Tuy Phước là huyện có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng, là cửa ngõ ra vào thành phố Quy Nhơn, gắn liền với khu căn cứ địa cách mạng Núi Bà. Trong những năm kháng chiến là địa bàn bị địch đánh phá ác liệt, ruộng vườn, nhà cửa bị bom đạn tàn phá trơ trụi. Toàn huyện có 2.617 liệt sĩ, 826 thương - bệnh binh; 117 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó có 20 mẹ còn sống, 2.057 đối tượng người có công cách mạng được Nhà nước khen thưởng… Huyện Tuy Phước được Chủ tịch Nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) nhân dân.
|
Cơ quan quân sự huyện Tuy Phước tích cực tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ về Nghĩa trang.
|
Hòa bình lập lại, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp của các đối tượng chính sách, Tuy Phước đã có sự nỗ lực vượt bậc ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng huyện mạnh về kinh tế, vững về an ninh - quốc phòng. Bên cạnh, để phần nào vơi đi nỗi mất mát đau thương, huyện hết sức quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các đối tượng chính sách, nhất là các Bà mẹ VNAH đang còn sống, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương. Huyện đã mở cuộc vận động kêu gọi các cơ quan đơn vị, nhân dân đóng góp xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH… được các cấp, các ngành tích cực hưởng ứng. Chỉ tính từ năm 1994 đến hết năm 2007 cả huyện đã vận động được hơn 780 triệu đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng 1.363 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền 323,7 triệu đồng, xây tặng 35 nhà tình nghĩa với kinh phí 700 triệu đồng (nâng số nhà tình nghĩa từ trước đến nay đã tặng 80 nhà), hỗ trợ cải thiện 290 nhà ở gia đình chính sách (bình quân hỗ trợ mỗi nhà 5 - 7 triệu đồng) với số tiền 1,475 tỉ đồng. 20 bà mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức từ 100 - 300 nghìn đồng/mẹ/ tháng. Mặt khác, thông qua chính sách kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho người có công được hưởng các chế độ ưu đãi, như chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, giao đất sản xuất, ưu đãi tín dụng, để họ phát huy năng lực, sở trường trong cơ chế mới, thi đua phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, học hành, nhà ở, y tế…
Thực hiện chủ trương của Nhà nước đưa thương binh nặng về địa phương chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình. Toàn huyện có 20 thương binh và 1 bệnh binh nặng về địa phương đều được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và gia đình đã làm tốt “4 ổn”: ổn định về thương tật, bệnh tật; ổn định về chính trị, tư tưởng; ổn định đời sống và ổn định về gia đình. Nhờ vậy, đời sống các thương - bệnh binh trong huyện được cải thiện, đều được địa phương cấp đất xây dựng nhà ở, đã xây tặng 16 nhà tình nghĩa với số tiền 300 triệu đồng, và hỗ trợ 10 triệu đồng cho 2 thương binh nặng sửa chữa nhà ở. Đồng thời, huyện cũng tạo điều kiện cho thương binh và các thành viên gia đình có việc làm phù hợp và có thu nhập thường xuyên bảo đảm cuộc sống. Huyện còn cấp 265 sổ hưởng ưu đãi giáo dục – đào tạo cho 265 con của thương binh, bệnh binh có tỉ lệ mất sức lao động từ 21% trở lên đang học ở các trường trong nước, và điều chỉnh theo mức trợ cấp mới theo Nghị định số 07/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách được quan tâm đúng mức, hàng năm ngoài việc cấp thẻ hiểm y tế (BHYT) cho hơn 2.000 đối tượng có công không thuộc diện hưởng BHYT bắt buộc, huyện còn thực hiện điều dưỡng sức khỏe cho 1.713 lượt người có công, trong đó điều dưỡng tập trung 378 lượt và điều dưỡng tại gia đình 1.335 lượt. Cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 45 thương binh…
Đi đôi với quan tâm đời sống các gia đình chính sách, huyện Tuy Phước còn chú trọng đến công tác xây dựng tôn tạo, và quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang, coi đây là lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước nở hoa độc lập. Đã tiến hành nâng cấp toàn bộ mộ liệt sĩ và mặt bằng nghĩa trang một số xã vượt lũ, xây dựng công trình nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà hương khói khang trang với nguồn vốn đầu tư 3,5 tỉ đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ 1,7 tỉ đồng, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp 1,8 tỉ đồng. Hiện toàn huyện có 13 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số 2.398 mộ liệt sĩ, trong đó huyện quản lý 1 nghĩa trang; 13 xã, thị trấn quản lý 12 nghĩa trang và 1 mộ liệt sĩ tập thể tại thị trấn Tuy Phước. Riêng từ năm 1995 đến nay, toàn huyện đã quy tập thêm 153 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Các xã, thị trấn đều cắt cử người trông coi nghĩa trang và hương khói cho các anh linh liệt sĩ.
Qua 13 năm triển khai Nghị định 28/CP của Chính phủ, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, huyện đã xác định 11 loại đối tượng chính sách theo quy định, nhất là đối tượng cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cán bộ lão thành cách mạng, đối tượng bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân của người có công với cách mạng, giải quyết chế độ hương khói thờ cúng liệt sĩ… Tính đến nay, toàn huyện có 1.999 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Với kết quả đạt được trong công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa, huyện Tuy Phước đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, và nhiều Bằng khen của Trung ương và của UBND tỉnh. Cả huyện có 100% số xã, thị trấn được cấp trên công nhận xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công.
|