|
Ông Nguyễn Xuân Ái. Ảnh: N.S |
Tại Nhà Bảo tàng Côn Đảo trước năm 1994 có một hiện vật “vô chủ”. Đó là một tấm vải đen dài gần bằng sải tay, nội dung là một bản yêu sách của tù nhân phòng 3, trại I gởi Ban quản đốc Trung tâm Côn Sơn, đòi được hưởng quy chế tù chính trị. Nói “vô chủ” bởi vì từ khi hiện vật này được tìm thấy trong kho của nhà tù- sau giải phóng - cho đến thời điểm năm 1994, các cán bộ bảo tàng vẫn chưa tìm ra những thông tin cụ thể về hoàn cảnh ra đời của bản yêu sách này. Cho đến một ngày của năm 1994, khi ông Nguyễn Xuân Ái - cựu tù chính trị Côn Đảo, hiện sinh sống tại Quy Nhơn - ra thăm lại “chiến trường” xưa, nơi mình đã bị giam giữ suốt 14 năm…
* Sống là chiến đấu
Ông Nguyễn Xuân Ái quê ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Năm 1954, lúc 18 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Một năm sau, ông bị địch bắt vì nghi rải truyền đơn và bị đưa vào nhà lao Quy Nhơn. Ở đây, ông chịu đủ các cực hình tra tấn của Mỹ– ngụy: đánh tứ trụ, treo, tra điện… nhưng vẫn một mực không nhận. 6 tháng sau chúng thả ông về.
Sau lần này, ông được đồng chí Võ Tấn – Phó Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ lúc bấy giờ - và đồng chí Nguyễn Khéo – cán bộ ở lại của huyện Phù Mỹ - liên lạc và giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở hợp pháp ở Mỹ An. Tuy nhiên sau đó một vài cơ sở ở Phù Mỹ bị lộ và ông Nguyễn Xuân Ái bị địch bắt. Lại vào nhà lao Quy Nhơn, lại đấu tranh chống học tố cộng, chống ly khai, lại bị đánh đập dã man. Ở đây, trong một lần ông tiếp tế sữa cho anh em xà lim số 1 - nơi giam những tù nhân án tử hình - thì bị địch phát hiện. Bọn chúng bắt ông và tra tấn, không từ thủ đoạn nào, chỉ để tìm cho ra “Tổ chức của mày ở đâu? Ai sai mày làm việc này?”. Trước sau ông vẫn một mực rằng “Tôi thấy người ta tội quá thì mua sữa cho”. Cộng với chuyện ông là người cung cấp mẫu thêu cho anh em trong tù thêu 2 câu thơ nói về nỗi nhớ nhà, bọn địch quyết định đưa ông ra Côn Đảo. Đó là chuyến tàu khởi hành từ Gia Định ngày 19.1.1959 và ra đến Côn Đảo rạng sáng ngày 20.1.1959. Chuyến tàu ấy có tất cả 609 người, trong đó Bình Định có 37 người.
Sau khi bọn địch ra chiêu “nắn gân” tinh thần tù nhân như: đe dọa, kể về chiến dịch bàn tay sắt – bàn tay nhung, nỗi ám ảnh từ nghĩa trang Hàng Dương, có 340 người (trong số này có 35 người Bình Định) kiên quyết chống ly khai, tức không ly khai Đảng Cộng sản, không chào cờ ba que (cờ ngụy màu vàng có 3 sọc đỏ, nhân dân ta không gọi là ba sọc mà gọi mỉa là ba que – thời đó từ “ba que” dùng để chỉ bọn bợm bãi, lừa lọc: “ba que, xỏ lá”), học tập tố cộng. Tất cả họ được đưa vào trại I.
Chính vì thế, trại I là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất và cũng chính là nơi bọn địch áp dụng những hình thức tra tấn dã man nhất, chế độ quản lý tù nhân khắc nghiệt nhất nhằm làm nhụt ý chí, lung lạc tinh thần những người cộng sản kiên trung. Những cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức của tù nhân như tuyệt thực, tố khổ, đòi gặp trưởng trại, hô la phản đối… liên tục diễn ra để chống ly khai, và đòi các quyền dân sinh dân chủ cho tù nhân. Dù có khi thành quả của các cuộc đấu tranh chỉ được duy trì trong vài tuần hay nhiều nhất là vài tháng và mỗi lần đấu tranh như vậy là phải trả giá bằng mạng sống của nhiều người nhưng các cuộc đấu tranh vẫn liên tục diễn ra.
