Chàng thủ môn có đôi tay tài hoa
16:52', 17/1/ 2009 (GMT+7)

Không có nhiều cơ hội thể hiện mình trong màu áo đội bóng đá Bình Định, nhưng cuộc đời bóng đá của thủ môn Trần Nhất Tuyên cũng góp phần làm nên những màu sắc sinh động cho vùng đất được mệnh danh “lò thủ môn”.

 

Anh Trần Nhất Tuyên (người đứng ngoài cùng bên trái) tham gia một đội bóng phong trào. Ảnh: C.X

 

* Cơ duyên với khung gỗ

Có lẽ cha mẹ Tuyên và ngay cả chính anh cũng không ngờ mình lại có ngày khoác lên mình bộ quần áo cầu thủ. Thuở nhỏ, với thân hình ốm yếu, đau bệnh liên miên, những người thân của Tuyên chỉ mong sao anh được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, chứ không dám nghĩ anh sẽ theo nghiệp thể thao. Vốn đam mê bóng đá từ khi còn là cậu học sinh tiểu học, hàng ngày, sau giờ học, Tuyên thường cùng bạn bè trong xóm chia nhau ra đá bóng ở những con hẻm gần nhà. Những dịp có các trận đấu trên sân Quy Nhơn, anh được cha dẫn đi xem. Chứng kiến những pha bắt bóng ngoạn mục của thủ môn Dương Ngọc Hùng, Tuyên không khỏi thán phục và ngưỡng mộ.

Không dám mơ có ngày được bay lượn như Hùng “cầy”, nhưng con đường đến với bóng đá “chuyên nghiệp” của Tuyên lại khá bất ngờ. Đó là vào đợt tuyển sinh lớp năng khiếu bóng đá hè, một đứa bạn gần nhà đã đăng ký dự tuyển bỗng dưng đổ bệnh và “trao quyền” cho Tuyên tham gia “sát hạch”. Chưa có được dù chỉ một ngày chuẩn bị, vì vậy, trong những bài kiểm tra về tốc độ, sức bền, Tuyên đều… về chót. Dù vậy, sau đó, anh cũng được cho vào đá tập đội hình, đảm nhiệm vị trí thủ môn.

Trần Nhất Tuyên nhớ lại: “Khi đó, đội của tôi có phần mạnh hơn, nên hầu như cả trận tôi không phải làm việc. Đến cuối trận, một cầu thủ bên kia sút bóng rất khó. Theo phản xạ, tôi bay người cứu nguy cho khung thành đội nhà. Chỉ chứng kiến một pha cứu thua xuất thần đó, các HLV đã quyết định chọn tôi vào tập lớp năng khiếu. Khỏi phải nói, lúc đó, tôi mừng như… trúng số”.

 

Chiếc áo mà Nguyễn Văn Cường và Trần Nhất Tuyên (người đứng và ngồi bên trái) mặc đều do anh Tuyên tự may. Ảnh: C.X

 

* “Chàng Campos” của Bình Định

Tiếng là tập ở lớp năng khiếu, nhưng chẳng ai hướng dẫn Tuyên cách bắt bóng . Tất cả đều do anh tự tập, về nhà nghiên cứu băng hình của những thủ môn thế giới, rồi mày mò áp dụng. Năm 19 tuổi, khi thủ môn Dương Ngọc Hùng treo găng, Trần Nhất Tuyên mới có cơ hội đứng trong khung thành đội bóng Bình Định. Cũng từ đó, anh mới được thủ môn Dương Ngọc Hùng chỉ bảo cho những kinh nghiệm quý của “người gác đền”. Nhưng do hạn chế về chiều cao, phần nữa do thủ môn Nguyễn Văn Cường khi đó đang đạt phong độ ổn định (được gọi vào Đội tuyển Quốc gia), nên Nhất Tuyên rất ít khi được ra sân.

Dù vậy, những lần được thi đấu, Tuyên luôn cố gắng hết mình và để lại những ấn tượng đẹp cho khán giả. Chính vì vậy, anh được mọi người gọi với biệt danh “Schuma” Tuyên (ghép tên với cựu thủ môn nổi tiếng của tuyển Đức Toni Schumacher). Ra sân, Tuyên thường hay khoác lên mình những bộ quần áo sặc sỡ, vì vậy có người còn gọi anh là “Campos” (thủ môn tuyển Mexico). Nói về trang phục thi đấu thời đó, Trần Nhất Tuyên cho biết: “Hồi đó, quần áo không bán nhiều như bây giờ. Đồ thủ môn, anh em tôi thường đi mua ở các cửa hàng “Sida”. Minh Quang cũng từng mặc chiếc áo giá 25.000 đồng từ những cửa hàng như vậy. Do đó, tôi thường lấy các hình thủ môn thế giới về, mua vải nhờ anh Phan Tôn Quyền cắt, rồi may lại thành những chiếc áo… như đồ xịn. Còn găng tay cũng tận dụng từ những chiếc găng bảo hộ lao động, may thêm mấy miếng vải cho màu mè rồi… xung trận. Nhiều bộ trang phục của Văn Cường hay Minh Quang hồi đó đều do tôi may đấy chứ”.

