1.000 đồng và những tấm lòng
15:55', 3/1/ 2009 (GMT+7)

Những ngôi nhà mái tôn cao ráo, sạch sẽ lần lượt ra đời thay cho những mái nhà tranh, gỗ tạm bợ, dột nát. Hàng trăm phần quà kịp trao đến tay những phụ nữ neo đơn, nghèo khổ, bệnh tật vào các ngày lễ, tết để động viên họ kiên cường hơn trong cuộc sống. Bốn năm qua, có một mô hình gây quỹ tiết kiệm của 44.592 hội viên phụ nữ thành phố Quy Nhơn ra đời đã chung tay vì những phụ nữ nghèo.

 

Những người già neo đơn là đối tượng quan tâm, chăm sóc hàng đầu của Hội. Trong ảnh là cụ Hồ Thị Quyền (bìa phải) ở tổ 3, KV1, phường Bùi Thị Xuân.

 

* 1.000 đồng

Năm 2004, cuộc vận động tiết kiệm xây dựng “Quỹ tình thương” do Hội LHPN Việt Nam phát động đã được hội viên phụ nữ thành phố Quy Nhơn nhiệt tình hưởng ứng. Với tấm lòng nhân ái sẻ chia đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn theo tinh thần “của ít lòng nhiều”, mỗi hội viên đóng góp ít nhất 1.000 đồng/năm. Số tiền thu được, Hội dùng để xây nhà hay mua sắm các vật dụng thiết yếu cho đối tượng là phụ nữ nghèo, bệnh tật, phụ nữ đơn thân làm chủ hộ. 1.000 đồng là số tiền nhỏ, có thể trích từ việc mua mớ rau, con cá, trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày nhưng khi tất cả hội viên đều chung tay thì mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho những người phụ nữ kém may mắn hơn. Ngay trong năm đầu tiên vận động thực hiện, Hội đã thu được tổng số tiền là 25.538.000 đồng. Ba năm tiếp theo, con số ấy đã lớn lên. Từ năm 2004 đến nay, với số tiền thu được, Hội đã xây dựng 18 ngôi nhà bê tông kiên cố, giải thoát tình cảnh nhà dột nát, tạm bợ, góp phần “an cư lạc nghiệp” cho chị em nghèo và hàng trăm phần quà giúp đời sống sinh hoạt của chị em tươm tất hơn. Đó là các chị Nguyễn Thị Đào KV1, phường Bùi Thị Xuân; Hồ Thị Quý KV9, phường Nhơn Bình; Lê Thị Lê KV6, phường Đống Đa; Nguyễn Thị Mẫn xã Nhơn Hải; Nguyễn Thị Gái xã Nhơn Châu... Và còn nhiều cái tên, mảnh đời khó khăn đã được Hội tìm đến giúp đỡ.

Theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ TP Quy Nhơn, thành phố hiện có 1.384 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Số chị em này không thuộc diện chính sách xã hội nên Hội càng phải quan tâm, giúp đỡ họ nhiều hơn.

* Và những ngôi nhà mơ ước

Một chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông bà cụ Huỳnh Long và Đoàn Thị Viên ở KV4, phường Thị Nại. Căn nhà mái tôn xây tháng 8 âm lịch vừa rồi vẫn còn mùi sơn, nền gạch bông sạch sẽ, tất cả như một giấc mơ đối với ông bà cụ đã bước sang tuổi 80. Trò chuyện với chúng tôi, bà cụ không giấu nổi niềm xúc động. Suốt đời tần tảo với gánh đậu hũ bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm để nuôi bầy con bà tự động viên mình “không ai khó ba đời”. Nhưng khá sao được khi con trai, con dâu, con gái, con rể cũng chỉ là những người lao động tay chân quần quật suốt ngày. Cái ý định xây cho cha mẹ căn nhà tươm tất vẫn nằm ngoài tầm tay với của các con bà. Ông bà cũng đinh ninh rằng sẽ phải chịu đựng căn nhà dột nát này đến khi nhắm mắt xuôi tay, còn hy vọng gì xây nhà khi miếng ăn hàng ngày còn chật vật? Thế rồi một ngày đại diện Hội Phụ nữ phường, Hội Phụ nữ TP và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn đến khảo sát và quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng xây ngôi nhà mới cho hai cụ để sống vui những ngày còn lại. Đó quả là một món quà cuối đời quá lớn mà hai cụ không bao giờ dám mơ tới...

Chị Phạm Thị Thu KV2, phường Đống Đa- một nữ giáo dân nghèo gánh trên vai trách nhiệm gia đình quá lớn. Chồng chị bị hen suyễn nặng lại bị chứng sưng phù, nói đôi câu phải ngồi thở dốc. Một cậu con trai lẩn thẩn, lâu lâu lại gây gổ, đánh nhau hoặc bỏ nhà đi vài tháng. Hàng ngày chị dậy từ 4 giờ sáng, đến các lò giết mổ heo giúp việc, đến giờ chợ họp lại ra chợ phụ bán thịt. Vợ chồng, cha con chen chúc trong căn nhà gỗ thấp bé, mưa lớn là lội bì bõm. Ước mơ dựng sửa lại nhà trở nên xa vời khi bệnh anh ngày càng nặng. Và rồi ước mơ ấy trở thành hiện thực hồi giữa năm 2006 nhờ những tấm lòng của chị em. Chị chia sẻ niềm vui với tôi “ông bà ta nói an cư lạc nghiệp quả không sai, có nhà kiên cố, em như trút gánh nặng trong lòng, yên tâm vào công việc phụ bán ở chợ”. Năm 2008, gia đình chị Thu xóa tên mình khỏi danh sách hộ nghèo trong phường.

Đánh giá về hiệu quả của phong trào, bà Hồng Nga chia sẻ: “Phong trào này ngay từ khi triển khai đã được chị em ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Hiệu quả thiết thực cũng như ý nghĩa xã hội sâu sắc của phong trào đã được các cấp chính quyền từ thành phố đến phường, xã xác nhận, khen ngợi. Thành công này là cơ sở và là động lực vô cùng lớn để chúng tôi tiếp tục giữ vững và phát huy phong trào ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn”.

Không chỉ tạo được hàng chục căn nhà tình thương ấm áp cho các gia đình nghèo, thành quả lớn lao hơn từ cuộc vận động tiết kiệm còn góp phần khơi dậy một điều rất thiêng liêng trong mỗi con người- đó là tình người.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vấn nạn côn đồ nhìn từ một vụ án  (03/01/2009)
Tết này nhà mình vui hơn  (03/01/2009)
Thơ  (03/01/2009)
Tháng Chạp, mùa “dẫy mả”  (03/01/2009)
Bàn về vấn đề dạy thêm, học thêm  (03/01/2009)
Tiếng đàn cò của những “nghệ sĩ đồng bào”  (03/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Càng “chơi” càng lộ rõ hạn chế  (03/01/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/01/2009)
Cô giáo trẻ và Câu lạc bộ luyện chữ Hồn Việt  (06/12/2008)
Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ, một người thầy  (06/12/2008)
Nỗ lực tới đích  (06/12/2008)
Phải quản lý tốt học sinh ở cả 3 môi trường “gia đình- xã hội- nhà trường”  (06/12/2008)
Tre  (06/12/2008)
Góp phần khôi phục, phát triển bền vững làng nghề  (06/12/2008)