“Ngưu giác” nghĩa là “sừng trâu”, một trong mười chỉ pháp của võ cổ truyền, được võ sư Diệp Trường Phát (tức cụ Tàu Sáu) chọn làm biểu tượng của môn phái mình. Năm Trâu, tìm hiểu về “Ngưu giác chỉ”, để hiểu thêm triết lý võ đạo của Bình Thái Đạo - một trong những phái võ danh trấn của đất Bình Định...
|
Võ sư Diệp Lệ Bích (bên phải), chưởng môn nhân đời thứ ba của Bình Thái Đạo, luyện võ cho môn sinh. Ảnh: N.V.T
|
* Chuyện về người con nuôi của họ Diệp
Tôi tìm đến nhà võ sư Nguyễn Ngọc Danh, thường gọi là Sáu Lạc, trên đường Hoàng Văn Thụ (Quy Nhơn), người đang truyền dạy Bình Thái Đạo. Ông Sáu Lạc kể lại cuộc đời mình trong sự bùi ngùi: “Năm tôi lên 12 tuổi, bị bệnh. Cha mẹ đưa tôi đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi. Sau đó, theo mách bảo của nhiều người, cha mẹ tôi đưa tôi đến Nhà thuốc Lai Sanh Đường để chữa trị. Sau khi bắt mạch cho tôi xong, ông chủ tiệm Lai Sanh Đường là Diệp Bảo Sanh nói: cháu đã bị thương hàn nhập cốt, muốn điều trị dứt điểm phải tốn nhiều thời gian. Nếu được thì ông bà cho tôi nhận cháu làm con nuôi (nghĩa tử) và cho cháu ở lại hẳn nhà tôi để điều trị. Cha mẹ tôi đồng ý, vậy là tôi trở thành con nuôi của họ Diệp”. Chiêu thêm ngụm trà, ông Lạc giải thích: “Sau này, nghe kể lại, tôi mới biết là lúc đó, ba nuôi tôi có nói với ba mẹ tôi rằng, một khi cháu trở thành con nuôi của tôi, tôi trị hết bệnh thì nó ở với tôi, còn lỡ có bề gì thì cũng là con tôi, tôi chịu trách nhiệm, ông bà không được bắt đền tôi”.
Trở thành con nuôi của ông Diệp Bảo Sanh, ông Sáu Lạc không chỉ được trị lành bệnh, mà còn được học nghề thuốc và võ thuật. Khi ấy, ông Lạc mới biết ông Diệp Bảo Sanh chính là con trai thứ bảy của cụ Tàu Sáu, một thầy võ nổi tiếng ở Bình Định. Cụ Tàu Sáu tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An Thái (huyện An Nhơn). Lúc nhỏ, cụ từng được gia đình cho sang Quận Chiếu An (tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc) học cả văn lẫn võ; sau đó, còn qua Hồng Kông “tầm sư học đạo” một thời gian nữa. Khi võ công đã thành, võ sư Diệp Trường Phát về nước, tiếp tục gia tâm nghiên cứu, rút tỉa tinh hoa võ thuật địa phương, kết hợp với võ Tàu và các môn võ truyền thống của các dân tộc Khơme, Chăm đặng phối chế thành một môn võ độc đáo. Hệ thống quyền của môn võ này khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên bốn bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền, Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công (tức luyện cho mạnh mẽ, rắn chắc), được coi là nền tảng căn bản; Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miêu công (tức luyện cho mềm dẻo, linh hoạt, nhanh lẹ chớp nhoáng) là phần xuất sắc, cao diệu... Về tinh thần, cụ Tàu Sáu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng môn phái.
|
Sân nhà võ sư Diệp Trường Phát tại làng võ An Thái, nơi ngày xưa võ sư vẫn luyện võ cho học trò. Ảnh: V.T
|
* “Ngưu giác chỉ”: hiền lành mà dũng mãnh
Theo một số tài liệu mà chúng tôi tìm được, cũng như qua lời kể của những đồ đệ môn phái Bình Thái Đạo, sở dĩ cụ Tàu Sáu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái mình, vì cụ nhận thấy, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và con trâu từ lâu đã là một hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người Việt. Trâu là loài vật hiền lành, suốt đời cần mẫn giúp ích cho người; nhưng cũng sẽ rất dũng mãnh khi bị tấn công.
