Chỉ cách thành phố Quy Nhơn có hơn chục cây số mà gần 800 người dân ở Bãi Xép - khu vực 1 - phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đang phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề…
|
Một góc Bãi Xép. Ảnh: Văn Lưu
|
* Khát nước
Là một vùng dân cư của thành phố Quy Nhơn nhưng vì vị trí địa lý đã khiến Bãi Xép gần như tồn tại biệt lập. Đứng trên quốc lộ 1D nhìn xuống, Bãi Xép như lọt thỏm giữa núi và biển. Trên cái “thẻo” đất hẹp nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên này lại có đến 150 nóc nhà nằm chen chúc nhau theo “cấu trúc bậc thang”. Đất chật người đông nên con đường độc đạo dẫn từ quốc lộ vào Bãi Xép vốn đã rất hẹp cũng bị người dân ở đây “lấn” một góc để họp chợ. Quỹ đất “nghèo” là thế nên người dân cũng “đói” luôn cả đất đào giếng. Cụ Trần Nói (85 tuổi) cho biết: “Trước đây, khu vực Bãi Xép dân cư rất thưa thớt vì điều kiện sống ở đây vô cùng khó khăn. Sau ngày giải phóng, dân tản cư hồi hương về ngày càng đông, nhất là từ khi mở tuyến quốc lộ 1 D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu) thì vùng dân cư này phát triển nhanh chóng, cái “góc biển” hoang sơ buồn bã bỗng đông đúc dần. Dân vùng biển lại “mắn đẻ” nên nhà nào cũng đông con, có chút đất làm nhà đã may lắm rồi nên chẳng có mấy nhà còn đất trống để đào giếng”.
Thế nhưng, nếu có đất trống thì việc đào thành công một cái giếng nước cũng là điều “bất khả thi” với người dân Bãi Xép vì một bên là biển, một bên là núi bao bọc nên phía dưới là tầng đá ngầm dày đặc, không thể khoan giếng hoặc đào. Bởi vậy, Bãi Xép có gần 800 người dân mà chỉ có… 3 cái giếng nước. Ông Nguyễn Xuân Thành - Khu vực trưởng khu vực 1 - cho biết: “Mùa nắng, ngày nào cũng có hàng trăm người tranh nhau xách nước nên giếng nhanh cạn, dù uống nước cáu cũng phải nhắm mắt mà dùng. Mùa mưa thì nước biển tràn vào giếng không thể dùng được. Cũng may, mấy năm gần đây, vì quá bức xúc, ông Nguyễn Hữu Phước đã đầu tư đóng một cái giếng ở vùng lân cận, kéo ống dẫn nước về cung ứng thu tiền hàng tháng nên dân Bãi Xép có thêm nguồn nước sinh hoạt. Thế nhưng cũng chẳng “đủ thiếu” gì nên nguồn nước sạch luôn là ước mơ của người dân ở đây”.
