Tết đã kề bên hiên nhà. Trong cơn gió se lạnh, tôi cố hít đầy phổi hương vị mật ngọt của mùa xuân đang chín dần trong đất trời…
|
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
1.
Những chồi cây, náu mình tránh rét trong giấc ngủ đông, âm thầm tích tụ nhựa sống nay đã trỗi dậy một màu xanh non mơn mởn. Cây me ở góc cơ quan mới hôm nào còn xơ xác một màu xám ngắt trong cái lạnh rét mướt của mùa đông, nay đã đầy những lộc xuân tươi mới. Xuân đã đến rồi đây. Nắng đã vàng lên một màu óng ả. Ngoài phố, trong công sở, bên những công việc thường nhật, đã chộn rộn chuyện sắm Tết.
Nhưng có lẽ, không chỉ riêng tôi, mà mọi người khác cũng tràn dâng một cảm giác khác lạ khi xuân về. Dẫu biết rằng “thêm một tuổi, nghĩa là ta đã già”. Và đôi khi, không kìm nổi câu cằn nhằn “Tết nhứt chi cho khổ hả trời!” (dĩ nhiên, chỉ người lớn là than khổ thôi), để rồi tự mình lại mâu thuẫn bằng câu an ủi: “Nếu không có Tết thì có lẽ cả năm cũng chẳng thể dứt mình xả hơi, chơi bời hay thăm nom ai được”.
2.
Hôm rồi, người bạn ở Mỹ điện về hỏi thăm tình hình Tết nhất ở quê nhà. Không khí Tết ra sao, chuẩn bị gì nhiều chưa? Anh nói, bên này, ngày Tết Nguyên đán năm nay cận với hai ngày cuối tuần nên càng có thêm thời gian chơi xuân. Ở Califonia - nơi người Việt tập trung đông nhất, chẳng thiếu một món gì của Việt Nam. Từ những món thường ngày như bánh tráng nhúng, mắm cái, mắm tôm đến mứt gừng, mứt dừa, bánh chưng bánh tét trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Tết bên này, cũng có mai vàng, đào hồng phớt nhưng chỉ là sản phẩm của thời công nghiệp hóa: thân cây bằng nhựa nâu; cánh hoa bằng vải, nhụy hoa bằng nhựa cứng. “Nhìn xa trông chẳng khác gì thật, nhưng nhìn gần lại càng da diết nhớ đến hình ảnh cánh mai vàng mỏng manh rung rinh trong gió, cả mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết đến nao lòng….”- anh bạn thủ thỉ trong điện thoại. Đã hơn ba chục năm bươn bả bên trời Tây, có mấy khi anh được diễm phúc ăn Tết ở quê nhà. Nước Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế, người dân Mỹ nói chung và Việt kiều nói riêng phải rất tiết kiệm, hạn chế chi tiêu đề phòng nạn thất nghiệp. Bởi vậy, sắm sửa Tết nhất cũng chẳng “xôm tụ” như mấy năm trước. Song, nói gì thì nói, chuyện ơn nghĩa phải chăng, quà biếu ở bên quê nhà cũng không thể thiếu, dẫu chất lượng có thể không bằng…
3.
Một người ở trời Ta, một người ở trời Tây mà câu chuyện về Tết nhất cứ lan man mãi. Tôi “tường thuật” kiêm “bình loạn”: Thời buổi công nghiệp hóa, chuyên nghiệp hóa nên không khí chuẩn bị Tết nhất ở quê nhà cũng thật khác xưa. Sắm sanh, chuẩn bị một cái Tết không mất nhiều thời gian như trước mà chỉ cần một buổi, một ngày là đủ. Các loại bánh, mứt ngoại lẫn nội bày bán ê hề trong siêu thị, chợ. Bởi đã quá “chuyên nghiệp hóa” nên cũng chẳng còn cái háo hức, rộn ràng của nhà nhà làm bánh in bánh thuẫn, người người rim mứt gừng, dừa mùi thơm lan khắp xóm như trước.
