Thời chiến tranh, có một người con quê hương Bình Định tham gia cách mạng và được tổ chức điều lên thị xã Buôn Ma Thuột (nay là thành phố, thuộc tỉnh Đắk Lắk) hoạt động với nhiệm vụ là chiến sĩ biệt động. Đó là ông Lê Bá Thọ - người đã thực hiện một số vụ đánh lớn ở nội thị Buôn Ma Thuột làm cho địch kinh hồn, còn đồng đội thì hết lòng nể phục và khẳng định ông “xứng đáng là anh hùng”.
|
Ông Lê Bá Thọ
|
* Ký ức chiến sĩ biệt động
Tôi may mắn được hầu chuyện ông Lê Bá Thọ tại nhà riêng (số 30 Cần Vương, TP Quy Nhơn) khi ông đã bước sang tuổi 59. Ông Thọ về hưu đã mấy năm nay, vì mất sức (thương binh hạng 3/4), hậu quả của những tháng năm tham gia hoạt động cách mạng, đối mặt với bao hiểm nguy ở chiến trường nội thị Buôn Ma Thuột những năm từ 1970 – 1975.
Quê ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, ông Thọ trưởng thành trong một gia đình truyền thống cách mạng, cha và anh ruột đều đi tập kết. Tháng 12.1969, tổ chức điều động ông lên hoạt động tại địa bàn thị xã Buôn Ma Thuột với nhiệm vụ đội viên đội tự vệ mật, hoạt động hợp pháp. Công việc chủ yếu của ông là nắm tình hình địch để báo ra bên ngoài và tham gia đánh địch ngay trong nội thị.
Với nhiệm vụ được giao, ông Thọ đã nhanh chóng trở thành cơ sở nội tuyến vững chắc, thường xuyên cung cấp những tin tức quan trọng để lãnh đạo nắm và chỉ đạo chiến đấu kịp thời. Chỉ trong một thời gian ngắn, người chiến sĩ biệt động này đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, gây tiếng vang lớn ngay trong nội thị. Ngày 17.7.1970, ông tham gia trận đánh vào điểm bầu cử thượng - hạ nghị viện ngụy quyền Sài Gòn tại trường Dục Anh và đã phá được cuộc bỏ phiếu, làm bị thương 7 tên hạ nghị sĩ cố vấn hội đồng tỉnh Đắk Lắk. Tuy vậy, trận đánh để lại dấu ấn và khẳng định chiến công của ông là vào đêm 23.8.1970. Lúc ấy, chủ trương của ta là khi có điều kiện thuận lợi sẽ đánh một trận thật lớn để gây tiếng vang cho phong trào cách mạng.
Đúng vào dịp tướng lĩnh sư đoàn 23 ngụy mời đoàn tâm lý chiến Sài Gòn về tổ chức ca nhạc, chiếu phim tại rạp Lô Đô, nhằm chiêu đãi nhóm sĩ quan Đà Lạt mới về bổ sung cho sư đoàn. Ông Thọ là người duy nhất được chọn thực hiện nhiệm vụ khó khăn này và ông đã cải trang thành một sĩ quan ngụy vào rạp đặt mìn hẹn giờ. 30 phút sau khi đặt, mìn phát nổ khiến 80 tên sĩ quan ngụy bị thiệt mạng, làm bị thương gần 100 tên khác. Không may là trong trận đánh này, bản thân ông Thọ cũng bị thương nặng, bị địch tình nghi bắt quản thúc, hỏi cung nhưng không moi được gì ở ông.
Ông Thọ bồi hồi nhớ lại trận đánh: “Đặt mìn với thời gian hẹn nổ là 30 phút, khi đã gần hết thời gian, để cho chắc, tôi quay lại kiểm tra khối thuốc nổ, vừa đến cửa rạp chiếu bóng, mìn phát nổ khiến tôi văng bật ra ngoài mê man bất tỉnh. Tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã được đưa vào Bệnh viện quân y cùng với số sĩ quan ngụy bị thương, do tôi mặc bộ quần áo sĩ quan ngụy trên người. Về sau, tôi được chuyển sang Bệnh viện dân sự và được bảo lãnh đưa về Quy Nhơn chữa trị với sự theo dõi gắt gao của ty cảnh sát ngụy. Do tôi không có căn cước rõ ràng nên bị địch tình nghi có dính líu đến vụ nổ, nhiều lần thẩm vấn hỏi cung, nhưng nhờ vỏ bọc tốt của đồng đội và cơ sở bảo vệ, bọn chúng không khai thác được gì. Suốt thời gian bị thương, nằm viện, cơ sở và cấp trên vẫn tìm đến với tôi, động viên tinh thần, vật chất giúp tôi giữ vững khí tiết của người Cộng sản”.
|
Các lực lượng vũ trang nhân dân tấn công quân Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai. Ảnh tư liệu
|
* Và cuộc sống hôm nay
Người chiến sĩ biệt động can trường năm ấy nay bình yên sống với gia đình sau những thăng trầm cuộc đời. Năm 1985, ông Thọ cưới vợ, bà Ngô Thị Thanh Thủy và đến năm 1995, đôi vợ chồng này mới sinh được đứa con duy nhất, đó là cháu Lê Thị Thùy Vân. Năm học 2008-2009, Thùy Vân sẽ vào lớp 8.
Sau cuộc chiến, ông Thọ xin trở về quê nhà với mong muốn vừa đóng góp công sức xây dựng quê hương, vừa có điều kiện gần gũi chăm sóc bà nội già yếu. Lúc đầu, tổ chức muốn đưa ông Thọ lên công tác tại các huyện miền núi của tỉnh, ông liền phân trần: “Bản thân tôi đã từng nhiều năm sống, chiến đấu ở núi rừng, nay nguyện vọng duy nhất là xin được ở lại đồng bằng. Nếu biết trước sẽ tiếp tục lên miền núi lần nữa, có lẽ tôi ở hẳn trên Tây Nguyên”. Những người có trách nhiệm thấu hiểu được tâm tư này và đã quyết cho ông vào làm việc ở một đơn vị Hợp tác xã thương nghiệp. Năm 1993 ông nghỉ hưu ở nhà nuôi heo. Đến năm 1997, ông làm hợp đồng thời vụ chăm sóc cây cảnh ở khuôn viên tháp Đôi – Quy Nhơn.
Ông Thọ bảo đã từng trải qua rất nhiều việc, nhưng cứ mãi luôn làm lính như một sự lựa chọn cơ duyên trong những tháng năm tuổi trẻ. Dấu tích chiến tranh hiện vẫn còn hằn sâu trong cơ thể ông. Những vết thương lại đau nhức mỗi khi trái gió trở trời do mảnh đạn còn nằm trong người. Mặc dù được đi chữa trị nhiều nơi, nhưng nơi nào bác sĩ cũng đều động viên “ráng chịu đau, khả năng phẫu thuật thành công là rất thấp, khi đó đầu óc sẽ bị lú lẫn và tay chân bị liệt luôn”. Những nỗ lực cứu chữa không thành, ông Thọ trở về chấp nhận cảnh sống chung với “vết tích chiến tranh”. Mỗi dịp đồng chí, đồng đội hàn huyên bên nhau lại hay nhớ lại những tháng năm đầy biến cố ấy, như một bài học không thể nào quên về tinh thần dấn thân, cống hiến, dù tiếng đạn bom không còn gầm rú trên những tấc đất quê nhà.
|