10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008
17:8', 17/1/ 2009 (GMT+7)

Năm 2008, tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh, dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật :

1. Suy thoái kinh tế toàn cầu

Cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ sự đổ vỡ dây chuyền trong ngành tài chính Mỹ đã lan rộng khắp toàn cầu, cùng một lúc đẩy 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu rơi vào suy thoái. Đây là cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1933. Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm trong năm 2009 và còn diễn biến phức tạp trong những năm tiếp theo.

 

Không khí ảm đạm bao trùm khu vực tài chính phố Wall, Mỹ.

 

2. Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực

Ngày 15.12, Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực, 30 ngày sau khi được cả 10 nước thành viên nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn. Hiến chương có hiệu lực giúp ASEAN có tư cách pháp nhân, hoạt động dựa trên khung pháp lý, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên ba trụ cột (chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội) vào năm 2015.

3. Nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên

Ngày 4.11, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Barack Obama - 47 tuổi, một người Mỹ gốc Phi - đã viết tên mình vào trang sử của nước Mỹ, tạo ra một bước ngoặt đầy kịch tính về xã hội và chính trị để trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Cam kết thay đổi nước Mỹ, cộng với yếu tố màu da, tiểu sử, lập trường ôn hòa muốn đối thoại ngay cả với Iran đã dấy lên trên thế giới một niềm hy vọng lớn về một nước Mỹ mới. Vị tổng thống thứ 44 của Mỹ cũng vừa được tạp chí Time của Mỹ bình chọn nhân vật của năm vì “đã tự tin hoạch định một tương lai tươi sáng trong bối cảnh ảm đạm hiện nay”.

 

Vị tổng thống da màu gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

 

4. Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan

Trong vòng 4 tháng, Thái Lan đã trải qua 3 đời thủ tướng. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình phong tỏa hai sân bay quốc tế ở thủ đô Bangkok của những người ủng hộ Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), khiến hàng chục ngàn du khách bị mắc kẹt. Ngày 15.12, Quốc hội Thái Lan đã bầu ông Abhisit Vejjajiva - Chủ tịch đảng Dân chủ  - làm thủ tướng thứ 27 của đất nước, tuy nhiên mọi thách thức còn đang ở phía trước đối với vị thủ tướng trẻ này.

 

Những người ủng hộ PAD bao vây sân bay quốc tế Bangkok.

 

5. Căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ

Cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Gruzia (8.2008) đã dẫn đến việc Nga công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, hai khu vực ly khai khỏi Gruzia. Quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đã căng thẳng sau việc tuyên bố độc lập của Kosovo lại càng xấu hơn từ sau diễn biến trên. Đặc biệt, đã có lúc người ta dùng đến cụm từ “Chiến tranh Lạnh lần hai” để mô tả mối quan hệ đầy sóng gió này do những bất đồng xung quanh kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

6. Tấn công khủng bố ở Mumbai

Không chỉ có Mumbai mà cả thế giới bàng hoàng sau 7 vụ đánh bom liên tiếp và bắt cóc con tin tại trung tâm thương mại Mumbai (Ấn Độ) ngày 26.11, làm gần 200 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Hậu quả của vụ tấn công không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại người và của, mà nó còn đẩy mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ - Pakistan lên mức nguy hiểm; đồng thời còn là một thách thức đối với “cuộc chiến chống khủng bố” mà Mỹ đang phát động.

7. Cướp biển lộng hành tại Somalia

Trong vòng 10 tháng, nhóm hải tặc hoạt động ngoài khơi vùng biển Somalia đã bắt giữ 95 tàu chở hàng và thu về khoảng 30 triệu USD tiền chuộc, trong đó đáng chú ý nhất là vụ tấn công tàu chở dầu Sirius Star của Arabia Saudi với giá trị lên đến 100 triệu USD và một tàu chở xe tăng cùng các loại vũ khí khác của Ukraine. Do đặc điểm quan trọng của tuyến đường thủy thương mại này, nhiều nước đã cử tàu chiến tới đây để hộ tống các tàu hàng qua lại. Hội đồng Bảo an LHQ đã phải thông qua nghị quyết cho phép các nước tấn công hải tặc Somalia trên đất liền và trên biển. 

8. Cuộc chạy đua chinh phục không gian vũ trụ

Sau Nga và Mỹ (năm 2003), Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đưa người vào vũ trụ bằng tàu Thần Châu 7 (25.9.2008). Chưa đầy một tháng sau, Ấn Độ cũng phóng thành công tàu vũ trụ mang tên Chandrayaan-1. Cuộc đua chinh phục không gian đang ngày càng nóng bỏng hơn sau khi một loạt các quốc gia châu Á gồm: Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản công bố các kế hoạch tái đổ bộ lên Mặt trăng vào năm 2020.

 

Tàu Thần Châu VII chở 3 phi hành gia Trung Quốc rời mặt đất, thực hiện sứ mệnh lần đầu tiên đưa người đi bộ ra ngoài không gian.

 

9. Vụ bê bối sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc

Đây được coi là vụ bê bối cấp I trong lĩnh vực an toàn thực phẩm Trung Quốc bởi tính chất nghiêm trọng của nó. Đã có 5 trẻ em Trung Quốc tử vong và gần 60.000 em khác nhập viện sau khi uống phải loại sữa có chứa hóa chất độc hại melamine do Tập đoàn Tam Lộc sản xuất. Nó còn khiến người dân Trung Quốc mất dần niềm tin vào sản phẩm trong nước và vai trò của các cơ quan chức năng. Hàng hóa “Made in China” cũng bị điêu đứng tại các thị trường nước ngoài sau vụ phanh phui này và một loạt sự vụ sau đó như vụ trứng nhiễm hóa chất, thức ăn chăn nuôi nhiễm melamine…

10. Thiên tai, thảm họa

Trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ Richter tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 12.5, làm 88.000 người thiệt mạng và ít nhất 375.000 người bị thương, ước tính thiệt hại vật chất lên đến 121 tỉ USD, công cuộc tái thiết dự tính sẽ tốn 147 tỉ USD và kéo dài ít nhất 3 năm. Trước đó, cơn bão Nargis tràn vào Myanmar hồi đầu tháng 5 đã làm 138.000 người thiệt mạng và mất tích. Năm 2008 còn xảy ra vụ tai nạn máy bay khủng khiếp tại Tây Ban Nha (20.8), làm 154 trong tổng số 172 người trên máy bay thiệt mạng.

  • Hồng Hà (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm Trâu nói chuyện “Ngưu giác chỉ”  (17/01/2009)
Chàng thủ môn có đôi tay tài hoa  (17/01/2009)
Nét chữ hồn xuân  (17/01/2009)
Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền  (17/01/2009)
Tính cách, vận mệnh người tuổi Sửu  (17/01/2009)
CLB Xuân Bình Định  (17/01/2009)
Ngày 22.12 năm ấy  (03/01/2009)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (03/01/2009)
Có một bài hát của lính trẻ  (03/01/2009)
Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ  (03/01/2009)
Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên  (03/01/2009)
Còn nhiều việc phải làm  (03/01/2009)
Những cánh én mùa xuân  (03/01/2009)
Bãi Xép: Gần mà xa  (03/01/2009)
Niềm vui ngày xuân  (03/01/2009)