Đến đấy, chợt nhớ thời nhỏ (cách đây hơn hai chục năm) mỗi lần mẹ làm bánh thuẫn, bánh in, là bọn trẻ con xúm xít ngồi quanh xem người lớn đập trứng, đánh trứng, trộn bột, hít hà mùi thơm quyến rũ của thứ hỗn hợp này. Hồi hộp nhất là lúc chờ bánh thuẫn nở. Bánh “đầu ông sư” (không nở) làm người lớn phiền lòng vì sợ năm mới làm ăn không tiến. Thậm chí, ba tôi còn lên bàn thờ thắp nhang, khấn vái rồi nhảy múa lia lịa để “ông sư” cười. Chỉ có bọn nhóc tì kiên nhẫn chầu rìa bên cạnh, mong có bánh ông sư để được “hưởng xái”; rồi giành ăn mứt gừng, dừa vụn, đường đóng dưới đáy thau, miệng xuýt xoa: “Chu cha, ngon quá sao mà ngon!”… Đến đêm 29, 30 tháng Chạp cả nhà quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng đùng đùng lửa cháy. Không khí mới thật ấm áp làm sao!
4.
Nay thì tôi đã là một phụ nữ trên 30 tuổi, chồng con đề huề. Cuộc sống ngày càng đi lên, nên nhìn chung bọn trẻ ở thành phố, chẳng riêng gì con tôi, chẳng thiếu thốn thứ gì. Ngày Tết, bánh, mứt, nước ngọt chưng đầy… nhưng bọn trẻ chỉ thích nhấm nháp chút bò khô, mực tẩm cay thiệt là cay. Chỉ trừ nhà nào có món thiệt hay, thiệt lạ…
Má tôi, mấy năm nay tay đã yếu, mắt mờ nên không thể tự tay dện bánh in, rim mứt gừng lễ Phật, cúng ông bà ngày Tết. Còn bọn con cháu đứa thì bận, đứa ỷ lại vào các dịch vụ sẵn có nên chẳng mặn mà chuyện bếp núc. Mấy tháng trước, tôi có chuyến đi công tác về Đập Đá, ghé đến hàng bà Sâm ở chợ mua cho má hũ tôm chua và vài phong bánh in nhân đậu xanh, đậu đen, chục bánh thuẫn nở vàng đều. Má ưng bụng lắm. Mới đầu tháng Chạp, đã lo nhắc: “Tết, nhớ mua cho má mấy chục bánh để cúng ông bà. Cúng bánh Tây chắc ông bà không thích”.
Mỗi năm mỗi yếu, mặc cho bọn con cháu nói ra nói vào, má vẫn nhất định tự tay gói bánh chưng, bánh tét. Với má, cái không khí ấm áp của lửa ngọn đùng đùng, cảnh người chạy ra chạy vào canh chừng đổ nước, lửa cho nồi bánh mới thiệt là Tết. Con cái mỗi đứa mỗi nơi, mấy ngày cận Tết về nhà cha mẹ, thấy ông bà, cháu chắt xúm quanh nồi bánh, dù chẳng đứa nào nói ra nhưng lòng cũng thấy ấm cúng như thời thơ ấu.
Tết năm nay, trong xu thế “kinh tế toàn cầu suy thoái”, vợ chồng cùng thống nhất không “vung tay quá trán”. Mùng một ở bên nội, mùng hai về ngoại ở quê; mùng ba mới về nhà mình. Năm nay, tôi sẽ đặt vài cây tré, vài chục nem Phước Lộc cho chồng đãi bạn, làm thẩu kiệu chua ngọt, vại dưa muối xổi và thêm ràng bánh tráng nhúng thiệt ngon… để sẵn. Mới bàn tới đó, ông xã gật gù: “Tết ớn thịt ớn thà. Mẹ mày bày mấy thứ dân dã này được đó”.
|