* Bút ký của Lê Hoài Lương
Festival từ lâu đã không lạ với thế giới, trong nước cũng vậy. Nên khi các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá về Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, nhiều người cứ nghĩ: hẳn cũng mấy thứ lễ - hội quen thuộc... Nhưng 20.000 khách quốc tế và trong nước đã thực sự ngạc nhiên khi được chứng kiến những độc đáo rất riêng của miền đất Võ.
|
Diễu hành tại Lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
1. Trong Lễ bế mạc Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, đại diện Trung tâm sách Guiness Việt Nam đã công bố sáu kỷ lục mới, hai trong số những kỷ lục này là võ, về quy mô, về số lượng chương trình võ thuật. Các chương trình hưởng ứng trong tháng 7 đã có bốn chương trình võ: Giải Quyền Anh khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, giải Quyền Anh trẻ các câu lạc bộ, giải Vô địch Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ 18 và Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II. Chỉ riêng con số 74 đoàn quốc tế với 567 người đến từ 26 nước (chưa kể 30 đoàn nội địa), đã cho thấy quy mô của Liên hoan lần này.
Lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam hoành tráng trên sân vận động Quy Nhơn với nghẽn cứng khán giả. Những công chúng từng mến mộ đội bóng đá tỉnh nhà, đang nguội lạnh khi đội bóng con cưng sa sút thì cuộc hội tụ trên quê mình ngày hội võ lớn đã tạo nên một không khí cuồng nhiệt bổ sung. Người Bình Định vừa yêu quê hương cực đoan vừa sòng phẳng đến quyết liệt. Họ sẵn sàng thể tất cho sai lầm của ai đó nếu người này làm được điều tốt đẹp cho cái chung !
Cuộc đồng diễn của 1.000 diễn viên trên sân, một nửa là nữ sinh áo dài trắng nõn duyên dáng, thân thiện; nửa 500 võ sinh trang phục đỏ - vàng nghĩa quân Tây Sơn và bài roi trong nền nhạc “Dòng máu Lạc Hồng” âm vang, hùng tráng và đầy xúc cảm. Võ sinh các nước trang phục đen phô diễn bất ngờ những bài đối kháng, biểu diễn, là tiết tấu đẹp mắt, là những điểm nhấn sinh động trong nền trắng - đỏ miên man một hợp khúc Việt Nam xinh đẹp và nghĩa khí.
Võ. Không kể những thi đấu từ các bài biểu diễn đến đối kháng diễn ra ngay từ những ngày đầu tháng 7, ba ngày chính thức của Festival luôn đậm đặc không khí chất võ trong các chương trình lễ, hội. Cuộc mở đầu sáng ngày khai mạc bằng lễ rước Hoàng đế Quang Trung và Văn thần võ tướng nhập Điện được phục dựng hoành tráng, nghiêm trang với cả voi, ngựa và đoàn nghĩa binh áo vải rập ràng các thứ binh phí, kinh - thượng chen vai hội tụ. Lễ khai mạc ở Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn cũng bắt đầu bằng trống trận Tây Sơn và đoàn nghĩa binh rầm rập hành quân thần tốc cùng voi ngựa. Chương trình chung kết cuộc thi “Hoa hậu những miền đất Võ”, dĩ nhiên không thể thiếu phần thi biểu diễn một bài võ của các thí sinh, nhưng điều đáng nói là, chương trình bắt đầu bằng một dụng công lặng trầm độc đáo. Hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân hiện lên trên phông chính và hai câu đối viếng bà ở đền thờ được ngân lên: “Nguyệt chiếu thanh khê lưu cựu hóa/ Sương kinh cao ngạn khái tiên tình” (lời dịch của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn được thể hiện qua giọng ngâm của một diễn viên: Trăng khuya soi rọi dòng suối trong, lưu giữ mảy may tông tích cũ/ Sương sớm hãi hùng bờ vực thẳm, chạnh lòng ray rứt nỗi niềm xưa). Mấy vạn khán giả và quan khách lặng đi trong hiệu ứng bất ngờ: miền đất Võ hôm nay không chỉ là những cuộc phô diễn võ học mà còn là cuộc hàm ơn, lưu giữ, nuối tiếc những công tích hào hùng của tiền nhân.
