Những cánh én mùa xuân
14:51', 3/1/ 2009 (GMT+7)

Họ - những nhân viên bưu tá của ngành Bưu điện nhưng chúng tôi gọi là những “cánh én mùa xuân”. Bởi, ngày qua ngày, mặc nắng, mặc mưa, bước chân của họ vẫn rảo khắp nẻo đường, sao cho hành trình của những cánh thư, những tờ báo, những gói bưu phẩm… đến tay người nhận nhanh và chính xác. Công việc của họ được ví như những cánh én mùa xuân mang niềm vui đến cho mọi nhà.

 

Các bưu tá đang phân loại thư, báo tại Trung tâm khai thác vận chuyển (Bưu điện Bình Định).

 

* Một ngày của bưu tá

Chúng tôi có mặt tại Tổ Bưu tá của Trung tâm Khai thác vận chuyển (Bưu điện Bình Định) - đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển các tuyến đường thư cấp 3 trên địa bàn TP Quy Nhơn - lúc 5 giờ sáng một ngày cuối năm. Vừa bước chân vào đây, chúng tôi bị choáng ngợp bởi những thùng hàng bày la liệt và một núi thư cao ngất ngưởng. Tất cả các bưu tá đang miệt mài sắp xếp, phân loại ấn phẩm, báo chí, công văn, thư tín... theo từng địa chỉ, từng đường thư mà họ phụ trách. Đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi chi tiết, rõ ràng những điểm dừng trên tuyến, bưu tá Võ Ngọc Hùng giải thích: “Chúng tôi phải ghi chép cụ thể như thế để đi thứ tự, tránh bỏ sót, đồng thời lựa chọn được tuyến đường đi ngắn và nhanh nhất”.

Sau khi chia chọn thư từ, báo chí theo từng tuyến và cho vào giỏ, trước 7 giờ tất cả các bưu tá đều xuất phát theo 12 tuyến đường thư của TP Quy Nhơn. Nhìn những giỏ thư to đùng, tôi e ngại: Trong buổi sáng làm sao các anh có thể đưa phát hết? Anh Đoàn Ngọc Quang, bưu tá lâu năm của Trung tâm Khai thác vận chuyển, khẳng định: Phải phát hết trước 11 giờ chứ, để đầu giờ chiều còn đến nhận thư báo phát tiếp đợt 2". Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ Bưu tá của Trung tâm Khai thác vận chuyển, tâm sự: “Có ngày một bưu tá phải đi trên 300 điểm dừng và trở về nhà khi đường phố đã sáng đèn. Mệt, nhưng ai nấy đều vui vì biết rằng đó là những lá thư, những món quà từ nơi xa gửi về cho người thân, chất chứa bao tình cảm”.

Công việc của những bưu tá ở TP. Quy Nhơn vất vả là vậy, nhưng với những bưu tá vùng cao, công việc của họ lại càng khó khăn, vất vả hơn gấp bội. Để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi họ phải quyết tâm, tận tình, trung thực và chịu khó. Đã hơn 5 năm nay, anh Đinh Văn Núi (dân tộc Hrê), bưu tá huyện An Lão, phụ trách tuyến đường thư An Lão - An Toàn, ngày ngày đi về trên 42 km đường rừng thăm thẳm, dốc đèo uốn lượn gồ ghề, khe suối chẻ ngang… để đưa thư, báo đến các bản làng heo hút của xã vùng cao An Toàn. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng anh đã ra khỏi nhà và khi con gà lên chuồng mới trở về quây quần bên bếp lửa với vợ con. Ngày nắng, anh còn có chiếc xe máy độ chế làm bạn; còn ngày mưa, đường trơn như mỡ, cõng trên lưng túi thư báo nặng đầy, anh phải lần từng bước, từng bước một. Mỗi bước đi là một lần bấm sâu 10 ngón chân xuống đất, đá để có thể đứng vững. Khi lên đến đỉnh dốc, ngồi nghỉ mà chỉ thở bằng mũi cho khỏi bị rát họng và giữ được sức. Lúc xuống dốc, anh phải quay lưng lại mà lùi từng bước một để tránh bị ngã nhào.

 

Anh Đinh Văn Núi lội suối để đưa thư.

