Việc dạy thêm, học thêm (DT, HT) là một đề tài lâu nay được báo chí đề cập rất nhiều; tiêu tốn khá nhiều thời gian trong các cuộc họp từ Quốc hội, đến HĐND các cấp…; được rất nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo, các tầng lớp nhân dân viết và nói trên các diễn đàn với những góc nhìn khác nhau. Là một nhà giáo đã 25 năm hoạt động trong ngành giáo dục ở khu vực nông thôn, tôi xin được bàn về vấn đề DT, HT mang màu sắc nông thôn.
|
Hầu hết học sinh trường chuyên đều chọn tự học là phương pháp tối ưu để chiếm lĩnh tri thức. Ảnh: N.Q
|
* Đi tìm nguyên nhân
Theo tôi, để có cơ sở xác đáng khẳng định đúng, sai trong việc DT, HT đồng thời có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để chấn chỉnh việc DT, HT thì cần phải tìm hiểu ngọn nguồn nguyên nhân nào dẫn đến việc DT và nguyên nhân nào dẫn đến việc HT?
Về nguyên nhân dẫn đến việc DT, theo tôi, có 2 nguyên nhân chính. Trước tiên, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận học sinh (HS) được học thêm để nâng cao kiến thức và để đáp ứng nhu cầu đó, giáo viên (GV) đã đem hết khả năng, nhiệt tình và tâm huyết để giảng dạy cho HS. Đó là việc làm hết sức chân chính, vừa mang tính nhân đạo, vừa mang tính trách nhiệm, suy cho cùng đó là một quá trình nâng cao dân trí tự phát mà Nhà nước không phải đầu tư. Trong trường hợp này, GV không lấy việc thu tiền làm trọng, quan hệ thầy trò rất đúng mực và người thầy thường được HS, phụ huynh học sinh (PHHS) và những người xung quanh tôn vinh và kính trọng. Nếu tất thảy đều như vậy thì không có gì để bàn.
Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống GV, một bộ phận GV có hoàn cảnh khó khăn, đồng lương thấp, buộc phải tìm cách DT để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, một bộ phận GV khác có cuộc sống khá giả nhưng lại muốn giàu thêm nên cũng bằng cách này, cách khác DT để nâng cao thu nhập. Tiêu cực trong dạy thêm rơi vào hai đối tượng này. Vì không xuất phát từ cái tâm nên không được nhiều HS, PHHS hưởng ứng; một số khác do năng lực yếu, không có uy tín với HS, không được HS tìm đến, nên từ chỗ động viên khuyến khích HS đi học nếu không được thỏa mãn thì tìm mọi cách để ép buộc, và trên thực tế thủ thuật ép HS HT đã diễn ra muôn hình, muôn vẻ. Cái đích cuối cùng là khống chế bằng điểm số, tạo ra những tình huống khó khăn cho HS, buộc các em muốn điểm cao, muốn lên lớp thì phải đi HT. Bộ phận DT này lấy đồng tiền, lấy thu nhập làm mục đích cuộc sống, thường bị HS, PHHS và xã hội lên án, coi thường, nhưng một khi đã lấy đồng tiền để làm mục đích sống thì dư luận cũng chỉ bằng thừa.
Về nguyên nhân HT, thứ nhất, do một bộ phận HS có nhu cầu thực sự mà lý do chính là mất căn bản từ lớp dưới lại không có khả năng tự học nên phải “tầm sư học đạo”. Đây là nhu cầu chính đáng, là điều quý hiếm đối với HS nông thôn ngày nay. Có điều là phải học như thế nào? Bao nhiêu môn? Phân bổ giờ giấc học chính khóa, học thêm, thời gian thư giãn như thế nào cho hợp lý thì nhiều HS không tự chủ được nên xảy ra việc học nhồi nhét, học quá tải có khi dẫn đến “lợi bất cập hại”.
Thứ hai, một bộ phận HS đi học thêm có tính chất phong trào, thấy người ta đi học mình cũng đi học. Nhưng vì không có ý thức học tập nên việc học thêm hết sức hời hợt, kết quả chỉ mất thời gian và mất tiền học mà kiến thức không nâng lên được bao nhiêu.
Thứ ba, một bộ phận HS vì ham chơi, ngoài giờ học chính khóa ở trường thì “trên từng cây số”, cha mẹ bận việc công tác, hay lo làm ăn không thể quản lý nổi nên gửi cho thầy-cô giáo DT nhằm hạn chế việc chơi bời lêu lổng. Số này như “trứng quẩy đầu gậy”, không thể có hy vọng gì lớn.
Thứ tư, một bộ phận con nhà khá giả vì muốn được vào trường điểm, vào trường công lập, vào đại học nên tìm thầy, tìm cô gửi theo hình thức khoán trắng. Số HS này thường ngoài việc học hành thì không biết thêm một cái gì khác.
