* Tục cúng ông Công, ông Táo
Thường lệ, hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, từ thành thị đến thôn quê, từ nhà giàu đến nhà nghèo, đều làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên trời. Người xưa cho rằng ngày ấy vua bếp lên chầu trời để tâu việc làm ăn, cư xử thiện ác của mỗi gia đình trong năm. Qua đó giáo dục tình cảm và lý trí của mỗi người đối với việc xử thế, xây dựng hạnh phúc gia đình.
* Bày mâm ngũ quả ngày Xuân
Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình đều chưng mâm ngũ quả. Nhiều vùng người ta dùng chuối làm nền cho mâm ngũ quả đặt xen vào đó là cam, quýt và không bao giờ thiếu bưởi. Những loại quả khác để làm phong phú cho mâm ngũ quả lại phụ thuộc vào sản vật cây trái mỗi vùng miền. Chưng mâm ngũ quả ngày Tết là một nét đẹp truyền thống thể hiện ước vọng của gia đình không chỉ trong 3 ngày đầu năm mà còn cho cả một năm dài được an khang, thịnh vượng…
* Tục cúng Giao thừa
Giao thừa là thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Người ta thường cúng Giao thừa vào khoảng thời gian từ gần 0 giờ (tức giờ Tý) của ngày mùng 1 đầu năm mới. Cúng Giao thừa là lễ rước chư thần (Môn: Thần Cửa, Hộ: Thần Nhà, Tỉnh: Thần Giếng, Táo: Thần Bếp - các vị thần mà ngày 23 tháng chạp âm lịch người ta đã tiễn đưa về chầu Trời), trở lại hạ giới nhân năm mới, là một thói quen phổ biến được nhân dân ta lưu giữ và thực hiện từ bao đời.
* Tục đi hái lộc và “mua may bán dại”
Ngay sau lễ cúng Giao thừa, các gia đình thường có người đi hái lộc. Người đi hái lộc thường đi ra vườn chùa, đi về hướng Đông hay tìm đến vườn của những gia đình danh giá, hạnh phúc để chọn bẻ một cành lộc non đem về nhà mình. Cành lá đó phải có các tính chất như nhiều lộc non, sai quả, dáng đẹp và thanh thoát. Hái lộc thể hiện cái may mắn, hứa hẹn đầu năm mới cho gia đình, người thân.
* Tục mừng tuổi
Vào năm mới người ta thường mừng tuổi cho nhau. Người lớn thường mừng tiền cho trẻ con và trẻ con thì chúc tụng lại. Tiền mừng thường để trong những phong bao đỏ kèm theo những lời chúc tốt đẹp...
* Tục khai bút đầu năm
Thông thường các gia đình có con đi học, thường rất chú ý đến tục này. Họ nhắc con cầm bút viết một vài dòng chữ đầu năm để gọi là khai bút đầu xuân. Các nhà nho ngày xưa cũng thường chọn những ngày đầu năm (thường là từ mùng 1 đến mùng 7) để viết văn, làm thơ. Người ta tin rằng, đầu năm với cảm xúc dồi dào, chữ nghĩa nghiêm túc, ý tứ cao đẹp thì cả năm đó việc học hành sẽ minh mẫn, thông đạt.
* Tục xông nhà đầu năm
Từ giây phút Giao thừa cho đến sáng mồng một Tết, người Việt nào cũng đặc biệt lưu tâm đến việc xông nhà. Với những bậc cao niên, tiền bối điều này lại càng quan trọng bởi họ quan niệm đó là ngày khởi đầu cho một năm nên mọi việc làm diễn ra trong thời gian này đều chi phối, ảnh hưởng suốt cả một năm dằng dặc sau đó. Ngày nay, tục lệ xông nhà cũng dần dần được cải tiến. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, ai cũng mong muốn ngày đầu năm mới gia đình mình được đón một người đáng yêu, đáng quý với đầy đủ những phẩm chất, đức hạnh tốt đẹp tới xông nhà. Điều đó sẽ tạo cho mỗi người tư tưởng thoải mái, yêu đời ngay từ những giây phút đầu tiên của năm mới.
* Tục chúc Tết
Dịp Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng, thiêng liêng vui nhất của nhân dân ta. Tết là dịp để mọi người nhớ ơn tổ tông, có thời gian để thăm hỏi lẫn nhau: con cháu đến thăm hỏi, chúc Tết ông bà, cha mẹ, chú bác; học trò đến thăm thầy cô; bạn bè thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau... Chúc Tết là một nét đẹp văn hóa thể hiện lòng biết ơn, sự quan tâm lẫn nhau, chung vui đón Xuân, chúc tặng lời lành ý đẹp và niềm hy vọng tình cảm sẽ vững bền dài lâu.
* Cúng đưa
Kết thúc ngày Tết là lễ tiễn đưa tổ tiên sau những ngày về đón Xuân mới cùng con cháu. Người dân thường làm lễ cúng tạ tổ tiên vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết tùy theo từng gia đình thường gọi là cúng đưa. Bên cạnh đó, người dân ta còn có một số tục lệ như đơm mâm, hóa vàng... trong lễ tạ ông bà, ông vải.
|