Cái trầm buồn của tiếng đàn cò, nghe não nề vậy mà lại có sức hút lòng người đến lạ. Chẳng thế mà đàn cò lại đóng một vị trí rất quan trọng trong dàn nhạc của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, từ tuồng, bài chòi, cải lương và cả chèo. Trong những người mê đàn cò ở Bình Định, có hai nhạc công ở Tây Sơn hiện vẫn giữ được đúng chất đàn cò trong mỗi khúc nhạc tấu lên. Người ta gọi họ là những “nghệ sĩ đồng bào”, vì họ hoạt động tự do theo kiểu đâu cần thì họ có.
|
Anh Sơn đang biểu diễn tại Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng Công nhân - Viên chức - Lao động tỉnh. Ảnh: Tạ Lân
|
* Ba đời kéo đàn cò
Những ai từng xem phần biểu diễn của đơn vị huyện Tây Sơn trong Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng Công nhân - Viên chức - Lao động tỉnh Bình Định lần thứ 7 vừa qua tại Quy Nhơn, hẳn chưa thể quên tiết mục độc tấu đàn cò đặc sắc của diễn viên Đỗ Hồng Sơn. Tiết mục này đã được Ban Tổ chức trao giải A. Tìm đến nhà anh Sơn ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, mới biết, gia đình anh đã ba đời kéo đàn cò. Nhờ vậy, ngay từ thuở nằm nôi, anh Sơn đã sớm được nghe để cảm, để thấm từng thanh âm réo rắt của đàn cò. Lên 8 tuổi anh Sơn bắt đầu theo cha học đàn. 12 tuổi, cha mất, anh lại theo học người anh trai. Sau đó, anh xin vào Đoàn Dân ca kịch Bài chòi Nghĩa Bình làm việc trong suốt 10 năm (1976-1986). Khoảng thời gian ấy, anh Sơn đã không ngừng tìm tòi, học hỏi qua sách vở, băng đĩa. Đặc biệt, anh được NSƯT Ngô Hữu Lai chỉ bảo tận tình. Nhờ vậy, tiếng đàn của anh ngày càng mượt mà, sâu lắng. Anh Sơn nhớ lại: “Hồi đó, tôi đam mê và học đàn nhiệt tình lắm. Tập tành suốt ngày mà vẫn thấy chưa đủ. Tối nằm ngủ cứ mong trời mau sáng để tập tiếp”.
Từ năm 1986 đến nay, anh Sơn về quê và trở thành nhạc công tự do. Anh cho biết học đàn cò khó nhất là ở bộ ngón, vì nếu sử dụng các ngón không thuần thục, tiếng đàn sẽ bị khô và thô. Vì đàn cò là không có tông, không có nốt, chỉ độc mỗi hai dây đàn, nên bộ ngón đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định tiết tấu của bản nhạc. Khi đệm cho ca sĩ hát, anh Sơn thường sử dụng một số phá cách để tạo sự mới lạ cho tiết mục, như đánh chõi nhịp, chẻ nhịp hay thêm thắt giai điệu. “Khi biểu diễn độc tấu, tôi thường kéo đàn bằng chính tâm trạng của mình, nên dễ bị hút theo tiếng đàn. Một vài lần, tôi chìm đắm vào giai điệu đến mức không còn cảm giác là mình đang ngồi kéo đàn, các ngón tay di chuyển trên đàn một cách vô thức, cho đến khi chúng tự động dừng lại”- anh Sơn nói.
Anh Sơn cho biết là gần cả năm nay, anh không biểu diễn độc tấu lần nào. Trước khi tham gia Hội diễn, anh chỉ ôn lại bản nhạc dự thi trong một buổi, rồi mượn chiếc đàn cũ của người bạn đi thi. Anh Sơn tiết lộ: “Trước khi ra sân khấu, tôi cũng có chút hồi hộp, vì đã bỏ lâu, sợ cứng tay. Thế nhưng, khi ra biểu diễn thì mọi thứ đều ổn. Nếu có thêm thời gian tập luyện, chắc chắn bản nhạc đó sẽ du dương, dìu dặt hơn nhiều”.
|
Những lúc rảnh rỗi, ông Việt dạo mấy khúc đàn, tìm sự thảnh thơi cho tâm hồn. Ảnh: N.T
|
* Đau đáu với tiếng đàn
Lý do đến với đàn cò của ông Trần Hữu Việt (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) thật đặc biệt. Ông kể: “Lúc đầu, tui học guitar, nhưng ngay trước nhà tôi có một cụ già mù, suốt ngày kéo đàn cò. Nghe riết tôi thấy mùi tai, nên lân la qua chơi và lấy đàn kéo thử. Mấy ngày đầu, tui thấy nản, vả lại, cha tôi không muốn tui học nhạc. Thế nhưng, động lực làm tôi quyết tâm học cho bằng được rồi đâm mê đàn cò luôn là lời chê bai của ông hàng xóm. Ông này cho rằng tôi không thể học đàn cò được. Ông ta dẫn chứng cả xóm đã có hơn hai mươi người học đàn cò, nhưng chỉ mỗi ông già mù ấy là học thành công. Vì vậy, khi tôi làm được điều này, ông ấy tỏ ra rất nể”.
Vì kế sinh nhai, ông Việt đã bôn ba khắp nơi, chơi đàn cho các đoàn tuồng, dân ca và cải lương, quanh năm lưu diễn khắp nước. Vào nhà ông ở thôn Phú Thọ, chúng tôi nhìn thấy nhiều loại nhạc cụ dân tộc treo trên các vách nhà. Nào đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn sến. Ông Việt cho biết, nhạc cụ nào ông cũng học qua và biết cách sử dụng. Vì vậy, hễ làng xã có lễ hội gì là họ đến mời ông tham gia dàn nhạc.
Khi chúng tôi đề cập đến việc truyền dạy đàn cò cho thế hệ trẻ, ông Việt tỏ ra trầm ngâm: “Tôi luôn trăn trở khi thấy lớp trẻ ngày càng quay lưng với các loại nhạc cụ dân tộc. Nguyên nhân của việc này là vì nhạc cụ dân tộc khó học và đòi hỏi kiên trì cao. Nếu nhạc cụ hiện đại gõ nốt nào ra nốt đó, thì nhạc cụ dân tộc chỉ toàn những tiếng trầm trầm ồ ồ, phải tập cả tháng mới tạm nghe được. Rồi phải qua một quá trình tôi luyện thật dài, tiếng đàn mới du dương, trầm bổng. Khi đã hiểu, đã cảm được cái hay của các loại nhạc cụ dân tộc, sẽ thấy mê lắm. Chẳng hạn, chiếc đàn cò, khi sử dụng để đệm, sẽ rước hơi người hát rất hiệu quả, nhất là những câu hò kéo dài, nghe thật mượt mà, sâu lắng; nhạc cụ hiện đại không thể làm được điều này. Với tôi, dù đã bôn ba khắp nơi, nhưng chất tuồng, chất dân ca khu V đã thấm vào tôi từ khi tôi chưa biết đàn. Chẳng thế mà mỗi khi cầm đàn cò tấu lên một bài của tuồng hay điệu lý ngựa ô, tôi luôn thấy lòng mình thật thảnh thơi, thoải mái” - ông Việt nói.
|