|
Chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chong Dong (Hàn Quốc) gây ấn tượng mạnh trong khán giả. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
2. Khán phòng mới xây khá hiện đại của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh với hơn 1.000 chỗ ngồi luôn đầy kín khán giả đến xem những Lưu Kim Đính, Đào Tam Xuân, Hoàng Phi Hổ, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Triệu Khánh Sanh... trên sân khấu. Cuộc hội thảo sau đó đã ghi nhận nhiều ý kiến nể phục của các nghệ sĩ và Ban tổ chức, khi tận mắt chứng kiến sự quan tâm kỳ lạ của khán giả với Tuồng. Các “nhà” ngạc nhiên, nhưng chắc không thể tường tận điều này: hát bội đã ăn sâu vào máu thịt người Bình Định. Những vở tuồng thầy, tuồng kinh điển của dân gian và hậu tổ Đào Tấn chưa bao giờ vắng khách trên quê tuồng ! Sự nồng nhiệt đến xem và sành thưởng thức của người đất Tuồng (có cụ già cầm quyển chép tay các tuồng cổ tới để soi rọi từng lời hát của diễn viên) đã đặt ra những cách nhìn, cách làm cần suy nghĩ để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
3. Festival không lạ gì trên thế giới và một số địa phương trong nước. Đó là ngày hội của dân, cho dân, vì dân. Nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định không thể dự liệu được sự náo nức chờ đón và tham gia đông đảo quá mức của người dân. Ngay Lễ rước Hoàng đế Quang Trung và Văn thần Võ tướng nhập Điện ở Bảo tàng Quang Trung, khán đài lắp ráp dự kiến cho 3.000 khách mời, sáng ra không còn chỗ trống ! Người dân đã đến đây từ 3, 4 giờ sáng, gói theo cơm nắm để chờ xem. Thất bại trong dự lường và tổ chức cũng là thành công của Festival lần đầu trên đất Võ ! Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ, những nông dân hậu duệ của cha ông hiệp nghĩa xưa, lần đầu tiên bỏ buổi làm đồng, ăn mặc đẹp, dắt con đi lễ hội, “xem” Bảo tàng. Người Bình Định của trượng nghĩa và khí chất, còn khổ nghèo, đã hòa cùng những tò mò, xét nét của du khách trong ngày hội lớn, theo cách rất đặc trưng của vùng đất chất ngất văn hóa, lịch sử ngàn năm.
Nghẽn đường hơn hai giờ đêm hội hoa đăng trên đầm Thị Nại, nghẽn nhà hát những sáng, tối hát bội và nhất là cuộc dầm mưa đêm khai mạc cả vạn người... Nếu Festival Tây Sơn là cho công chúng thì quà tặng lần này của lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức đã thành công. Thành công ngoài mong đợi.
|
Đông đảo nhân dân và du khách đến dự lễ rước Hoàng đế Quang Trung nhập Điện tại Bảo tàng Tây Sơn. Ảnh: Văn Lưu
|
4. Một nhà báo miễn cưỡng về Bình Định trong Festival lần này theo sự phân công của tòa soạn đã ngạc nhiên và hạnh phúc khi liên tục bất ngờ trước độ hoành tráng và những nét rất riêng của Bình Định. Ngoài võ và văn (hát bội và thơ), cuộc giới thiệu vùng đất nhiều nghĩa khí, tiềm năng Bình Định còn những hoạt động hưởng ứng rất thành công: những làng nghề truyền thống trứ danh và cuộc hội tụ lớn của 20 tỉnh - thành tham gia Liên hoan Sinh vật cảnh. Từ lâu, Bình Định đã có tiếng là làng cảnh thứ ba sau hai thành phố lớn là Hà nội và TP Hồ Chí Minh. Cuộc trưng bày cùng Festival này đã chiếm được cảm tình lớn của công chúng mọi miền về chất lượng và dĩ nhiên, cả doanh thu. Cứ tưởng tham gia để giới thiệu, quảng bá, nhiều nghệ nhân tỉnh thành vui mừng thật sự khi các sản phẩm của họ được bán nhanh chóng, có giá. Một bình gỗ nghệ thuật của Phú Yên có giá nội tỉnh 15 triệu đồng đã được bán đến 80 triệu !
Lần đầu tổ chức Festival với chủ đề “Hội tụ và phát triển”, người Bình Định thiên về “hướng nội” lâu nay còn nhiều thiếu sót: nặng phần lễ, ít phần hội; chưa khai thác hết các giá trị văn hóa truyền thống của võ thuật, văn hóa Champa; chưa dự lường hết sự ủng hộ lớn của nhân dân; chưa có những mặt hàng lưu niệm cho du khách..., nhưng đã có những thành công cũng ngoài dự liệu. 105 nhà tài trợ với hàng chục tỉ đồng, Bình Định có thể tự hào trong việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, lễ hội. Dân và du khách có những ngày hội tưng bừng không phải bằng tiền ngân sách.
Đã và đang xác lập được các thương hiệu: “Hoa hậu những miền đất Võ”, “Tuồng truyền thống”, “Võ cổ truyền”... Cuộc “hội tụ” với gương mặt vùng đất nhiều biến động lịch sử và những vỉa tầng văn hóa ngàn năm, “hậu” Festival là ý nghĩa “phát triển”. Đã có những bất ngờ cho du khách trong và ngoài nước khám phá, đã có những cam kết đầu tư... Nhưng trên hết, thành công của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 lần này là một Festival cho dân, vì dân đúng nghĩa, một Festival đầy bản sắc của miền đất Võ !
|