* Khát chữ
Nói về chuyện học hành của người dân Bãi Xép, ông khu vực trưởng cho chúng tôi một hình dung đáng buồn: “2/3 các bậc phụ huynh ở Bãi Xép là những người chưa một lần “làm quen” với mặt chữ. Bởi thế chẳng mấy ai tha thiết cho con đi học, chỉ mong con chóng lớn phụ giúp cha mẹ ra biển kiếm con tôm, con ghẹ. Đứa trẻ nào được quan tâm lắm cũng chỉ ngồi ghế nhà trường đến lớp 4 dưới một mái trường ọp ẹp. Sang lớp 5, khi phải chuyển sang Trường tiểu học Quang Trung ở tít trung tâm thành phố thì các cháu đồng loạt được cha mẹ cho nghỉ học vì cách trở. Bởi vậy, từ ngày giải phóng đến nay mà toàn khu vực chỉ có 5 em đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Sau khi có tuyến quốc lộ 1 D (2001), học sinh cấp 2 không còn phải theo đò lênh đênh mỗi ngày để về thành phố đi học, tưởng chừng như việc học của con em Bãi Xép đã có hướng mở nhưng không phải vậy. Ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Cuộc sống của người dân Bãi Xép còn khó khăn nên không có mấy gia đình có xe máy đưa con đi học, vả lại, đàn ông ở đây ngày ngày bám biển kiếm sống nên cũng không rảnh rỗi để đưa con đi học. Từ khi có tuyến xe buýt, học sinh lại “hy vọng”, thế nhưng hy vọng ấy cũng “tắt ngấm” vì 7 giờ sáng mới có xe thì học sinh chẳng thể kịp giờ đi học, buổi chiều khi tan trường thì cũng hết xe buýt nên học sinh phải trèo đèo lội bộ về nhà. Gia đình nào có điều kiện, muốn cho con theo học cấp 2 phải thuê nhà ở trọ lại trung tâm thành phố, mà số này rất ít”. Ông Phạm Kỉnh tâm sự: “Tôi có 4 đứa con, 2 đứa lớn vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học sớm, 2 đứa nhỏ đang học lớp 9 và lớp 6 phải thuê nhà ở trọ để theo học trường Quang Trung tại thành phố. Mấy năm nay biển đói không kiếm được tiền mà mỗi tháng phải tốn thêm cho chúng mấy trăm ngàn tiền ở trọ, không biết còn lo cho tụi nó học được đến chừng nào”.
Bởi thực tế trên, chuyện trẻ em bỏ học là “chuyện thường ngày” ở Bãi Xép. Cháu Phạm Thị Thiên Kiều học giỏi, nhiều mơ ước về tương lai, thi đậu vào Trường THPT Trưng Vương nhưng vì khó khăn đành phải bỏ học. Kiều tâm sự: “Bây giờ mỗi khi đến mùa tựu trường cháu vẫn còn buồn. Cháu thèm học lắm, vì có học cháu mới theo đuổi được ước mơ làm nghề thiết kế thời trang. Bây giờ thì kể như mơ ước ấy đã tắt”.
|
Hơn 800 người dân ở Bãi Xép mà chỉ có 3 giếng nước như thế này. Ảnh: V.Đ.T
|
* Khát việc làm
Nếu như cách đây 3 năm, cuộc sống của người dân Bãi Xép bỗng trở nên khấm khá nhờ học được cách khai thác tôm hùm giống thì nay nghề này mang lại thu nhập chẳng còn là bao vì giá tôm hùm giống bị “rớt” thảm hại, từ 180.000-200.000đ/con nay chỉ còn 20.000đ/con. Ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Do bị dịch bệnh hoành hành nhiều năm liền nên lượng người nuôi tôm giảm hẳn. Trước đây đánh bắt được bao nhiêu cũng không đủ cung ứng cho thương lái từ tỉnh Phú Yên ra thu mua, nay thì chẳng biết bán cho ai. Đã bắt đầu vào mùa tôm hùm giống nhưng chẳng mấy ai mặn mà sửa sang ghe thuyền. Trong 2 năm gần đây, hầu hết những chiếc thuyền của ngư dân Bãi Xép luôn chịu cảnh nằm bờ, một số ít còn “nổ máy” theo nghề lưới ghẹ kiếm ngày dăm chục ngàn đồng sống đắp đổi qua ngày. Thuyền neo bờ, thanh niên thất nghiệp hàng loạt, ngày ngày giải khuây bằng cách túm tụm “cụng ly giải sầu”. Anh thanh niên tên Hải cho biết: “Vào những năm trước, qua một vụ đánh bắt tôm hùm giống (từ tháng 11 đến tháng 2 ÂL hằng năm, mỗi thanh niên đi bạn cũng kiếm được khoảng 15 triệu đồng. Mấy năm nay chẳng ai làm ra đồng nào, dân biển mà không bám được biển, đất sản xuất cũng không thì biết làm gì”.
