An Vinh, đất khó đang chuyển mình
20:37', 1/9/ 2008 (GMT+7)

Từ lâu tôi đã ao ước được một lần đặt chân đến xã An Vinh (An Lão), vùng đất khó nhưng ẩn chứa nhiều thú vị trong đời sống văn hóa vùng cao. Bởi vậy, khi nghe Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh thông báo có chuyến đi của đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Y Dược TP HCM về đây khám, chữa bệnh từ thiện, tôi “mặc kệ” 2 ngày nghỉ cuối tuần, ngay tắp lự khăn gói lên đường.

 

Khám bệnh phát thuốc cho bà con ở An Vinh.

 

* Vùng đất khó

Từ trung tâm huyện An Lão đến xã An Vinh chỉ có 25km nhưng vì con đường dốc nối dốc nên phải hơn 1 giờ đi ô tô chúng tôi mới đến được làng Balay Ruông Cuông (thôn 5). Được thông báo trước nhiều ngày nên bà con người dân tộc H’rê đã tề tựu đông đúc chờ được khám bệnh tại Nhà Văn hóa làng. 

Cán bộ Hội CTĐ huyện, xã, thôn vận động trai làng sang trường mẫu giáo mượn bàn ghế về bày quanh hiên sàn của Nhà Văn hóa để làm “phòng khám” rồi cùng nhau vác những thùng thuốc vào nhà sàn. Cánh dược sĩ trải chiếu ngồi bày thuốc, phân loại. Thoáng chốc, việc khám bệnh, kê đơn, cho thuốc “vào guồng”. Ngoài việc được khám bệnh, cho thuốc, 178 hộ dân của 2 làng Balay Ruông Cuông (thôn 5) và làng Balay Hoan Bay (thôn 6) còn được Hội CTĐ tỉnh tặng mỗi hộ 1 suất quà gồm: dầu ăn, bột ngọt và cá khô. Trẻ em khám bệnh xong cũng có bánh kẹo làm quà. Nhìn chúng tung tăng cười nói với những gói bánh, kẹo thật ấm áp.

Tôi đến bắt chuyện ông cụ lưng đeo túi đồ nghề làm rẫy. Đó là cụ Đinh Quang (70 tuổi) ở làng Balay Hoan Bay. Ông nói: “Dân làng Balay Hoan Bay chúng tôi tập trung đi về đây từ sáng sớm. Vì chưa có đường, bà con phải men theo con sông Đinh nên mất 2 tiếng đồng hồ mới tới. Làng Balay Hoan Bay ở cách làng Balay Ruông Cuông chừng 5-6 km nhưng 40 hộ dân ở đây đang sống đời không điện vì hệ thống điện mặt trời vừa xây dựng vào năm 2004 thì vào cuối năm 2007 đã bị hư. Không có cả đường giao thông, bà con muốn đi chợ phải men theo sông xuống làng Balay Ruông Cuông. Ông Đinh Văn Dét, nguyên Chủ tịch UBND xã An Vinh, cho biết: “Cả làng Balay Hoan Bay chỉ có 2 ha ruộng nên mỗi hộ chỉ được ít đất canh tác. Nhờ Nhà nước thường xuyên trợ cấp phân hóa học, vải, muối và dầu lửa nên đời sống của bà con cũng được cải thiện phần nào. Những hộ khó khăn nhiều thì được Nhà nước cứu tế đột xuất, mỗi suất cứu tế là 10kg gạo/nhân khẩu. Cách đây 6 năm, có con đường của Lâm trường An Sơn chạy từ thôn 2 đến Gò Che, thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng nên dù còn khó khăn, 70% số hộ dân làng Balay Hoan Bay cũng đã xây được nhà ngói”.

* Chuyển mình

Ông Đinh Văn Thênh, Bí thư Đảng ủy xã An Vinh, cho biết: “Nhờ thực hiện tốt chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi nên bộ mặt của địa phương đã có nhiều khởi sắc, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện”.

Quả như thế, từ các chương trình hỗ trợ giống lúa, triển khai tập huấn, mô hình trình diễn khuyến nông và qua việc bà con được hướng dẫn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất lúa bình quân đạt 41,5 tạ/ha. Toàn xã đã quản lý bảo vệ 270,9 ha và tiến hành trồng mới hàng trăm ha rừng phòng hộ, 100 ha rừng khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên đã giúp tăng thu nhập cho bà con.  

Từ các nguồn vốn của Chương trình 135, 134 và các dự án khác, nhiều cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trạm y tế... được đầu tư xây dựng. 92,6% số hộ được dùng nước sinh hoạt tự chảy. Hệ thống trường, lớp tranh tre, nứa lá được xây mới kiên cố, khang trang. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thực hiện có hiệu quả các dự án vay vốn ưu đãi hỗ trợ sản xuất cho những hộ khó khăn, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.  

