Đã mấy mươi năm qua mà những ngày kháng chiến gian khổ vẫn còn âm vang trong lòng lớp người lớn tuổi. Đôi khi còn thôi thúc khiến chúng tôi nhớ đến da diết tuổi học trò, vất vả mà hồn nhiên. Nhớ ngày vui, đi học vẫn dãi dầu/Đêm bài vở, ngày đi cày đi gặt. (Nhớ trường xưa)
|
Lớp học ngoài trời - thời kháng chiến. Minh họa: Phúc
|
Ấy là khoảng trước năm 1954 khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đang sôi sục nhất. Trường học không nhiều, mỗi huyện chỉ có một trường cấp 2 (hệ 10 năm). Học sinh đều từ xa đến ở trọ đi học. Chúng tôi ở trọ trong nhà dân vùng quê, rải rác mỗi nhà vài ba người, hoàn toàn không tốn kém. Bà con luôn sẵn sàng giúp đỡ. Họ mở cửa nhà trên- nơi thờ cúng ông bà, nơi trang trọng nhất - để chúng tôi ở, học. Chiếc bàn chân tiện láng bóng kia, ngày ấy chỉ được dùng khi có khách quý; cửa chỉ mở vào dịp giỗ chạp, thế mà nay cô bác dành cho chúng tôi. Họ không chút phiền hà vì lẽ họ rất quý việc học hành. Được đón người có chữ, dù không quen vẫn là niềm vui và vinh dự.
Ngày ấy, dường như ai cũng như ai, từ thầy giáo đến học sinh đều ăn mặc đơn sơ: quần soọc, áo sơ mi ngắn tay bằng vải ta rộng tuềnh toàng. Thứ vải thô ráp được nhuộm đủ màu, chứ không dùng màu trắng vì khó ngụy trang, để tránh máy bay giặc. Màu xanh có lá chàm, màu nâu có vỏ cây dú dẻ, màu xám là than giã nhỏ. Chúng tôi tự nhuộm lấy, nhuộm xong đem phủ bùn để cầm màu. Những chiếc áo mới như còn vương vấn mùi thôn dã, hăng hắc mà quen thuộc. Các thầy tuy có khá hơn nhưng vẫn mặc thứ vải sợi nội hóa. Học sinh đi học mà luôn kè kè bên hông chiếc dao găm, không phải để đánh nhau đâu, mà là để biểu hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu; đề phòng địch nhảy dù. Khi vừa nhảy xuống, chúng bị choáng ngợp năm ba phút, ấy là lúc chúng ta đánh thắng dễ dàng nhất. Ngày ấy chúng tôi tin thế! Những chiếc máy bay luôn quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng trút những trận bom, hay từng loạt đạn, đôi khi đến vu vơ, khi chúng nghi ngờ. Những ngôi trường tập trung bị thả bom xăng cháy rụi, nên lớp học phải phân tán rải rác, khi thì trong vườn cây, khi ngoài mé sông, dưới lùm tre hoặc dưới lòng suối cạn, lớp này cách lớp kia vài cây số. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn vui, vẫn học hành, sinh hoạt bình thường. Những cuộc hội thảo, những đêm văn nghệ cứ vài tuần lại được tổ chức. Hầu hết các sinh hoạt đông người đều tổ chức về đêm. Những chiếc đèn “vung” (đèn là cái nắp vung nồi, đốt bằng dầu phụng) thay cho ánh điện, sâu khấu là bàn học kết lại hoặc là mô đất cao, đôi khi chỉ là một quãng đường đê. Chúng tôi lại ngồi dưới ruộng khô để xem. Chiếc ghế xếp dã chiến là vật dụng không thể thiếu, đi học, đi họp đều mang theo. Lớp học cơ động là thế nhưng không đòi phương tiện. Đêm nay học ở vườn cây, thấy động lại dời ra mé sông. Mỗi người một chiếc đèn thẩu thắp bằng dầu phụng, ánh sáng lờ mờ vừa đủ soi trang giấy rơm màu vàng: Giấy rơm đèn thẩu thành thân/Đêm vui sách bút nợ nần chi đâu (Nhớ đèn). Khi có máy bay là đèn tắt phụt, lại vừa nghe lời giảng, vừa lắng nghe tiếng máy bay. Nếu chúng đến gần là ra hầm trú ẩn, chúng đi xa là trở lại học, như chơi trò “ú tìm”. Nhiều đêm phải ra vào hầm trú ẩn đến ba bốn lần, đôi khi phải ngưng học để đi chữa cháy hoặc vĩnh biệt vài người thân. Việc ấy tuy không nhiều nhưng hình ảnh ấy vẫn còn âm vang trong tâm khảm xót xa.
Ban ngày chúng tôi chuyền bài cho nhau để chép, làm. Bài hình học khi thì vẽ trên bảng, khi thì vẽ trên mặt đất với những mẩu than cũng đủ để bàn bạc, tranh luận. Thế mà vẫn hào hứng, sôi nổi và đạt kết quả. Học sinh còn tham gia sản xuất, trồng mì, trồng rau, gặp những khi nhà trọ cần giúp là chúng tôi sẵn sàng ngay, cùng kéo ra đồng đi cày, đi gặt thật hăng hái. Ai cũng muốn tỏ ra mình thuần thục lao động để khỏi mang tiếng là “Bất lao động tiện thị trư” (không lao động thì xấu như con heo). Mặt trời vừa xuống núi, chúng tôi lại “ba chân bốn cẳng” cặp sách chạy đến lớp. Sinh hoạt lúc nào cũng cuống cuồng.
Tiền bạc chẳng là bao mà nhu cầu thì nhiều nên chúng tôi tự lo liệu hết. Từ cây thước đo góc đến màu mực đều tự chế biến. Màu đỏ có đá son, màu lơ màu tím có sẵn, màu lục có lá ớt, màu vàng có củ nghệ, với đôi bàn tay khéo léo, cần cù, những tờ bích báo vẫn đủ màu linh động.
Ăn uống thật đạm bạc: rau tự trồng, gạo, mì gia đình chu cấp, chỉ cần một ít mắm làm đồ ăn cũng đủ. Thỉnh thoảng bắt được con rô, con chạch, chú ếch, con lươn là bữa ăn được cải thiện. Vui vẻ, ngon lành!
Thời ấy nữ sinh rất ít, mỗi lớp chừng năm ba người. Họ là những bông hoa, là nguồn hứng thú. Tuy sinh hoạt gần gũi, ánh mắt, nụ cười luôn trao nhau, tay trong tay ca hát, lòng thầm lặng mà xao xuyến nhưng chuyện tình yêu lệch lạc không mấy khi xảy ra. Có lẽ những giờ sinh hoạt kiểm điểm, phê bình hàng tuần, hàng tháng đã nâng cao ý thức đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật trong mỗi học sinh chúng tôi. Những sinh hoạt liên tục, rộn ràng đến quay cuồng ấy đã khiến chúng tôi ăn ngủ rất ngon, trong mơ vẫn là những hình ảnh thanh khiết.
Sống trong thiếu thốn, vất vả trong môi trường trong sáng khiến chúng tôi trưởng thành nhanh chóng. Điều hiển nhiên là ngày nay có rất nhiều nhà khoa học, vật lý, văn chương đã thành đạt từ những mái trường thời ấy. Tên tuổi nhiều vị còn vang vọng khắp nước như: Thiếu tướng Nguyễn Quỳ, giáo sư tiến sĩ Châu Diệu Ái, nữ giáo sư Ngọc Trâm…
|