Dòng tranh dân gian Đông Hồ là một trong những nét văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của nước ta. Nhiều làng tranh Đông Hồ như: Phố Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ An), làng Sinh (Lại Ân - Huế)…, trong đó làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) được biết đến nhiều vì sự lâu đời và tính độc đáo của nó.
Điều đặc biệt, chủ đề của dòng tranh Đông Hồ ngoài những trò chơi dân gian, lịch sử, tích văn học, cảnh sinh hoạt cuộc sống nông thôn, còn tạo nên hình tượng con vật heo, gà, trâu, mèo đến rồng, hổ… Nhất là 12 sinh tiêu được tượng trưng bởi 12 con vật hay còn gọi là 12 con giáp: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ…
Con trâu (con Sửu đứng thứ 2 trong 12 sinh tiêu) trong tranh dân gian Đông Hồ có rất nhiều, đa dạng nội dung như: Chọi trâu, Nghỉ ngơi, Chọi trâu thả diều, Hiếu học…, trong đó nổi bật là tranh Chăn trâu thổi sáo - một trong những bức tranh Đông Hồ tiêu biểu, bởi nó đi vào đời sống, ước mơ của người dân tự bao đời. Tranh Chăn trâu thổi sáo miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu, trên đầu đội một lá sen tỏa rộng, dưới mặt đất là cỏ. Bố cục tranh hài hòa, vừa mắt nhìn, vừa chặt chẽ, vừa phóng khoáng. Trong bản khắc màu, hình vẽ với đen, xanh, hồng, đỏ, nâu để tạo các hình ảnh phù hợp màu sắc của trâu, người, ống sáo, cỏ, lá sen. Đường nét tạo hình to rộng, chắc khỏe không cầu kỳ và khoảng trống cách điệu. Với chủ đề Chăn trâu thổi sáo thì bức tranh nổi bật hình ảnh chú bé ngồi trên lưng trâu mà thời ấy bất cứ người dân Việt Nam nào cũng cảm nhận được vì xuất phát từ một vùng đất của cây lúa nước, sản xuất nông nghiệp là chính và nó là ước mơ hạnh phúc bao đời với thiên nhiên nhằm vào thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Con trâu là đầu cơ nghiệp mà nhà nông không thể thiếu, trâu trong bức tranh này vừa ngộ nghĩnh đáng yêu, vừa phù hợp với người ngồi trên lưng nó - là chú bé khôi ngô, khỏe mạnh - một thế hệ nối tiếp của người nông dân. Trâu và người nông dân. Trâu và người tuy hai mà một, trâu giúp cho nhà nông công việc đồng áng, đồng thời là một người bạn chân thành của họ. Ngồi trên lưng trâu và thổi sáo, người nông dân không những lao động làm ra vật chất mà còn biết sáng tạo nghệ thuật, ống sáo bằng cành trúc; lá sen, hoa sen trong ao đầm; những bụi cỏ cao thấp đều có trong cuộc sống hàng ngày ở nông thôn, đã nuôi dưỡng con người thông qua hình ảnh chú bé hồng hào và thế ngồi vững chãi, biểu hiện của sự khỏe khoắn sung mãn. Hình ảnh của tranh thể hiện đất trời mưa thuận gió hòa, mùa nối tiếp mùa, sau mùa vụ là thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ trong lễ hội, trong những lúc Xuân về, Tết đến của người nông dân với tinh thần lạc quan nhất, là ước mơ và khát vọng của người dân Việt Nam được dòng tranh dân gian Đông Hồ gửi gắm vào bức tranh Chăn trâu thổi sáo.
|