối dài hoàn thành, ngã năm Nguyễn Huệ - An Dương Vương được chỉnh trang lại, thì hẳn khu vực này sẽ nổi bật hẳn lên và thực sự trở thành trục xuyên tâm của thành phố, bắt nhịp sang với các khu đô thị mới trên tuyến Nhơn Hội.
Đáng kể nhất là việc chỉnh trang đường Xuân Diệu. Việc trồng cỏ và cây phía Tây tuyến Xuân Diệu, giải tỏa khu neo đậu tàu thuyền, dọn vệ sinh môi trường bãi biển... đã góp phần làm cho thành phố đẹp và sạch hơn. Tuyến Xuân Diệu hoàn thành là một nỗ lực rất lớn của tỉnh nhằm tạo dựng cho Quy Nhơn một sắc diện mới, từ đó, góp phần mở toang không gian của Quy Nhơn theo hướng quay mặt ra biển, tạo nên dáng dấp một thành phố hướng ra biển. Trong tương lai, nếu tiếp tục chỉnh trang, đầu tư thêm phía trong và tạo dựng thêm các điểm nhấn trên tuyến, thì đây sẽ là tuyến đường đẹp của thành phố.
Cảnh quan phố biển, vậy là đã xanh, sạch và đẹp hơn. Điều này quả có ý nghĩa, không chỉ với việc tổ chức Festival, mà sẽ có tác dụng rất quan trọng trong việc xây dựng để Quy Nhơn thực sự là một thành phố biển có thương hiệu. “Con đường đi của Quy Nhơn hiện nay dù chưa được nhận thức đầy đủ nhưng đang theo chiều hướng định hình dần hình ảnh của mình. Thành phố đang phát triển không gian hướng ra biển, với cảnh quan đa dạng: đầm, núi, biển… Việc Quy Nhơn phát triển không gian trên tài nguyên cảnh quan của mình chính là dấu hiệu đầu tiên để tạo lập thương hiệu” - GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính từng nhận xét vậy.
|
Hồ phun nước nghệ thuật - một công trình phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Và “Hội tụ và phát triển”
Không tổ chức Festival vì phong trào, không tổ chức Festival để “đua” với các địa phương khác, Bình Định tổ chức Festival với mong muốn mời gọi bạn bè trong nước, quốc tế đến với Bình Định; để vừa giới thiệu về mình, vừa tìm hiểu, nghiên cứu những kinh nghiệm của bạn bè, nhằm hợp tác, phát triển. Nhưng làm thế nào để Festival thực sự mang dấu ấn của Bình Định, có nét riêng của Bình Định - đó là trăn trở chung của những người tổ chức. Bởi vậy, tuy đã từng có ý định tổ chức Festival từ trước, nhưng năm 2008 này, khi những ý tưởng và điều kiện tổ chức Festival đã thực sự chín muồi, Bình Định mới quyết tâm tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định lần đầu tiên.
“Hội tụ và phát triển” - chủ đề của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 - chính là thể hiện mong muốn ấy của Bình Định, được gợi ý từ tên gọi của hai địa danh “Quy Nhơn” và “Nhơn Hội”, với nét nghĩa về sự quy tụ con người. Và để mang dấu ấn riêng, các hoạt động của Festival sẽ tập trung vào việc khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Bình Định: chẳng hạn những giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm trên đất Bình Định, của phong trào Tây Sơn; cũng như của những di sản đã trở thành một phần trong thương hiệu Bình Định như đất Võ, đất Tuồng và một miền thơ.
Mỗi hoạt động trong Festival, do vậy, đều tựa rất sâu từ dấu ấn văn hóa truyền thống trên quê hương Bình Định. Chẳng như, Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền lần thứ II và Cuộc thi Hoa hậu những miền đất Võ, sẽ tôn vinh những giá trị đặc sắc của võ Tây Sơn - Bình Định; Liên hoan Tuồng Truyền thống Toàn quốc là cuộc hội ngộ lần đầu tiên của tuồng truyền thống, để từ đó, những người làm nghệ thuật và những người yêu tuồng có dịp nhìn nhận lại những giá trị của truyền thống, tiếp thêm vào hành trang trên con đường phát triển bộ môn nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc. Riêng Đêm thơ Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu nhằm tôn vinh những nhà thơ tiền bối không những làm rạng danh cho đất thơ Bình Định mà còn trở thành niềm tự hào của công chúng yêu thơ trong cả nước... Chưa nói đến quy mô lớn, nhỏ của các hoạt động, chỉ xét trên bình diện ý nghĩa về văn hóa, đã thấy đây là một Festival mang tải và tôn vinh những giá trị trong vốn di sản văn hóa.
