KỶ NIỆM 64 NĂM, NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22.12.1944 - 22.12.2008)
Có một bài hát của lính trẻ
15:13', 3/1/ 2009 (GMT+7)

Những năm sáu mươi đến tám mươi của thế kỷ trước, bài hát “Con cua đá” đã xuất hiện thường xuyên trong các đợt hội diễn toàn quân, liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) các cấp. Tiết mục tam ca vui nhộn và mang tính quần chúng này ít ai biết rằng số phận của nó cũng rất long đong.

 

Hội thi Những ca khúc cách mạng. Ảnh: T.M

 

Tháng 8.1965, sau khi bị quân dân Khu 4 sử dụng pháo phòng không tầm thấp và súng bộ binh giáng trả quyết liệt các đợt oanh kích của không lực Mỹ, bọn địch đã tăng cường kiểm soát các tuyến đường biển, đường sông, đường bộ của vùng đất này. Trong thời điểm ác liệt ấy, cấp trên điều động một đoàn văn nghệ sĩ ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Đoàn đi gồm có: nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhà văn Nguyễn Khải, họa sĩ Quang Thọ, nhà quay phim Phạm Hanh, nhà viết kịch Sĩ Hanh, cùng 5 chiến sĩ văn công: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn. Nhận lệnh ra đảo chỉ một tuần rồi trở lại đất liền, nhưng bị địch đánh phá liên tục nên một tháng trôi qua vẫn không thể vào được. Lúc đầu, anh em văn nghệ sĩ ăn chế độ 7 lạng gạo/ ngày; dăm ba hôm phải hạ xuống dần 5 lạng, rồi đến 3 lạng, 2 lạng/ ngày… Anh em phải bắt cua, mò ốc, hái rau quanh đảo để ăn thay cơm. Lại có tin địch sắp đổ bộ lên đảo. Đảo trưởng ra lệnh mỗi cán bộ, chiến sĩ  phải đào 5 mét giao thông hào để phòng thủ, bảo vệ đảo. Không có bộc phá, xà beng nên anh em phải vạt cây máu chó (một loại cây mọc rất nhiều trên đảo) để đào công sự.

Bom đạn, đói khát; gạo tính từng hạt, nước đong từng giọt; anh em văn nghệ sĩ cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ phải ngày đêm bám giữ chiến đấu với quân thù. Ngồi bên cửa hầm, Phan Ngạn viết bài kể chuyện đảo theo điệu lía dân ca Khu 5: “Cồn Cỏ có con cua đá, rau dền, rau má, lá bứa canh chua, lính chén thật no đánh Mỹ càng khỏe”. Nghe hát, ba chiến sĩ đang đào hào cạnh đó đề nghị Phan Ngạn chuyển thành tam ca vui. Nghĩ hợp lý, thế là Phan Ngạn chuyển luôn “Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá”. Vừa lúc Trung úy Ngọc Cừ- Chính trị viên phó đi ngang, Phan Ngạn mời cùng viết một bài hát để kỷ niệm những ngày sống trên đảo. Phan Ngạn xướng, Ngọc Cừ ghi hết đoạn một thì phải đi nhận bàn giao. Bài hát  tạm dừng lại. Đêm xuống, đoàn văn nghệ sĩ được lệnh vào đất liền, dưới sự hướng dẫn và đưa đón của thanh niên ba chi đoàn huyện Vĩnh Linh. Sáng hôm sau đến Vĩnh Mốc, Phan Ngạn tiếp tục nhờ nhạc sĩ Thái Quý ghi tiếp đoạn 2 và 3. Khấp khởi vì đã hoàn thành bài hát, Phan Ngạn mang lên thông qua lãnh đạo đoàn. Nhưng bài hát “Con cua đá” tác giả Ngọc Cừ- Phan Ngạn không được duyệt, vì “tiết tấu nhạc giật gân”.

Sau đó không lâu, nhân dịp đoàn đến phục vụ nhà thơ Tố Hữu vào Nghệ An công tác, theo yêu cầu, anh Chất - đoàn phó- đem bài hát này ra hát cho nhà thơ Tố Hữu nghe. Nghe xong, Tố Hữu bảo: “Sáng mai bảo anh Ngạn đem bài hát cho tôi”. Được tin, đêm ấy Phan Ngạn nhờ nhạc sĩ Thái Quý chép lại trọn vẹn bài hát rồi mang đến đưa cho nhà thơ Tố Hữu. Sau đó khi đang ở chiến trường Trà My- Quảng Nam, Phan Ngạn đã được nghe bài hát của mình phát trên đài Tiếng nói Việt Nam.

Tháng 9.2008, nhạc sĩ Lê Ánh Dương (là em con chú ruột với Ngọc Cừ) viết thư gửi cho Phan Ngạn và bảo nên đăng ký với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả để hưởng tiền nhuận bút. Lúc lâm bệnh nặng, Phan Ngạn có tâm sự: “Nếu không có Tố Hữu thì có lẽ “Con cua đá”ù đã bò vào hang từ lâu rồi. Điều đáng nói hơn cả là, nếu không có củ khoai non ở cồn Tiên, dốc Miếu bị pháo giặc vùi lấp được moi lên; nếu không có bát cơm rút từ những gié lúa trộn bùn do bom Mỹ cày xới; nếu không sống chân thành với đảo Cồn Cỏ thì làm sao tôi và anh Ngọc Cừ sáng tác được bài hát “Con cua đá””.

Thời gian đã lần lượt đưa Tố Hữu, Ngọc Cừ, Phan Ngạn đi về cõi vĩnh hằng nhưng bài hát “Con cua đá” vẫn sống mãi với những người chiến sĩ trẻ vui nhộn, sôi nổi cùng nhiệm vụ.

  • Nguyễn Dự
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ  (03/01/2009)
Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên  (03/01/2009)
Còn nhiều việc phải làm  (03/01/2009)
Những cánh én mùa xuân  (03/01/2009)
Bãi Xép: Gần mà xa  (03/01/2009)
Niềm vui ngày xuân  (03/01/2009)
1.000 đồng và những tấm lòng  (03/01/2009)
Vấn nạn côn đồ nhìn từ một vụ án  (03/01/2009)
Tết này nhà mình vui hơn  (03/01/2009)
Thơ  (03/01/2009)
Tháng Chạp, mùa “dẫy mả”  (03/01/2009)
Bàn về vấn đề dạy thêm, học thêm  (03/01/2009)
Tiếng đàn cò của những “nghệ sĩ đồng bào”  (03/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Càng “chơi” càng lộ rõ hạn chế  (03/01/2009)