KỶ NIỆM 63 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2.9
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám
10:44', 2/9/ 2008 (GMT+7)

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu

Mỗi lần nói đến “Đại đoàn kết” - là chúng ta lại nhớ ngay đến Bác Hồ kính yêu!

Thuở sinh thời, Bác đi tới đâu, là ở đó vang lên bài hát “Kết đoàn”: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang…”. Nói chuyện với các cụ phụ lão, với thanh niên, với các cán bộ, đảng viên, với quân đội, công an, với phụ nữ và cả các em nhi đồng…, ở tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Bác cũng đều dặn dò: Đoàn kết, yêu thương lẫn nhau…

Rất nhiều lần, Người nói với chúng ta: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”. Rất nhiều lần, trong những bài thơ vận động Cách mạng của mình, Bác đều nói đến chữ “đồng”: “Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng chí, đồng lòng, đồng minh”. Và “Nước nhà giành lại nhờ gan sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”.

Trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 3.1944, trong Đại hội các đoàn thể Cách mạng Việt Nam ở Liễu Châu (Trung Quốc), Bác nói: “Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ nhân dân Việt Nam đoàn kết”.

Ngày 14.7.1969, chưa đầy hai tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên Báo Granma, Cu ba, Bác nói: “Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”.

Có lẽ, không có một người dân Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ của Bác: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết/ Thành công, Thành công, Đại thành công”.

Trong suốt cuộc đời đấu tranh cho nền độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng theo câu thơ của mình, và Người đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhất của khối Đại đoàn kết toàn dân.

Đọc lại những tác phẩm, bài viết, bài nói quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua, từ năm 1919 đến 1969 trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, các nhà nghiên cứu cho thấy các bài viết đề cập đến vấn đề Đại đoàn kết dân tộc của Bác đã chiếm tới trên 40%. Hai chữ “Đoàn kết” luôn xuất hiện trong những bài viết, bài nói của Bác. Có thể nói, Đại đoàn kết là một tư tưởng lớn, một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn kết không phải là điều mới đối với dân tộc Việt Nam. Bác Hồ đã nói: “Đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”. Trên thế giới không có dân tộc nào gọi người trong một nước là “đồng bào”. Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ có lẽ là một truyền thuyết đẹp nhất, một bài học lớn về “Con một nhà” của ông cha ta tự nghìn xưa. Chẳng hiểu ai đã sinh ra cái mâm tròn, để cả nhà cùng ngồi chung trong một bữa ăn, cùng chấm chung một bát nước mắm… Đoàn kết, yêu nước và ý thức cộng đồng đã trở thành đạo lý thường ngày của dân tộc ta. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Lúc đất nước có giặc ngoại xâm thì “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”. Đó là Bình Ngô đại cáo từ thế kỷ thứ XV của Nguyễn Trãi. Đó cũng chính là sức mạnh Việt Nam, là truyền thống Việt Nam!

Nhờ sức mạnh Đại đoàn kết to lớn đó, mà Cách mạng Tháng Tám đã thành công và dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nước ta là một cộng đồng gồm 54 dân tộc anh em. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Đối với các tôn giáo, Người nói: “Các tôn giáo ra đời nói chung đều vì mục đích con người, đều nhằm cứu giúp con người thoát khỏi vòng bể khổ, giúp họ sống trong hòa bình và tự do. Chúa giáng sinh là để cứu vớt nhân loại. Chính Chúa là một tấm gương hy sinh vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình và vì công lý”. “Phật ra đời cũng chính là để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha…” (có nghĩa là đem lại vui sướng cho dân chúng, quên mình vì người khác).

Cũng nhờ chính sách Đại đoàn kết ấy mà ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước. Không chỉ những trí thức bậc cao, mà cả những nhân sĩ yêu nước, những khâm sai đại thần của chế độ phong kiến, những người làm việc bên cạnh nhà vua phong kiến… cũng tự nguyện đi theo Cách mạng, đi theo Cụ Hồ. Cụ Phan Kế Toại đã nói: “Cụ Hồ đúng là một ngọn núi nam châm khổng lồ!”. Cái sức hút vĩ đại ấy của Bác chính là chính sách Đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta, mà Hồ Chủ tịch là người tiêu biểu.

 

Bác Hồ bắt nhịp bài hát Kết đoàn. Ảnh tư liệu

 

Với chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Hồ Chủ tịch, Cách mạng Việt Nam đã trải qua những trang lịch sử đẹp như truyền thuyết. Không ai ngờ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đã đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lại được Bác Hồ viết trong căn nhà của một người tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Và năm 1946 khi sang thăm Pháp, Bác Hồ đã trao lại quyền Chủ tịch nước cho một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng là cụ Huỳnh Thúc Kháng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào con người, và lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”…

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Không chỉ 85 triệu người con trong nước, mà hàng triệu những con Lạc cháu Hồng, những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, cũng hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần xây dựng nước nhà.

Tư tưởng Đại đoàn kết là bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám, là một sản phẩm trí tuệ, một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đã trở thành ngọn cờ chỉ đạo cho công tác vận động Cách mạng Việt Nam.

Trước khi đi xa, trong Di chúc của mình, mặc dù phải dặn lại rất nhiều công việc quan trọng, Bác đã viết đến 8 chữ Đoàn kết: Đoàn kết chặt chẽ, Đoàn kết nhất trí, Đoàn kết và thống nhất, Đoàn kết phấn đấu,… Đặc biệt, trong phần nói về Đảng, Bác đã nhắc đến 5 chữ Đoàn kết, bởi vì Đoàn kết toàn Đảng chính là nền tảng để Đoàn kết toàn dân.

  • Bùi Công Bính
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện về một hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo  (02/09/2008)
Đi học thời kháng chiến  (02/09/2008)
Để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống  (02/09/2008)
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”  (02/09/2008)
Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề  (02/09/2008)
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)
Vườn trong nhà phố  (02/09/2008)
Những “vòng quay” vì môi trường  (01/09/2008)
Tăng cường năng lực ứng phó kịp thời  (02/09/2008)
An Vinh, đất khó đang chuyển mình  (01/09/2008)
Chuyện về người “mang cả lòng đại dương về nhà”  (01/09/2008)
Thơ  (01/09/2008)
“Điểm bắt đầu” cho người sử dụng Internet Việt Nam  (01/09/2008)
Trò chơi từ những nắp chai  (01/09/2008)
Tập xe đạp  (01/09/2008)