PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG:
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”
10:24', 2/9/ 2008 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đăng Chương

Liên hoan (LH) nghệ thuật Tuồng truyền thống lần đầu tiên vừa được tổ chức tại Bình Định. PV Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một số vấn đề quanh việc bảo tồn và phát triển Tuồng truyền thống.

* Thưa ông, vì sao Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức LH nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc?

- Hiện tại, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng đang lâm vào khủng hoảng về khán giả. Khó khăn này đã khiến các đơn vị nghệ thuật Tuồng trong toàn quốc thay vì dựng các vở truyền thống, đã dựng các vở khác, nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả. Thậm chí, có những đơn vị cả năm không dựng được vở nào do khan hiếm kịch bản và chỉ hoạt động cầm chừng ở các lễ hội địa phương. Do đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức LH để tôn vinh nghệ thuật Tuồng truyền thống.

* Vậy LH lần này đã đạt được mục tiêu đó chưa, thưa ông?

- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp tổ chức LH rất tốt. Ban Tổ chức địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đón tiếp, tổ chức các hoạt động… góp phần tạo nên thành công cho LH. Đặc biệt, Bình Định quả xứng danh “đất Tuồng”. Điều này được thể hiện ở chỗ: lượng khán giả đến xem các buổi diễn rất đông. Đây quả là điều rất hiếm có từ trước đến giờ, vượt ra ngoài dự kiến của Ban Tổ chức LH. Điều này cũng khẳng định, việc tổ chức LH ở Bình Định là hết sức đúng đắn và gặt hái được thành công rực rỡ.

* Còn về chất lượng các vở diễn tham gia LH thì sao, thưa ông?

- Chất lượng các vở diễn tham dự LH rất đồng đều. Đặc biệt, ở các vở Tuồng truyền thống, đã lóe sáng một số diễn viên tài năng, thể hiện những vai diễn, những mô hình nhân vật, giữ được cốt cách truyền thống của cha ông. Đồng thời, các diễn viên cũng đã có sự sáng tạo riêng, tạo cho người xem một ấn tượng mạnh, một cảm xúc đẹp về nhận thức thẩm mỹ đối với mẫu hình nhân vật. Thông qua chất lượng vở diễn, các đơn vị nghệ thuật đã khẳng định được sự trân trọng với những giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông, cũng như phương thức để gìn giữ và phát huy vốn quý ấy. Đòi hỏi chất lượng nghệ thuật đối với vở truyền thống là vô cùng…, nhưng tôi nghĩ, trong tình hình khó khăn như hiện nay, các vở diễn tham dự LH đạt chất lượng như vậy, đã là rất đáng mừng và đáng trân trọng. 

* LH đã khẳng định giá trị của Tuồng truyền thống, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các giá trị ấy đi vào đời sống thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay, thưa ông?

- Việc làm thế nào để vừa lưu giữ, vừa phát triển được nghệ thuật Tuồng truyền thống, để những giá trị ấy đi vào đời sống thưởng thức nghệ thuật của người dân là rất khó. Đây là bài toán chưa có lời giải và hiện nay, chúng ta vẫn đang đi tìm. Không thể áp dụng mô hình hoạt động này cho mô hình hoạt động khác, không thể áp dụng phương thức hoạt động nghệ thuật ở khu vực này cho khu vực khác. Nên mỗi đơn vị nghệ thuật cần tìm hướng ra cho Tuồng truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu thưởng thức chung, vừa phù hợp với đặc trưng vùng miền. Làm được vậy thì công tác gìn giữ, phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống mới sống được trong lòng nhân dân, trong thị hiếu thưởng thức của người dân. Việc này có lẽ phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể làm được.

* Vậy trước mắt, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có hoạt động nào để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống, thưa ông?

- Vào tháng 10 tới, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức một Hội thảo Quốc gia về bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống trong thời đại hội nhập. Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ mời các chuyên gia của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… tham gia hội thảo để học hỏi kinh nghiệm bảo tồn nghệ thuật truyền thống của họ. Đồng thời, hội thảo sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý nghệ thuật, những người làm nghệ thuật… nhằm tìm ra những hướng đi chung mang tính vĩ mô cho nghệ thuật Tuồng, đồng thời, có cái riêng phù hợp với đặc trưng vùng miền. Từ đó, có những hành động cụ thể, giúp nghệ thuật Tuồng truyền thống tồn tại và phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề  (02/09/2008)
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)
Vườn trong nhà phố  (02/09/2008)
Những “vòng quay” vì môi trường  (01/09/2008)
Tăng cường năng lực ứng phó kịp thời  (02/09/2008)
An Vinh, đất khó đang chuyển mình  (01/09/2008)
Chuyện về người “mang cả lòng đại dương về nhà”  (01/09/2008)
Thơ  (01/09/2008)
“Điểm bắt đầu” cho người sử dụng Internet Việt Nam  (01/09/2008)
Trò chơi từ những nắp chai  (01/09/2008)
Tập xe đạp  (01/09/2008)
Triệt phá băng trộm xe, làm giả giấy tờ  (01/09/2008)
Hội của miền đất Võ  (01/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (01/09/2008)
Vui buồn cờ tướng An Nhơn  (01/09/2008)