Bóng đá Việt Nam mùa giải 2008 đã qua đi hơn bốn tháng, nhưng vẫn đọng lại trong tâm trí các nhà tổ chức lẫn người hâm mộ một nỗi buồn khôn nguôi. Trong khi chất lượng trận đấu chưa được nâng cao, thì những sự cố và rất nhiều vấn đề phát sinh khác lại làm các trận đấu thêm lu mờ.
|
Năm 2009, những hình ảnh như thế này liệu có còn tái diễn? - Trong ảnh: Chùm ảnh về bạo loạn trên sân Vinh. Ảnh: TT
|
* Chất lượng: giậm chân tại chỗ
Điều đầu tiên cần đề cập tới của bóng đá Việt Nam trong năm vừa qua chính là chất lượng các giải đấu. Để tìm một cụm từ có thể bao hàm tổng quát và rõ nét nhất chất lượng các trận đấu thì đó chính là “tư thế tĩnh tại”.
Bắt đầu từ giải đấu chuyên nghiệp cấp cao nhất là V-League. Không khó để nhìn nhận rằng năm nay các đội đồng đều hơn về chuyên môn. Điều này thể hiện ở chỗ nếu các năm trước những đội bóng “lót đường” thường “buông súng” sớm và biết trước suất xuống hạng từ… giữa mùa; thì năm nay, ngôi đầu liên tục đổi chủ, hết Hải Phòng đến Thế Công, khi thì Đà Nẵng lại đến Bình Dương…. Hai vòng đấu cuối cùng trước khi mùa giải kết thúc, chỉ đến lúc Hải Phòng “giương cờ trắng” thì người ta mới tìm ra chủ nhân thật sự của V-League năm nay: Bình Dương. Nhưng cách Bình Dương lên ngôi vô địch theo kiểu “chộp giựt” cũng không được cho là đáng thuyết phục. Trong khi đó, điểm đáy bảng xếp hạng luôn tồn tại hai đội bóng Hà Nội, nhưng cùng chen chúc trong “vùng trũng” ấy cũng không cố định một đội nào. Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, Bình Định, Nam Định… thay phiên nhau nằm ở vị thế không ai mong muốn. Nhiều người lầm tưởng cái cách mà các đội “kè” nhau từng điểm là dấu hiệu chứng tỏ V-League đã “nâng tầm”, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Các “đại gia” chững lại về phong độ, kéo theo đó là sự dính chùm ở toàn bảng xếp hạng. Các đội luôn chỉ cách nhau vài điểm và cũng chỉ sau một trận đấu là thứ tự lại đảo ngược hoàn toàn. Không ai có sự ổn định và thế mạnh để bứt phá.
V-League 2008 dù “về đích an toàn” như cách nói của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, nhưng báo cáo của ông Trưởng giải Nguyễn Hữu Bàng cũng chỉ rõ rằng, về chuyên môn “những trận đấu hay không nhiều, chất lượng chuyên môn chỉ ở mức trung bình”. Hiện tượng tiêu cực ít, nhưng không phải không có: “Một số trận đấu cuối giai đoạn hai, cầu thủ của vài đội bóng thi đấu không đúng phong độ, thể hiện yếu kém chuyên môn, gây nên những nghi ngờ trên công luận”.
Giải hạng Nhất lại có một thái cực trái ngược. Top đầu hầu như chỉ là sự ganh đua nội bộ của ba đội Đồng Tháp, Quân khu 4 và T&T Hà Nội. Còn ở nhóm dưới cũng là Quân khu 5, Quảng Ngãi… khiến cho giải đấu này là sự rập khuôn nhàm chán. Gần như cả mùa giải, người ta không quan tâm tới việc dự đoán các vị trí đầu hay cuối, bởi sự nhợt nhạt trong chất lượng các trận đấu dấy lên sự hoài nghi về cái gọi là “bóng đá chuyên nghiệp”.
Nối theo V-League và hạng Nhất, cúp Quốc gia năm nay càng xuống cấp trầm trọng với sự thờ ơ của những đội dự giải; trong khi đó, các giải trẻ cũng chưa nâng tầm về chuyên môn như giới mộ điệu hằng mong đợi bấy lâu.
* Những “điểm đen”
Trong khi chất lượng chuyên môn chưa được cải thiện, thì vô số những vấn đề nổi cộm phát sinh đã góp phần làm “vấy bẩn” thêm hình ảnh bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, VFF phải thay Trưởng giải giữa mùa sau sự cố trên sân Vinh giữa CĐV hai đội Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng ở vòng đấu 18. Ông Nguyễn Hữu Bàng được cấp tốc “ngồi” vào chiếc ghế nóng của người tiền nhiệm Dương Nghiệp Khôi.