Giữa tháng 9.1970, nhà tù Côn Đảo nổ ra một cuộc “đồng khởi”. Đồng loạt, tất cả các trại giam (trừ trại I) nổi dậy đấu tranh chống chào cờ. Tuy nhiên, do còn ít kinh nghiệm nên cuộc đấu tranh này nhanh chóng bị địch đàn áp, khủng bố. Nhiều người bị đánh đập, tra tấn dã man. Không thể để cuộc đấu tranh không có kết thúc, đồng nghĩa với việc thừa nhận mình thất bại, các đồng chí lãnh đạo trong nhà tù bàn bạc. Sứ mệnh đó được giao cho trại I. Và trại I chọn phòng 3 thực hiện nhiệm vụ này.
|
Bản yêu sách đòi quyền dân sinh dân chủ cho tù nhân Côn Đảo do ông Nguyễn Xuân Ái trực tiếp viết năm 1970.
|
* Lai lịch của bản yêu sách
Ông Nguyễn Xuân Ái nhớ lại: “Trong cuộc đấu tranh đó, trại I không chủ động tham gia bởi chúng tôi đã nghiễm nhiên đối đầu với chúng rồi. Nhưng chúng tôi lại được giao nhiệm vụ phải giúp các trại khác kết thúc cuộc đấu tranh này. Hình thức kết thúc một cuộc đấu tranh là đưa yêu sách và buộc bọn cai tù phải nhận và hứa (dù chỉ là hứa) thực hiện. Đó được coi là nấc thang đầu để tiến hành các bước đấu tranh tiếp theo, để khẳng định mình đấu tranh có hiệu quả. Còn nếu không thì chẳng khác nào mình thừa nhận thất bại trước kẻ thù”.
Nội dung của bản yêu sách đưa ra để giúp các trại khác kết thúc cuộc đấu tranh lần này, không gì khác chính là đòi quyền dân sinh dân chủ cho tù nhân. Sau khi thống nhất chủ đề yêu sách, nội dung được soạn và đưa cho tất cả các phòng trong trại I tham khảo, bổ sung, chỉnh sửa. Việc đưa nội dung bản yêu sách cho các phòng chỉnh sửa, nghe có vẻ đơn giản nhưng lại cực khó. Ông Nguyễn Xuân Ái kể: “Trại I lúc ấy có 10 phòng giam, các phòng cách nhau một bức tường dày 60cm nên nói chuyện với nhau là không thể. Cách duy nhất là liên lạc bằng mosre. Cứ thế, phòng này gõ lên tường cho phòng bên cạnh nghe nội dung, bên kia có bổ sung, chỉnh sửa thì đáp lại cũng bằng mosre. Sau khi thống nhất nội dung, cả phòng chọn người viết chữ đẹp để thể hiện. Nhưng phải là người vừa viết chữ đẹp vừa có gan chịu đựng đòn roi tra tấn của kẻ thù (phòng trường hợp chúng không tiếp nhận yêu sách mà quay sang khủng bố, đàn áp) mới được chọn. Tôi là người đáp ứng được hai yêu cầu đó nên được chọn.
Chúng tôi cạo vôi tường rồi hòa với nước cháo làm sơn, bảng thì là cái quần đen xé ra rồi may lại thành hình chữ nhật. Tôi và anh Lê Quang Ngọc - đại diện phòng 3 -mang bản yêu sách này ra trình bày với phái đoàn Mỹ - ngụy. Bọn chúng đồng ý nhận bản yêu sách và giải quyết”.
Thành quả của cuộc đấu tranh đó là bọn cai tù đã thực hiện một số nội dung trong yêu sách của tù nhân, nhưng chủ yếu là cho các trại khác, còn trại I thì chỉ được một thời gian ngắn rồi thôi, tù nhân lại bị đàn áp, khủng bố. Dù vậy, điều đó cũng làm cho những người tù trại I sung sướng bởi họ đã góp phần cho sự thành công - dẫu không trọn vẹn - của một cuộc đấu tranh.
Kết thúc câu chuyện về một thời oanh liệt của mình gắn với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nơi ngục tù Côn Đảo, ông Nguyễn Xuân Ái - hiện là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh Bình Định - nói: “Tôi cũng như anh em tù nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vững vàng một đức tin: Cách mạng sẽ thắng lợi. Đó chính là động lực, sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua tất cả những thử thách khắc nghiệt nhất nơi địa ngục trần gian Côn Đảo để sống và chiến đấu cho đến ngày hòa bình”.
|