Xã đã có trạm thu phát sóng truyền thanh, truyền hình; các lễ hội văn hóa - thể thao truyền thống được khôi phục, 6/7 thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và hàng năm có 2-3 làng được công nhận Làng văn hóa, từ 65 – 75% số gia đình đạt chuẩn văn hóa. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ; các hình thức tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi đã theo nếp sống mới. Việc xây dựng quy ước, hương ước thôn bản gắn với tinh thần đổi mới hoạt động, sát phong trào cơ sở đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.  

* Nghĩa tình người H’rê

Bày tỏ lòng hiếu khách, chính quyền địa phương đã tổ chức “đêm rượu cần” giao lưu với chương trình ca nhạc “cây nhà lá vườn” tại Nhà Văn hóa làng Balay Ruông Cuông. Trong tiếng nhạc Chinh tốc (bộ chiêng 3 cái), Chinh tía (bộ chiêng 5 cái), chúng tôi có một cuộc vui ấm áp với dân làng.

Những câu chuyện kể trong ngà ngà men rượu cần, chúng tôi biết thêm: dù heo hút và còn nhiều khó khăn như vậy nhưng đa số các làng của xã An Vinh đều được công nhận là Làng văn hóa mà thành tích căn bản từ việc “cải thiện” được tập tục về những khu rừng ma.

Cái mà đồng bào dân tộc H’rê ở An Vinh gọi là “rừng ma” chính là nơi mà người Kinh gọi là nghĩa địa. Theo tập tục, người sống chỉ đưa người chết đến “rừng ma” chôn cất 1 lần rồi thôi, sau đó không cúng giỗ gì. Khu rừng ma của làng Balay Ruông Cuông chỉ cách làng có vài chục phút đi bộ. Rải rác trong rừng ma là những ngôi mộ được gọi là “nhà ma”. Những “nhà ma” cao chừng 1m được làm bằng cây, mái lợp ngói, chung quanh có cắm những cây rừng cao ngang nóc nhà, treo gùi, xoong, nồi, nón, giỏ, rựa, dao..., dưới đất đặt những ché, hũ… là những vật dụng mà người chết đã dùng khi còn sống. Ngày xưa, quan tài người nhà giàu không chôn dưới đất mà được treo trên chiếc võng, đến khi nào dây võng tự đứt, rơi xuống huyệt mộ đã đào sẵn thì người ta mới lấp mộ. Xác của con nít mới sinh bị chết không bỏ trong quan tài mà được bỏ vào trong đồ vật dùng để đựng lúa, phủ lá cây rừng và cũng treo như vậy cho đến khi tự rớt xuống huyệt.

Trên đường về, chúng tôi được 2 người dẫn đường tiết lộ: “Sự thật, chuyện cấm không cho người sống vào “rừng ma” không phải là chuyện huyền bí gì mà là để ngăn chặn nạn đào mộ lấy cắp những vật dụng bằng đồng mà người sống chia của cho người chết được chôn chung vào mộ. Và bây giờ, dù trong trường hợp nào bà con cũng không treo xác lên như ngày xưa nữa mà chôn hẳn dưới đất để bảo vệ môi trường cho người sống. Người H’rê chúng tôi đối với nhau rất nghĩa tình, nếu trong làng có người chết thì trong vòng 1 tháng sau đám ma, dù đang mùa lễ hội mừng lúa mới hoặc có đám cưới thì cũng không được nổi cồng, nổi chiêng để tưởng niệm người chết”.

Và, trong những hoạt động thường ngày của họ, chúng tôi nhận ra vùng đất xa xôi này đang chuyển mình hòa nhập ngày càng gần gũi hơn với cộng đồng.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện về người “mang cả lòng đại dương về nhà”  (01/09/2008)
Thơ  (01/09/2008)
“Điểm bắt đầu” cho người sử dụng Internet Việt Nam  (01/09/2008)
Trò chơi từ những nắp chai  (01/09/2008)
Tập xe đạp  (01/09/2008)
Triệt phá băng trộm xe, làm giả giấy tờ  (01/09/2008)
Hội của miền đất Võ  (01/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (01/09/2008)
Vui buồn cờ tướng An Nhơn  (01/09/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2008)
Tuy Phước: Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2008)
Sẵn sàng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 trật tự, an toàn  (28/07/2008)
Festival trên miền đất Võ  (28/07/2008)
Sinh vật cảnh Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ là “bữa tiệc” hoa lộng lẫy  (28/07/2008)
Nghĩ về văn hóa Bình Định  (28/07/2008)