Nhịp sống hiện đại hối hả. Nhiều giá trị truyền thống phai nhạt. Nhưng Tết đến, vẫn có người tìm cho mình bức thư họa, đôi câu đối treo trong nhà đón xuân. Và, vẫn còn đó, những “ông đồ trẻ” miệt mài bên thiếp giấy, vẽ hồn xuân. Tôi đã gặp Trần Hải Nhơn, một người như thế…
|
Say mê với từng nét chữ. Ảnh: V.T
|
* Nét chữ nâng cuộc đời
Được sự giới thiệu của một người bạn mê chơi thư pháp, tôi tìm đến nhà Trần Hải Nhơn. Nhà anh nằm trong một con hẻm sâu hun hút trên đường Đống Đa (TP. Quy Nhơn), giữa một không gian ồn ã của những người dân biển.
Nhơn tiếp chúng tôi trong một căn phòng nhỏ ngổn ngang tranh vẽ, la liệt những cọ, bút. Nhơn bảo đó là thế giới của riêng anh. Đã gần mười năm nay, anh đã quen với cuộc sống giữa thế giới của chữ.
Trần Hải Nhơn sinh năm 1978 trong một gia đình viên chức bình thường. Quãng đời học sinh của anh trôi qua thật êm ả. Năm 1998, Nhơn thi đậu vào Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn. Bạn bè vẫn bảo, Nhơn hiền, ngoan, chăm chỉ. Học được hai năm, chàng sinh viên mảnh khảnh mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Dù rất cố gắng, Nhơn vẫn không thể tiếp tục con đường học tập.
Giữa lúc khó khăn, bế tắc nhất, Nhơn tìm đến thư pháp như một cứu cánh của đời mình. Chẳng là từ những ngày chập chững vào trường, Nhơn tình cờ quen với Trần Bình Minh, một tay thư pháp được xem là khá có nghề ở đất Quy Nhơn lúc ấy. Xem Trần Bình Minh vung bút, Nhơn thấy mê mẩn. Nhơn đã đến với thư pháp bằng những chỉ dẫn đầu tiên của Trần Bình Minh. Sau này, Trần Bình Minh vẫn thường nói với bạn bè: “Nhơn là người sống có nghĩa, lúc nào cũng giữ câu tôn sư trọng đạo, dù mình chỉ dám coi Nhơn là “nghĩa đệ””.
Từ nền tảng ban đầu ấy, năm 2000, Nhơn khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh vừa chữa bệnh, vừa “tầm sư học đạo”. Và thật may mắn, anh được thư pháp gia Bùi Hiến (cháu thi sĩ Bùi Giáng) nhận làm học trò. Được tiếp xúc với nghệ thuật thư pháp một cách bài bản, lại có sẵn năng khiếu, không lâu sau, nét bút của Nhơn đã định hình. Nhơn về Quy Nhơn và gắn đời mình với nghiên mực, cây bút. Nhơn bảo: “Đến giờ mới nghiệm ra rằng, chính những nét chữ đã nâng đỡ cuộc đời mình”…
|
Trần Hải Nhơn và các bạn trẻ trong Đêm thơ Nguyên tiêu 2008 tại đồi Thi Nhân. Ảnh: V.T
|
* Nửa đời nặng hồn chữ
Đến thời điểm này, Trần Hải Nhơn vẫn được coi là người đầu tiên và duy nhất ở Quy Nhơn sống bằng nghề thư pháp. Anh vẫn thường viết thư pháp, rồi gửi bán ở các tiệm bán hàng lưu niệm trong thành phố. Tuy không giàu có gì, nhưng với mức thu nhập từ hai đến ba triệu đồng/ tháng, cuộc sống của Nhơn vậy là cũng tạm ổn. Nhơn thường làm việc rất khuya. Trong không gian thật yên của đêm, khi mọi người đã ngon giấc, ấy là lúc Nhơn thả hồn trên nét bút.
Mấy năm gần đây, Nhơn được Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn mời biểu diễn thư pháp vào những ngày lễ lớn. Những lúc ấy, anh được hóa thân thành một ông đồ thật sự, vận áo the, phóng bút giữa không gian được thiết kế theo lối xưa. Nhơn bảo, những lúc ấy, không chỉ khách nước ngoài mà cả những người Việt cũng quan sát nét bút của Nhơn rất chăm chú. Trong mắt họ ánh lên sự tò mò, lạ lẫm.
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là Nhơn lại tất bật. Năm ngoái, anh được hơn ba trăm người “đặt hàng” và chỉ có thể hoàn tất những đơn đặt hàng ấy vào ngày cuối cùng của năm cũ. Giao thừa là thời khắc quan trọng nhất trong năm đối với Nhơn. Đêm ba mươi, anh dàn đồ nghề trước Trung tâm Hội chợ Triển lãm. Giữa dòng người nghìn nghịt đổ ra đường đón Giao thừa, không ít người sà đến bên cạnh ông đồ trẻ, xin bức thư họa, đôi câu đối về treo trong nhà. Những lúc ấy, Nhơn thấy ấm lòng. Nhơn tâm sự: “Làm nghề này, hạnh phúc nhất là được thấy người đời ít nhiều còn quan tâm đến truyền thống, còn nhớ đến câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”.
Đầu năm 2008, Nhơn được mời tham gia Hội Sinh Vật Cảnh Bình Định. Sắp tới, anh cũng sẽ tham gia các hoạt động tại các kỳ Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt… Mới đây, một khách sạn lớn ở Quy Nhơn cũng đã mời anh tham gia vào kế hoạch dựng một không gian sinh hoạt cổ xưa giữa lòng thành phố.
Tên tuổi của Nhơn vậy là đang dần được biết đến. Nhiều người nhận xét, nét chữ của Nhơn hiền, phảng phất chút u buồn như câu thơ anh viết: “Người lữ khách đi qua miền đất tạm/ Biết ngày sau còn ai nhắc tên mình”. Nhưng như Nhơn vẫn tự nhận xét, rằng con đường rèn luyện với con chữ, nét bút của anh vẫn còn dài. Để tạo dấu ấn trong người sành chữ, nét bút của anh vẫn cần một chút gì phóng khoáng, phá cách…
Năm nay, Trần Hải Nhơn đã bước qua tuổi “tam thập nhi lập”. Nhơn bảo, anh sẽ cố gắng đi hết con đường mình đã chọn, dù biết nó có phần lạc lõng trong xu thế thời đại. Còn tôi – người viết bài này - tôi vẫn tin ở Nhơn, như vẫn hằng tin vào những giá trị truyền thống mà Nhơn đang trân trọng, giữ gìn…
|