Gần 300 phụ nữ ở Bãi Xép hầu hết đều thất nghiệp dài dài. Chị Nguyễn Thị Bích (1961), người duy nhất ở đây có nghề làm bánh hỏi, cám cảnh cho chị em trong khu vực: “Tôi may mắn có được cái nghề để kiếm ngày vài chục ngàn. Những năm về trước, khi 80 con thuyền ở đây còn thường xuyên ra biển thì chị em còn có công việc vá lưới thuê, nay thuyền nằm bờ thì nghề này cũng không còn, hầu hết chị em ở đây chỉ biết lo chuyện cơm nước. Mới đây, có người ra thành phố nhận hạt điều về thuê chị em bóc vỏ, ai nấy mừng rỡ tranh nhau đến nhận hạt điều về nhà làm. Thế nhưng cũng chỉ vài ngày là hết việc, chị em ở Bãi Xép luôn thèm có công việc làm”.
* Và “thiếu thốn”... giấy khai sinh
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó ban bảo vệ dân phố KV1 - bộc bạch: “Đến cả giấy tờ về nhân thân bà con ở đây cũng thiếu thốn ghê lắm. Nhiều cặp vợ chồng đã 5-6 mặt con nhưng không có giấy kết hôn, 1/3 dân số từ người lớn đến trẻ em chưa có giấy khai sinh”.
Nhiều người trung niên ở đây cho biết: Khi chưa có quốc lộ 1D, muốn về UBND phường chứng một giấy tờ gì đó người dân phải lênh đênh 3 giờ đồng hồ trên đò sang bến Hàm Tử rồi mất thêm mấy chục ngàn đón xe ôm lên UBND phường nên chẳng mấy ai nghĩ đến việc làm giấy tờ tùy thân, vậy nên chuyện không có giấy kết hôn và giấy khai sinh trở thành “chuyện thường tình” ở Bãi Xép. Thêm vào đó, ở vùng đất heo hút này, niềm vui duy nhất của tuổi trẻ là… ráp đôi thành vợ thành chồng sớm để có niềm vui gia đình. Do đó có nhiều cặp chưa đến tuổi kết hôn họ vẫn cứ… kết. Chưa đủ tuổi thì chính quyền địa phương không thể chứng giấy kết hôn, mà không có giấy kết hôn thì con cái sinh ra không thể làm giấy khai sinh, Như trường hợp chị Nguyễn Thị Tâm, có chồng năm mới 14 tuổi đến nay đã có 2 đứa con nhưng không có đứa nào làm được giấy khai sinh, giờ đứa con lớn đã sắp đến tuổi đi học mới lo bấn lên. Có những trường hợp nghe rất bi hài, chị Phạm Thị Hóa (44 tuổi) kể: “Vợ chồng tôi sinh “một lèo” 5 đứa con nhưng vì lo đi biển kiếm gạo nên không hề nghĩ đến việc làm giấy khai sinh cho chúng. Đến khi chúng đến tuổi có vợ có chồng mới thấy cần, nhờ người biết chữ làm giùm thì lại bị “sót” một đứa, cháu Trần Thị Thúy nay đã 20 tuổi mà vẫn không có giấy khai sinh, không có cả tên trong sổ hộ khẩu. Thúy có chồng nhưng vì không có giấy khai sinh nên cũng không làm được giấy kết hôn, vì vậy 2 đứa con của Thúy đến giờ vẫn không làm được giấy khai sinh, cháu Võ Thị Yên đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa được đến trường. Hoặc như trường hợp của gia đình chị Võ Thị Nguyên và anh Trần Văn Chánh. Vì không có giấy kết hôn nên khi làm khai sinh cho con đi học, 3 đứa con chị Nguyên phải lấy họ mẹ như là con ngoại hôn! Và chúng tôi không thể bật cười khi biết chuyện 2 anh em ông Trần Văn Tài và Trần Văn Long dù đã ở độ tuổi “tứ tuần” rồi nhưng khi được người anh ruột định cư ở Australia làm thủ tục bảo lãnh xuất cảnh thì mới “tá hỏa” chưa ai có giấy khai sinh, đến lúc ấy mới chạy đi làm.
Chỉ một ngày ở Bãi Xép nhưng chúng tôi đã thu thập được vô vàn chuyện thiếu thốn của người dân ở đây, lúc chia tay, ông khu vực trưởng nói theo: “Nếu có thời gian ở lại, anh sẽ còn được biết thêm nhiều cái thiếu nữa ở Bãi Xép”.
|