Ngoài khả năng may vá, Tuyên còn có thêm nghề “đè đầu vít cổ thiên hạ”. Thời đó, mỗi lần đội đi thi đấu thường xa nhà hàng vài tháng. Vì vậy, việc “làm đẹp” đầu tóc của Ban huấn luyện và các cầu thủ trong đội Bình Định đều do một tay “thợ cạo” Tuyên đảm nhận. Thậm chí, anh còn sắm cả một bộ đồ nghề để “tác nghiệp” khi được đề nghị. Chẳng qua lớp lang gì, nhưng những “sản phẩm” của anh không thua kém gì những thợ chuyên nghiệp.

* Cuộc sống hậu bóng đá

Chơi cho đội Sông Bé được một năm (mùa giải 1995 - 1996), sau đó, Tuyên giải nghệ vì những lý do… ngoài chuyên môn. Không như nhiều cầu thủ thời đó phải chật vật mưu sinh sau khi treo giày, nhờ có khiếu và đam mê âm nhạc, Tuyên được gia đình tạo điều kiện mở một phòng thu tại nhà. Ngẫm lại anh thấy mình cũng còn may mắn hơn bao người, bởi trước đó, người cha đã hướng anh theo con đường nghệ thuật (anh còn có năng khiếu trong lĩnh vực hội họa), nhưng vì đam mê bóng đá nên Tuyên đã bỏ qua “ngã rẽ” đó.

Có được lượng khách ổn định, công việc tất bật, nhưng không vì thế mà Tuyên dứt hẳn với bóng đá. Chiều chiều, anh lại cùng các đội bóng phong trào ra sân chơi, rèn luyện sức khỏe và ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng đã qua. Thỉnh thoảng, anh đầu quân cho một số đội, tham gia các giải phong trào trong tỉnh. Tuy đã gần bước sang tuổi 40, nhưng những pha tung người bắt bóng của anh vẫn còn rất “bén”, tạo được niềm tin cho  đồng đội. Rồi cũng có thời gian ngành thể thao tỉnh mời anh về huấn luyện thủ môn cho các đội tuyển trẻ. Nhưng thời gian tập luyện bất hợp lý cùng mức lương… “không đủ uống cà phê” không thể giữ chân một người tâm huyết như anh. Tuyên tâm sự: “Có lần, tôi được Minh Quang cho một đôi găng Adidas xịn, tôi cho lại một thủ môn trẻ. Nhưng hôm sau ra sân tập, tôi thấy cậu ấy vẫn đeo đôi găng cũ đã rách lòi cả những ngón tay ra ngoài. Hỏi ra mới biết cậu ấy chỉ dùng đôi găng tôi cho khi thi đấu, còn lúc tập thì… hy sinh đôi tay để bắt bóng. Tôi thấy việc đào tạo các tài năng tương lai của mình còn nhiều bất cập, chế độ của các em quả là một trời một vực so với các cầu thủ ở đội một, như vậy làm sao chúng ta có lứa kế cận đủ sức thay thế cho những cầu thủ lớn tuổi”.

Trò chuyện với Tuyên, tôi thấy bóng đá như đã ngấm vào máu thịt anh. Anh luôn trăn trở với bóng đá tỉnh nhà, và trước khi chia tay, anh vẫn chia sẻ: “Nếu có một lời đề nghị hợp lý, tôi sẽ trở lại với công tác đào tạo thủ môn trẻ cho Bình Định”. Hy vọng những tâm huyết ấy sẽ sớm được những người có trách nhiệm ghi nhận và suy nghĩ.

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nét chữ hồn xuân  (17/01/2009)
Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền  (17/01/2009)
Tính cách, vận mệnh người tuổi Sửu  (17/01/2009)
CLB Xuân Bình Định  (17/01/2009)
Ngày 22.12 năm ấy  (03/01/2009)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (03/01/2009)
Có một bài hát của lính trẻ  (03/01/2009)
Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ  (03/01/2009)
Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên  (03/01/2009)
Còn nhiều việc phải làm  (03/01/2009)
Những cánh én mùa xuân  (03/01/2009)
Bãi Xép: Gần mà xa  (03/01/2009)
Niềm vui ngày xuân  (03/01/2009)
1.000 đồng và những tấm lòng  (03/01/2009)
Vấn nạn côn đồ nhìn từ một vụ án  (03/01/2009)