Mới đây, khi vào Co.op Mart Quy Nhơn, tôi nhìn thấy khay rau mầm được bày bán. Qua nhân viên bán hàng, tôi được biết đây là sản phẩm của cơ sở Ngân Hạnh. Vốn quan tâm tới sản phẩm rau mầm từ 2 năm nay, tôi đã tìm đến cơ sở sản xuất loại sản phẩm này...
Và thật bất ngờ khi chủ nhân của sản phẩm đang được bày bán tại siêu thị là một người mà những người công tác trong ngành Nông nghiệp Bình Định hầu như ai cũng biết. Đó là kỹ sư Trịnh Thị Hồng Hoàng, trước đây phụ trách Trung tâm KHKT Giống cây trồng Bình Định, nguyên Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT tỉnh, nay đã nghỉ hưu.
* Rau siêu sạch
Trong phòng khách nhỏ của gia đình mà giờ đây đã được biến thành cơ sở sản xuất rau mầm, chị đã rất cởi mở khi trao đổi với tôi về quá trình nghiên cứu kỹ thuật sản xuất rau mầm và đưa sản phẩm ra bán ở siêu thị. Chị Hoàng nảy ra ý định tiến hành sản xuất rau mầm từ năm 2005, qua một tấm ảnh ghi lại cảnh công nhân thu hoạch rau mầm mà Thạc sĩ Hồ Huy Cường (hiện là Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) nhân một chuyến đi công tác ở Hàn Quốc đem về tặng chị.
Với suy nghĩ nếu người ta làm được, mình cũng có thể làm được, chị bắt đầu để tâm nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu kỹ thuật về sản xuất rau mầm. Đến đầu năm 2007 thì chị bắt đầu đi vào làm thử nghiệm, với mục tiêu là làm ra sản phẩm rau hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Chị đã đề ra hướng nghiên cứu khá bài bản từ việc sử dụng loại hạt giống nào cho có năng suất cao và chất lượng rau tốt, đến việc sử dụng loại giá thể nào cho phù hợp, cách thức chăm sóc, tưới nước, điều chỉnh ánh sáng hợp lý để cây rau phát triển tốt; rồi sử dụng loại khay và giá đỡ nào cho phù hợp, thuận lợi trong quá trình chăm sóc, vừa tốn ít diện tích, dễ di chuyển và có hiệu quả kinh tế cao nhất...
Cũng phải mất hơn 1 năm mày mò nghiên cứu, làm đi làm lại nhiều lần để đúc kết kinh nghiệm, chị mới đưa được sản phẩm ra siêu thị. Theo chị Hoàng, để sản xuất ra rau mầm sử dụng trong gia đình thì không khó, chỉ cần người làm rau phải chịu khó và có chút ít kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp; còn như để có thể làm ra rau hàng hóa thì cần phải hiểu sâu hơn về kỹ thuật, phải tỉ mỉ, có lòng kiên trì và biết tính toán sao cho hợp lý. Đã có không ít lần chị gặp thất bại trong quá trình làm thử, nhiều lúc mọi người trong gia đình đã chán nản khuyên chị từ bỏ, thế nhưng chị vẫn quyết tâm và vận động cả gia đình cùng tham gia, cuối cùng chị đã thành công. Thế nhưng, để sản phẩm rau mầm được đưa ra thị trường tới tay người tiêu dùng thì cũng lại phải mất thêm một thời gian nữa.
Chị Hoàng cho biết: “Rau mầm có thể nói là sản phẩm rau sạch lý tưởng, bởi trong suốt quá trình sản xuất, từ nguyên liệu làm giá thể phải là nguyên liệu sạch, hạt giống sử dụng để sản xuất rau mầm cũng là hạt giống sạch, hoàn toàn không qua xử lý hóa chất tiệt trùng, quá trình chăm sóc trong thời gian từ 4-6 ngày đều dùng nguồn nước sạch để tưới và hoàn toàn không dùng một loại hóa chất nào để xử lý sâu bệnh và rau mầm cũng có giá trị dinh dưỡng khá cao”. Ban đầu rau sản xuất được, chị Hoàng sử dụng chủ yếu trong gia đình, sau đó chị giới thiệu, đem tặng cho bạn bè và người quen dùng thử. Chị nói vui: “Có lúc rau làm ra, đem cho người ta không dám cầm về ăn vì thấy lạ, không biết có làm sao... Nói vậy chứ ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ người ra đã sử dụng nhiều rồi”. Dần dần khi mọi người đã quen sử dụng, chị đã có bạn hàng đặt mua rau, chủ yếu sử dụng vào các bữa tiệc, mà người chủ nhà muốn giới thiệu cho thực khách món ăn lạ. Sau đó thông qua bạn bè, sản phẩm rau mầm của chị được giới thiệu đưa vào siêu thị Quy Nhơn và gần 2 tháng nay chị trở thành nhà cung cấp chính với sản phẩm rau mầm mang tên cơ sở sản xuất Ngân Hạnh (tên cháu ngoại của chị).
* Sẽ mở rộng quy mô sản xuất
Hiện nay chị cung cấp ổn định cho siêu thị mỗi ngày từ 2 - 3 kg rau mầm, chưa kể bán cho những bạn hàng quen đến đặt mua về dùng trong bữa ăn hàng ngày. Mỗi ngày chị tiêu thụ khoảng 3-4kg. Hiện nay chị mới chỉ sản xuất một loại rau từ hạt củ cải trắng. Sở dĩ như vậy, theo chị, vì hiện nay mới có ít người biết đến rau mầm, thậm chí dù ở Quy Nhơn có rất nhiều nhà hàng, nhưng cũng mới chỉ có duy nhất một nhà hàng đưa rau mầm vào thực đơn sử dụng. Chị hy vọng trong thời gian tới, với việc rau mầm được đưa ra bán tại siêu thị, loại rau này sẽ được nhiều người biết tới và sử dụng, khi đó chị sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Khi được hỏi liệu có phải chị là người đầu tiên sản xuất rau mầm ở Quy Nhơn, chị chỉ cười khiêm tốn lắc đầu không nhận, nhưng khẳng định một điều chắc chắn người đầu tiên đưa sản phẩm này vào bán ở siêu thị Quy Nhơn chính là chị. Trước lúc chia tay, chị tâm tình: “Nguyện vọng của chị làm sao phổ biến được loại rau sạch mới cho mọi người sử dụng đảm bảo sức khỏe, nâng được chất lượng bữa ăn hàng ngày, không còn phải lo ngại các loại rau xanh hiện sử dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nếu có điều kiện, chị cũng sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau mầm cho mọi người cùng biết để ai cũng có thể làm được; khi đó chị sẽ làm dịch vụ cung ứng giống và các vật tư cần thiết để hỗ trợ mọi người sản xuất rau mầm”.
|