Điểm nóng của mùa giải 2008 chung quy lại vẫn là vấn đề an ninh, an toàn trên các sân. Mùa bóng 2008 có thể coi là “điểm đen” trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên xảy ra thiệt hại về nhân mạng mà khởi nguồn có liên quan tới bạo lực sân cỏ. Sự cố ẩu đả dẫn tới chết người sau trận Sông Lam Nghệ An được Ban Tổ chức giải diễn giải là “có hiện tượng ẩu đả giữa CĐV Hải Phòng và Sông Lam Nghệ An, sau trận đấu xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến một người bị thiệt mạng”. Rõ ràng, vụ việc xảy ra bên ngoài sân Vinh ngày 25.5.2008 không thể nhìn nhận đơn thuần chỉ là một vụ tai nạn giao thông. Sự cố này bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của Ban Tổ chức sân và xa hơn nữa là Ban Tổ chức giải do đã không có những biện pháp ứng phó thích hợp khi xảy ra bạo loạn và cuối cùng để mọi việc diễn biến ngoài tầm kiểm soát.
Hơn một tháng trước đó, chính xác là vào ngày 15.4, tại sân Vinh cũng xảy ra tình trạng bạo loạn sau trận Sông Lam Nghệ An - Thể Công. Như vậy, cả Ban Tổ chức giải lẫn Ban Tổ chức sân đều đã nhận được lời cảnh báo, nhưng họ đã không chịu rút ra bài học cần thiết, để rồi khi xảy ra sự việc thì chỉ nhận trách nhiệm chung chung. Nghịch lý thay, trong báo cáo tổng kết mùa bóng, Ban Tổ chức giải khẳng định rằng: “Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia 2008 không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tượng mất trật tự, an toàn trên các sân không những chưa được ngăn chặn mà còn có xu hướng bùng phát hơn các giải trước”. Tuy nhiên, phần lỗi thì chủ yếu thuộc về Ban Tổ chức trận đấu, như chủ quan, chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các hành vi gây rối, phương án phòng ngừa chưa được quan tâm thích đáng... Lỗi của cầu thủ, HLV là thiếu kiềm chế. Còn phần lỗi của Ban Tổ chức giải thì để đâu?
Song song với công tác tổ chức, một thực trạng buồn ở mùa giải năm nay là đạo đức cầu thủ xuống cấp. Một con số thống kê đáng lo ngại: “Số lượng thẻ vàng của V-League 2008 tăng 170 chiếc so với mùa 2007 và 182 chiếc so với mùa 2006. So sánh số lượng thẻ đỏ mùa 2008 là 38 chiếc, nhiều hơn mùa 2007 12 chiếc. Giải hạng Nhất 2008 cũng vượt giải 2006 đến 146 chiếc thẻ vàng. Tính trung bình mỗi trận đấu ở V.League có số thẻ vàng là 4,15 thẻ/trận và thẻ đỏ là 0,2 thẻ/trận, con số này ở giải hạng Nhất là 4,53 thẻ vàng/trận và 0,3 thẻ đỏ/trận. Xu hướng thi đấu bạo lực, thiếu tôn trọng đối thủ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cầu thủ đáng báo động”, thái độ “hành xử có văn hóa và biết kiềm chế” ngày càng hiếm ở bóng đá Việt Nam.
Bàn vế vấn đề này, “còi vàng” Dương Văn Hiền cho rằng giới trọng tài bóng đá đang bị đối xử không công bằng. Một trong những điều ông Hiền cảm thấy buồn là cách cư xử rất thiếu tôn trọng và rất thiếu văn hóa của một số cầu thủ đối với trọng tài. “Đó không chỉ là lỗi của riêng cầu thủ mà là lỗi của cả các đội bóng khi họ không giáo dục cầu thủ của mình trở thành một người có văn hóa trước khi trở thành một cầu thủ chơi bóng giỏi”- ông Hiền nhận xét.
Vấn đề cuối cùng đáng bàn chính là việc các vị giám sát trọng tài, giám sát trận đấu can thiệp vào công tác chuyên môn. Vụ bẻ còi trên sân Chi Lăng trong trận đấu giữa Đà Nẵng và Đồng Tâm Long An vào ngày 11.5 quả là hy hữu, khi mà trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả truyền hình, một pha bóng xử lý hoàn toàn đúng luật của trọng tài Nguyễn Xuân Hòa đã bị thành viên Ban Tổ chức giải và hai giám sát bẻ ngoặt thành sai, để rồi sau đó đội chủ nhà chuyển thua thành thắng.
Xét một cách toàn diện, bóng đá Việt Nam mùa giải 2008 qua đi không êm ả. Liệu những sự cố ở mùa giải này có giúp cho các cấp lãnh đạo, những người trong cuộc và người hâm mộ nhận thức đúng đắn hơn về bóng đá chuyên nghiệp?
|