Trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc 2008, một cuộc hội thảo (HT) với chủ đề “Nghệ thuật Tuồng truyền thống qua Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc” được tổ chức. Tại HT, nhiều ý kiến được đưa ra quanh việc bảo tồn và phục dựng các vở Tuồng truyền thống.
|
Một cảnh trong vở “Diễn võ đình” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Nhìn vào thực trạng Tuồng truyền thống
Phải sau 32 năm kể từ năm 1976, các thành viên trong “đại gia đình Tuồng” mới có một cuộc hội ngộ đông đủ tại Liên hoan Nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc vừa được tổ chức ở Bình Định, để được hát, được múa, được diễn và được trao đổi với nhau về những vấn đề đang đặt ra với Tuồng truyền thống. Tại Liên hoan này, nói như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, “thực lực của sân khấu hát bội được phơi bày một cách đầy đủ và trung thực” nhất. Tại diễn đàn của HT, những người có tâm huyết với nghề không dấu nổi sự thất vọng khi nhìn thấy sự non yếu của lớp kế cận, những chỉnh lý cải biên trong các vở tuồng quá mức đến độ đã đi xa những giá trị truyền thống…
Phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng: các nhà hát tuồng, các đoàn tuồng đang bị “cái khó bó mất cái khôn” trong việc phục dựng và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc. Chung quy lại, đó là “cái khó” trong kịch bản, trong kinh phí đầu tư và nhân sự. Việc phục dựng thiếu kịch bản gốc do tình trạng tam sao thất bản; trong khi một số người được mời làm cố vấn cho vở diễn, do tuổi tác, trình độ, tính cục bộ địa phương đã tạo ra những lệch lạc về đường nét, trình thức biểu diễn. Tuồng cổ thường có nhiều Hán văn, nhưng đội ngũ biên dịch, chỉnh lý đôi khi không chuyển tải được đầy đủ ý nghĩa của chữ Hán. Trong khi đó, lớp nghệ sĩ tiền bối, nắm giữ những tinh túy của nghề, hiện đều đã “gần đất xa trời”.
Bên cạnh đó, do kinh phí eo hẹp, nên việc phục dựng các vở tuồng truyền thống thiếu sự gia công, thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo để có thể tiếp cận với chân giá trị của truyền thống trong dạng nguyên biên tối đa. Có đoàn, do mải mê chạy theo “cơm, áo, gạo, tiền”, đã cải biên quá mức thành “gieo vừng ra ngô”. Ngoài ra, lực lượng nghệ sĩ trẻ tinh thông về nghệ thuật truyền thống hiện không nhiều, phần lớn được đào tạo thiếu kỹ càng về cơ bản, nên chưa thể hiện tốt vai diễn của mình.
* Để bảo tồn và phục dựng
Tại HT, nhiều giải pháp để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống được đưa ra. Đoàn Tuồng Thanh Hóa cho rằng cần phải có kế hoạch chiến lược về việc đào tạo đội ngũ kế cận và có chế độ đặc cách với người dạy, người học, người làm bộ môn nghệ thuật truyền thống này, nhằm thu hút nhân tài. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí phục dựng các trích đoạn, các vở tuồng thầy theo hướng tập trung, và tạo điều kiện để các nhà hát, các đoàn Tuồng đi phục vụ rộng rãi trong dân. Nhà hát Tuồng Đào Tấn đề xuất việc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, chỉnh biên kịch bản gốc từ dân gian, ghi hình chân dung các nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi, các vở diễn. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý cho lớp trẻ sau này tiếp nối truyền thống. Ngoài ra, cần phát hiện tài năng và mạnh dạn giao các vai diễn chính cho lớp trẻ để họ có thêm thời gian tiếp thu và trải nghiệm nhiều vai mẫu.
Trong tham luận “Một cánh cửa hẹp mở vào sân khấu dân tộc” của TS. Nguyễn Văn Thành cho rằng: Kho tàng Tuồng truyền thống vốn rất phong phú. Ông ví những vở diễn truyền thống tại Liên hoan Nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc lần này chỉ như lớp vỉa quặng đầu, như một cánh cửa hẹp mở vào một tòa lâu đài đồ sộ. Và Liên hoan lần này có ý nghĩa như một sự khởi hành cho hành trình tìm về cội nguồn Tuồng truyền thống.
Góp ý thêm về vấn đề này, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng: để cuộc hành trình ấy về đến đích, cần có một hiệp hội hát bội để giải quyết, khơi thông những khó khăn vướng mắc có thể gặp phải. NSƯT Hoàng Khiềm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, xem HT là một cơ hội để những người anh em trong nghề chia sẻ tâm sự với nhau. Nhưng điều quan trọng là phải “biến tư duy thành hành động”, để đừng giống như những lần HT trước đây chỉ “nói cho nhau nghe”. Ông kêu gọi các đoàn, các nhà hát hãy cùng chung tay, góp sức, quyết tâm tạo ra những chuyển biến mới cho Tuồng trong thời gian tới.
Kết thúc HT, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ đã tổng hợp mọi ý kiến và đưa ra ba giải pháp, gồm nâng cao chất lượng đào tạo (tác giả, đạo diễn, diễn viên), tập trung xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao và tăng cường quảng bá, xây dựng một số đề án phục hồi và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống.
|