 

* Những nỗi niềm

Đi nhiều, tiếp xúc với nhiều gia đình, nên các bưu tá gần như biết rõ từng ngôi nhà, từng ngõ ngách nơi mà mình phụ trách. Nhà này có cậu con trai đang du học ở nước ngoài. Nhà kia có cô con gái lấy chồng tận miền Tây xa xôi… Không những thế, họ còn hiểu được cả ý thích của từng chủ nhà, từng người mà mình thường hay ghé đưa thư báo. Cụ hưu trí ở khu phố này rất kỹ tính, phải phát báo cho bác đọc trước 9 giờ. Nhà chú Năm ở số 52 đường… có con chó rất dữ… Ông Võ Ngọc Hùng tâm sự: “Mặc dù biết rành rọt đường đi lối lại như vậy, nhưng nhiều lúc cũng phải vất vả để tìm địa chỉ, nhất là những nơi mà số nhà cứ nhảy cóc nhảy nhái lung tung hoặc nhà không số phố không tên. Lắm lúc, chỉ có một lá thư mà tìm mãi đến tối mịt mới ra người nhận”.

Cuộc đời của một bưu tá “xuyên đại ngàn” như anh Đinh Văn Núi cũng không ít lần đối diện với cái chết. Bây giờ ngồi ngẫm lại anh vẫn còn cảm thấy rùng mình. Hôm ấy trời mưa như trút nước, đang trên đường đi đưa thư thì gặp cơn lũ về, anh phải cắt rừng đi tắt. Khi vượt qua con suối chảy xiết, anh bị nước cuốn trôi. May mà có người dân đi qua phát hiện, kịp thời cứu anh cùng với túi thư báo được gói cẩn thận trong bao nhựa còn nguyên vẹn. Lúc đó, bụng vừa đói, vừa lạnh run, gói cơm mà vợ chuẩn bị lúc lên đường đã ngấm nước. Đường đi còn dài, còn xa, còn lắm gập ghềnh, anh phải cố ăn để có sức đi tiếp.

Tuy vất vả, nhưng sự miệt mài và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của những bưu tá đã đem lại cho mỗi địa chỉ từ cơ quan đến từng người dân những nguồn thông tin quan trọng hay chỉ đơn giản là chất chứa niềm vui và chia sẻ nỗi buồn trong mỗi cánh thư. Ông Võ Ngọc Hùng tâm sự: “Lúc chưa đi làm, cứ nghĩ đưa thư là công việc đơn giản, nhưng khi vào nghề mới thấy áp lực quá nặng. Nhưng khi nhìn thấy niềm vui của người nhận được thư người thân, tôi thấy công việc của mình thật ý nghĩa”. Còn anh Đinh Văn Núi thì thổ lộ: “Mấy cô giáo trẻ công tác ở vùng cao trông ngóng thư từ dữ lắm. Niềm vui khi nhận được thư của họ đã tiếp cho mình sức mạnh để mình vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Khi được hỏi có thấy công việc của mình quá cực khổ và nguy hiểm không, anh Đinh Văn Núi cười hiền: “Lúc đầu thì ngán và oải kinh khủng, còn bây giờ nếu không được làm nữa thì buồn lắm”. Nghe anh nói, lòng tôi bỗng ấm áp lạ thường. Tôi thầm chúc cho anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục rong ruổi trên hành trình mang thư đến với mọi người.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bãi Xép: Gần mà xa  (03/01/2009)
Niềm vui ngày xuân  (03/01/2009)
1.000 đồng và những tấm lòng  (03/01/2009)
Vấn nạn côn đồ nhìn từ một vụ án  (03/01/2009)
Tết này nhà mình vui hơn  (03/01/2009)
Thơ  (03/01/2009)
Tháng Chạp, mùa “dẫy mả”  (03/01/2009)
Bàn về vấn đề dạy thêm, học thêm  (03/01/2009)
Tiếng đàn cò của những “nghệ sĩ đồng bào”  (03/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Càng “chơi” càng lộ rõ hạn chế  (03/01/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/01/2009)
Cô giáo trẻ và Câu lạc bộ luyện chữ Hồn Việt  (06/12/2008)
Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ, một người thầy  (06/12/2008)
Nỗ lực tới đích  (06/12/2008)