Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề
10:16', 2/9/ 2008 (GMT+7)

Họ là những diễn viên trẻ của nghệ thuật Tuồng, đầy đam mê và rất khát khao học hỏi. Những tấm Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của họ.

 

Một cảnh trong vở “Đào Duy Từ” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tại Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc năm 2008. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* NGHỆ SĨ HƯƠNG LÝ (ĐOÀN TUỒNG THANH HÓA): Duyên “ngầm” với vai hài

Đến với Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là học hỏi. Thế nên, tôi không chọn vai tính cách đúng với sở trường của mình, mà muốn thử sức ở một vai hài. Đó là “Hoạn quan” trong vở “Sơn Hậu”. Khi được xướng tên trao giải “Nữ diễn viên đóng vai nam hay nhất”, tôi xúc động đến nỗi tay chân cứ lóng ngóng, phải đến một lúc sau mới bước lên được. Đây là vai hài đầu tiên của tôi, nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cách thể hiện. Khó đến nỗi, đôi lúc tôi đã thấy nản lòng, nghĩ mình không thể gánh nổi vai này. Nhưng được anh chị em trong đoàn động viên, giúp đỡ, nên tôi cố gắng luyện tập. Khi ra biểu diễn, tôi có hơi hồi hộp và cảm thấy mình diễn chưa thật như ý. Nhưng trong những lần đi biểu diễn phục vụ sau đó ở các huyện, tôi được nhận xét là diễn tốt hơn lần dự thi. Giải thưởng lần này là một khích lệ lớn với tôi, giúp tôi tự tin khám phá thêm khả năng của mình. Nhiều người nói vui rằng tôi có duyên “ngầm” với hài, và phải sau 10 năm vào nghề, qua Liên hoan này, duyên ấy mới lộ.

* NGHỆ SĨ THANH LONG (NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG CUNG ĐÌNH HUẾ): Muốn hiểu nhiều hơn về nhân vật

Đây là lần thứ hai tôi đóng vai Đào Duy Từ. Lần trước, cách đây bảy năm, tôi cảm thấy mình chưa lột tả hết được những cái hay của một ông tổ nghề Tuồng như cụ Đào. Lần này, qua một thời gian tìm hiểu và ngẫm sâu hơn về nhân vật, tôi vào vai đạt hơn. Dù Nhà hát dựng vở chỉ trong vòng một tháng, do còn bận phục vụ trong Festival Huế 2008, nhưng tôi vẫn có thể thể hiện được những tâm trạng khác nhau của nhân vật. Huy chương Vàng là một phần thưởng lớn cho những nỗ lực của tôi. Tuy nhiên, tôi sẽ không dừng lại mà tiếp tục tìm trong sử sách những giai thoại về Đào Duy Từ, để hiểu nhiều hơn về nhân vật, đặng có thể lột tả sâu hơn tính cách nhân vật trong những lần diễn tới.

* NGHỆ SĨ VĂN QUANG (NHÀ HÁT TUỒNG NGUYỄN HIỂN DĨNH): Cảm thấy may mắn khi tham gia Liên hoan

Liên hoan thật sự là một cơ hội vàng để lớp diễn viên trẻ học hỏi những “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật Tuồng truyền thống. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được đến đây, xem những vai diễn mẫu mực và học được nhiều điều từ đồng nghiệp, nhằm bổ sung cho vốn nghề. Các vở tuồng truyền thống thường rất hay, nhưng khó diễn. Tôi phải cố gắng rất nhiều khi vào vai Hoàng Phi Hổ, chủ yếu học qua băng tư liệu và sự chỉ bảo của các nghệ sĩ đàn anh trong đoàn. Ra sân khấu, tôi đã diễn hết sức mình và cảm thấy hài lòng với những gì đã thể hiện. Tuồng truyền thống là nguồn cội mà bất kỳ diễn viên nào, nhất là lớp trẻ luôn muốn hướng đến. Tiếc là, hiện nay, chúng tôi có ít cơ hội được thể hiện các “vai lớn”. Điều này làm nhiều người không khỏi băn khoăn về việc phải học như thế nào để đạt tới “đỉnh” của nghệ thuật, xứng tầm với thế hệ đi trước. Vì vậy, tôi rất mong rằng sẽ có nhiều lần Liên hoan như thế này để những người như chúng tôi được học, được cọ xát và trưởng thành hơn trong nghề.

* NGHỆ SĨ THANH TRANG (NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT HÁT BỘI TP. HỒ CHÍ MINH): Hướng về cội nguồn

Đến với Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc, tôi đã hiểu thêm rất nhiều về Tuồng truyền thống. Những vở diễn của các đoàn bạn đã bổ sung nhiều kiến thức để tôi phát triển nghề nghiệp. Tôi rất ấn tượng với cách diễn tĩnh, đậm chất truyền thống của các đoàn, nhà hát ở khu vực miền Trung. Nói thật, khi xem các đoàn bạn biểu diễn, tôi cũng như các nghệ sĩ trong Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh cảm thấy mình khác với mọi người quá, từ cách hát, cách diễn đến phục trang, vũ đạo. Chính vì vậy, có thể coi đây như là lần tìm về cội nguồn, để hiểu, để thẩm thấu cái hay, cái đẹp của Tuồng truyền thống. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và thể hiện những phong cách biểu diễn truyền thống trong các vai diễn của mình.

  • Kim Khánh (Ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)
Vườn trong nhà phố  (02/09/2008)
Những “vòng quay” vì môi trường  (01/09/2008)
Tăng cường năng lực ứng phó kịp thời  (02/09/2008)
An Vinh, đất khó đang chuyển mình  (01/09/2008)
Chuyện về người “mang cả lòng đại dương về nhà”  (01/09/2008)
Thơ  (01/09/2008)
“Điểm bắt đầu” cho người sử dụng Internet Việt Nam  (01/09/2008)
Trò chơi từ những nắp chai  (01/09/2008)
Tập xe đạp  (01/09/2008)
Triệt phá băng trộm xe, làm giả giấy tờ  (01/09/2008)
Hội của miền đất Võ  (01/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (01/09/2008)
Vui buồn cờ tướng An Nhơn  (01/09/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2008)