Từ những đặc điểm ấy, cụ Tàu Sáu nghiền ngẫm về bản chất tốt đẹp của loài trâu, rồi không chỉ lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái mà còn đúc kết thành giáo điều của môn phái, gồm năm điều gọi là “Ngũ điều” (Phải nhẫn nại, đoàn kết, hy sinh, thật thà, dũng cảm); bên cạnh “Ngũ qui” cũng có năm điều: không phản sư phế đạo; không ỷ thế hiếp cô; không sanh tâm đạo tặc; không loạn dâm háo sắc; không thắng vinh bại nhục.
Sự sắp xếp trên còn hàm chứa một quan niệm rất tinh tế của cụ Tàu Sáu về phương diện giáo dục con người qua huấn luyện võ thuật. Đó là trước hết, phải làm sao để khơi dậy và tập cho người môn sinh biết nhẫn nại để họ có thể thích ứng, hòa hợp được với những phức tạp trong cuộc sống. Từ đó, họ sẽ có nhu cầu giao lưu, chia sẻ và đoàn kết. Và một khi đã biết đoàn kết, yêu thương nhau thì họ mới có thể hy sinh cho nhau được. Mà con người một khi đã có đức hy sinh, là đã triệt tiêu được những vụ lợi, đố kỵ, nhỏ nhen. Họ sẽ luôn sống và cư xử một cách thật thà, đúng đắn. Khi ấy, nếu phải dụng võ, thì đó cũng chỉ vì lẽ phải, vì chính nghĩa.
Khi cụ Tàu Sáu mất, con trai cụ là võ sư Diệp Bảo Sanh tiếp tục nối nghiệp cha truyền dạy võ học. Ông vừa mở tiệm thuốc Bắc mang tên Lai Sanh Đường ở Quy Nhơn, vừa tiếp tục thu nhận môn đệ. Và ông Lạc, vừa là con nuôi, cũng là đồ đệ của võ sư Diệp Bảo Sanh. Phái võ này từ đó còn có tên là Bình Thái Đạo, tức là võ Bình Định làng An Thái và dần có những bước cải tiến về mặt tổ chức môn phái cũng như phương pháp huấn luyện.
Biểu tượng “Ngưu giác chỉ” được xem như một huyết mạch chảy chung qua các thế hệ môn đồ của Bình Thái Đạo, bởi theo ông Lạc, “Chính việc sử dụng biểu tượng “Ngưu giác chỉ” trong nghi lễ chào nhau trước khi bước vào tỉ thí, những người theo học Bình Thái Đạo sẽ nhận ra mình cùng một môn phái. Mà đã là người cùng môn phái thì không được phép tranh giành thắng - bại”.
Hiện nay, Bình Thái Đạo đang được các thế hệ đệ tử của võ sư Diệp Bảo Sanh tiếp tục truyền dạy và phát triển trong và ngoài nước. Võ sư Diệp Lệ Bích, con gái võ sư Diệp Bảo Sanh, hiện đang sống tại Anh, là chưởng môn nhân đời thứ ba và vẫn đang miệt mài với công việc truyền bá Bình Thái Đạo. Trong hai kỳ Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I và thứ II tổ chức tại Bình Định, võ sư Diệp Lệ Bích đều về tham gia. Hiện nay, nữ võ sư còn ấp ủ dự định sẽ khôi phục và phát triển mạnh môn võ này ngay trên đất An Nhơn - nơi khai sinh ra môn phái.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Bình Thái Đạo) |