Cuối cùng là một bộ phận HS khác đi học là do sự thúc ép của GV, số này rất đa dạng, vừa có HS yếu kém, vừa có HS trung bình, vừa có HS khá giỏi. Số yếu kém thì mục đích là để được lên lớp, số trung bình và khá giỏi thì muốn được ưu ái để kết quả có thể cao hơn khả năng của mình. Nguyên nhân chính tạo nên việc DT, HT tràn lan là do các đối tượng này.
* Một số giải pháp khắc phục
Nếu chúng ta có một đoàn thanh tra đủ lực và đủ thời gian tìm hiểu chính xác và khách quan ở một trường THCS (là bậc học ở giữa) đóng trên địa bàn nông thôn nào đó để xem thử chất lượng thực chất của HS và chất lượng thể hiện trên hồ sơ sổ sách của nhà trường sẽ chênh lệch như thế nào! Tôi có cảm nhận sự chênh lệch đó không dưới 30%. Rõ ràng do hiệu ứng của bệnh chạy đua về thành tích mà vô tình chúng ta cho hàng thế hệ HS lên lớp không có chất lượng dẫn đến việc HS ngồi “nhầm lớp” xảy ra phổ biến. Bên cạnh đó, đại đa số PHHS nông thôn hiện nay khi “thả” con vào nhà trường thì chỉ mong sao được lên lớp mà hoàn toàn không quan tâm đến chất lượng học tập của con em mình. Thậm chí, nhiều cơ quan quản lý giáo dục còn giao hẳn chỉ tiêu lên lớp cho nhà trường; nhà trường giao hẳn chỉ tiêu cho GV, và như vậy, với “quyền sinh quyền sát” quý thầy-cô cứ theo chỉ tiêu mà “phóng” điểm vô tội vạ, một việc làm có thể nói “dễ ợt”, có khi lại là “thành tích”, chỉ có điều người có tâm huyết cảm thấy như mình có lỗi, lương tâm bị cắn rứt.
Nếu suy ngẫm sâu xa thì đó là nguyên nhân chính làm cho HS càng học lên cao càng hổng kiến thức, càng sợ lưu ban và như vậy, cơ hội cho DT, HT tràn lan ra đời như một thứ bệnh mãn tính không có thuốc đặc trị.
Thực trạng hiện nay đang tồn tại song song 2 loại hình DT, HT, một loại có tính tích cực và một loại có tính tiêu cực. Nếu là tích cực thì không những chúng ta không phê phán mà ngược lại nên động viên khuyến khích. Còn loại tiêu cực? Để khắc phục một cách nhanh chóng mà khoán trắng cho ngành Giáo dục (GD) thì e rằng không “triệt” nổi mà cần phải phát động toàn xã hội cùng chống. Lâu nay chúng ta phê phán gay gắt việc DT, HT tràn lan nhưng cũng chỉ là phê phán chung chung mà ít ai chỉ rõ ai dạy? dạy ở chỗ nào? tiêu cực ra sao? để làm cơ sở cho cơ quan chủ quản có biện pháp xử lý. Thiết nghĩ, mỗi nhà trường cần có thùng thư góp ý cho việc DT, hướng dẫn công khai cho HS tố giác GV nào thúc ép mình đi học? GV nào trù dập HS không đi HT? GV nào cố tình giảng dạy hời hợt ở lớp để buộc HS đi HT ở nơi mình DT… Cơ quan quản lý GD phải xử lý triệt để và hết sức nghiêm minh mỗi khi có đơn thư tố giác. Mặt khác, cũng phải làm cho PHHS nhận thức được cái lợi, cái hại của việc HT và cùng tham gia vào việc chống tiêu cực trong DT, HT.
Giải pháp trên cũng chỉ là tình thế, về lâu, về dài thì theo tôi là phải khắc phục từ chất lượng yếu kém của HS. Cần phải đầu tư chất lượng ngay từ khi HS đang học mẫu giáo. Việc HS được lên lớp từ lớp 1 trở lên phải có thực chất. Giá như từ lớp 1 lên lớp 2 đúng thực chất, từ lớp 2 lên lớp 3 đúng thực chất… thì làm gì có tình trạng HS hổng kiến thức? làm gì có HS ngồi nhầm lớp? HS yếu kém cũng sẽ giảm đi, khi đó phong trào học tập sẽ lành mạnh và sôi nổi hơn, khả năng tự học của HS được nâng lên. Một bộ phận HS do lười biếng lại ham chơi đương nhiên phải rớt lại, số HS này chỉ có thể giải quyết bằng con đường bổ túc văn hóa hoặc phổ cập. Mặt khác, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng chất lượng mà phán quyết chỉ tiêu. Nơi nào còn đưa ra chỉ tiêu bằng ý thức chủ quan của mình thì tệ hại quan liêu sẽ dẫn đường cho bệnh thành tích bào mòn chất lượng HS. Mỗi khi chất lượng HS được bảo đảm, HS không phải đối phó với vấn đề lên lớp hay ở lại thì mọi mối quan hệ trong nhà trường cũng sẽ lành mạnh theo. Và như vậy, việc khắc phục tình trạng DT, HT tràn lan cũng sẽ dễ dàng hơn, thậm chí tự nó triệt tiêu.
|