Tháng Chạp, mùa “dẫy mả”
11:28', 3/1/ 2009 (GMT+7)

* Tản mạn của Bảo Huy

Tháng Chạp, quê tôi vào mùa “dẫy mả”. Đó là một cái lễ không thể thiếu của người Việt nói chung. Nhiều nơi người ta gọi là tảo mộ nhưng tôi vẫn quen gọi là “dẫy mả”, bởi một phần do gọi riết thành quen, một phần do hai từ “dẫy mả” nó chân chất, mộc mạc như chính người dân quê tôi vậy.

Cỡ từ 15 tháng Chạp trở đi, dòng họ nào cũng tổ chức “dẫy mả”. Sáng sớm, đàn ông con trai thì vác cuốc vác rựa ra gò để “tân trang” lại mồ mả tiền nhân và những người đã khuất, đàn bà con gái thì đi chợ mua đồ về cúng kiếng.

Năm ngoái, lễ “dẫy mả” của gia đình tôi tổ chức rộn ràng hơn mọi năm bởi sau gần 20 năm nằm lẻ loi ở nghĩa trang chung của xã, anh em tôi mới đưa cha tôi về họp mặt cùng ông bà tổ tiên tại một khoảnh đất nhỏ tạm coi như nghĩa trang của dòng họ.

Khi các thế hệ con cháu đã về gần như đông đủ, anh Hai tôi mới “trích yếu lý lịch” của từng ngôi mộ để con cháu biết. Đây là mộ ông tổ. Kia là mộ ông, bà nội… Còn chỗ này là mộ chú Năm. Năm đó, chú Năm đi thăm đồng sớm gặp bọn lính đi càn, liền nhảy xuống mương để tránh. Trong đêm tối lờ nhờ, bọn lính thấy cán cuốc từ dưới mương nhô lên, tưởng là nòng súng liền xổ một tràng đạn về phía chú. Bên này là mộ chú Tư. Chú Tư cũng đi thăm ruộng sớm bị bọn lính bắn chết, rồi lận vào người chú 2 trái lựu đạn để vu là Việt cộng. Chú Tư chết, để lại một bầy em thơ dại.

Bên kia là mộ của ông Bảy. Ông Bảy với cha tôi cùng đi tập kết. Ra Bắc mỗi người ở một nơi. Thỉnh thoảng có họp hội đồng hương Bình Định mới gặp nhau. Sau năm 1975 trở về, hai ông mới biết mình là sui gia (vì ở quê, anh Hai tôi cưới con gái đầu của ông Bảy, thành chị dâu của tôi). Tình bạn già càng thêm bền chặt. Ngày cha tôi mất, nghe tin, ông đến viếng rồi nằm khóc đúng 3 ngày trước bàn thờ. Bây giờ, ông cũng đã về với đất, nằm cạnh cha tôi, chắc là hai ông có nhiều chuyện để nói với nhau.

Rồi anh Hai tôi day dứt: “Còn mộ của thằng Bốn hy sanh năm sáu mấy giờ vẫn chưa tìm thấy.”

Kề đó là Gò Dài, là ngôi mộ tập thể của hàng trăm người dân vô tội bị lính Đại Hàn thảm sát, trong đó có nhiều bà con họ hàng tôi. Trong 2 năm 1966 và 1967, quân Đại Hàn đã giết hại tổng cộng trên 1.000 người dân lành, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.

“Dẫy mả” năm nào tôi cũng đưa 2 đứa con của tôi về để chúng tham gia vào việc “tân trang” mồ mả ông bà, biết đến cội nguồn.

Mỗi năm một lần “dẫy mả”, để được gặp lại tiền nhân, chiêm nghiệm những phế hưng của lịch sử, của đời người, để biết phải sống như thế nào cho những người đã khuất không buồn tủi.

Vì thế, mỗi lần “dẫy mả”, với tôi, là một lần hành hương.

Chỉ còn vài ngày nữa, một mùa “dẫy mả” nữa lại về.

  • B.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bàn về vấn đề dạy thêm, học thêm  (03/01/2009)
Tiếng đàn cò của những “nghệ sĩ đồng bào”  (03/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Càng “chơi” càng lộ rõ hạn chế  (03/01/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/01/2009)
Cô giáo trẻ và Câu lạc bộ luyện chữ Hồn Việt  (06/12/2008)
Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ, một người thầy  (06/12/2008)
Nỗ lực tới đích  (06/12/2008)
Phải quản lý tốt học sinh ở cả 3 môi trường “gia đình- xã hội- nhà trường”  (06/12/2008)
Tre  (06/12/2008)
Góp phần khôi phục, phát triển bền vững làng nghề  (06/12/2008)
Nhiều đổi mới tại Trung tâm giao dịch vàng ACB  (06/12/2008)
Giọt máu tình nguyện  (06/12/2008)
Xóm Cá giữa đồng lúa  (06/12/2008)
Thơ  (06/12/2008)