* “Bữa tiệc” của những sắc màu nghệ thuật
Về đất Võ mùa Festival, ta sẽ thâu nhận được gì. Ngoài việc tham dự những hoạt động lớn, thưởng lãm những giá trị văn hóa của một miền đất Võ trời Văn, hay tìm nét tinh hoa của những nghệ nhân làng nghề truyền thống, thưởng thức đặc sản Bình Định… ta còn được du ngoạn trong đa dạng sắc màu nghệ thuật. Đó là Liên hoan Tuồng Truyền thống Toàn quốc, là những sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc của các làng nghề, là những tiết mục múa Chăm tại Công viên Di tích Văn hóa Tháp Đôi (Quy Nhơn), là những chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật lớn trong nước như Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai), Đoàn Ca Múa Nhạc Tổng hợp tỉnh Tiền Giang và hai đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ Hàn Quốc và Lào.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH TẠI FESTIVALTÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008
Lễ rước Hoàng đế Quang Trung và văn thần, võ tướng nhập điện
Diễn ra vào sáng ngày 1.8 tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Lễ sẽ tái hiện hình ảnh hoàng đế Quang Trung và các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn. Cùng với lễ, còn có phần hội với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian tổ chức tại nhiều địa điểm ở Tây Sơn.
Lễ khai mạc Festival
Diễn ra vào 20 giờ ngày 1.8 tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Màn đồng diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival do NSND Vũ Hoài làm Tổng đạo diễn, là sự cô đọng những nét đặc sắc, tinh hoa nhất của vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định. Dự kiến, chương trình có sự tham gia của 4 đoàn nghệ thuật trong nước và hai đoàn nghệ thuật đến từ Lào, Hàn Quốc.
Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại
Bắt đầu từ 20 giờ ngày 2.8 tại đầu phía tây cầu Thị Nại. Đêm hoa đăng sẽ là một chương trình nghệ thuật tổng hợp với ba phần: liên hoan văn nghệ, trình diễn hoa đăng, thả đèn hoa đăng. Màn trình diễn hoa đăng sẽ chính thức bắt đầu ở khu vực mặt đầm gần sát cầu Thị Nại (phía trung tâm TP. Quy Nhơn).
Liên hoan Tuồng Truyền thống Toàn quốc
Đây là liên hoan đầu tiên do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) tổ chức dành cho tuồng truyền thống. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30.7. Tham gia Liên hoan, có 7 nhà hát tuồng trong cả nước.
Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất Võ
Đêm chung kết sẽ diễn ra vào tối ngày 3.8. Bên cạnh các danh hiệu: Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2; giới truyền thông và các nhà tài trợ cũng sẽ bầu chọn các danh hiệu khác như: Hoa hậu Nhân ái, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Báo chí, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Võ thuật…
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II
LH bắt đầu bằng phần biểu diễn võ thuật của các đoàn vào lúc 8 giờ sáng ngày 31.7. Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào tối 31.7. Các đoàn sẽ biểu diễn võ thuật tại Nhà thi đấu Hà Thanh (Tuy Phước), Nhà thi đấu An Nhơn và Nhà thi đấu Tây Sơn. 15 giờ chiều ngày 3.8, sẽ bế mạc liên hoan.
Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực
Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực diễn ra từ ngày 27.7 đến ngày 3.8.2008 tại Công viên Trung tâm (Quy Nhơn). 150 gian hàng sẽ giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng Bình Định. “Điểm nhấn” của Hội Làng nghề là phần trình diễn sản xuất của một số làng nghề và hoạt động văn hóa tinh thần của làng nghề. Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản Bình Định như: rượu Bàu Đá, chim mía, bún tôm Phù Mỹ, chình mun Châu Trúc, nem Chợ Huyện… trong không gian ẩm thực Bình Định.
Liên hoan Sinh vật cảnh
Diễn ra từ 27.7 đến 3.8 tại Quảng trường trước Nhà Văn hóa lao động tỉnh. Dự kiến có 45 đơn vị (25 đơn vị trong tỉnh và 20 ngoài tỉnh) tham gia. Liên hoan sẽ trưng bày, thi các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm và có chất lượng cao.
Đêm “Thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu”
Diễn ra vào 20 giờ ngày 2.8 tại Khu Danh thắng Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Đêm thơ sẽ có sự tham gia giao lưu của các nhà thơ, nhà phê bình; cùng phần biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ trong và ngoài tỉnh. | |