Nhà thơ Thanh Thảo có người bạn bên Pháp, nghe người ta quảng bá rầm rộ về Khu kinh tế Chu Lai, ông bạn ấy định về mua một miếng đất ở xã Tam Hải để làm resort. Ông nhờ nhà thơ ra “thị sát” miếng đất ấy rồi “thuật lại” cho ông. Tôi làm nhiệm vụ chở nhà thơ bằng chiếc ô tô “đời cô Lựu” của tôi ra Núi Thành, Quảng Nam để xem đất. Ông chủ miếng đất ấy cũng là một người bạn- nhà văn Đà Linh, Phó Giám đốc NXB Đà Nẵng.
Đường về Tam Hải quá chật, chỉ vừa đủ một chiếc ô tô đứng dọc, chừa lại một chiếc xe máy qua lọt thôi. Chúng tôi cứ nghĩ rằng về xứ cát nóng này, cùng lắm là xe máy chứ lấy đâu ra ô tô nên đỗ bừa ven đường. Xe nhà văn Đà Linh, loại Camry đời … chót, giá chừng 1 tỉ, đỗ trước, xe “cô Lựu” của tôi, giá một … trăm (triệu) đỗ đàng sau. Chúng tôi “thị sát” miếng đất ấy một hồi, xem hình sông thế núi một hồi, mở ra “viễn cảnh tương lai” cho cái gọi là resort của ông Việt kiều bên tận Paris bằng đủ các hướng kinh doanh theo cách tưởng tượng của các nhà thơ.
Đang ba hoa chích chòe về cái khách sạn … nghìn sao ấy thì thấy vẻ mặt hớt hải của thằng bé từ ngõ chạy vào, giọng nó thất thanh: “Chú ơi, xe chú bị… bị…bị… rồi”. Chúng tôi chưa biết chiếc xe ấy “bị” gì thì thằng bé đã biến mất vào … cát trắng! Tôi ra xem và thấy cảnh tượng “đau lòng”: Gã dân chài đang chở một chiếc thuyền thúng, cố lách qua hai chiếc ô tô mà không được, cứ thế phóng bừa làm chiếc ô tô của tôi bị vỡ cái đèn sau, tróc một vệt sơn dài bên sườn. Nếu không có ai ở đó thì gã dân chài kia biến luôn trong cát như thằng bé, bố tôi cũng tìm không ra gã, đàng này, thấy ô tô về làng bị xe máy tông cho tróc sơn, đám thanh niên bu vào, đông như quân Nguyên.
Tôi vừa đến nơi, “thủ phạm” đã tiến lại gãi đầu: “Em lỡ, em xin lỗi, em không cố ý, em gửi cho anh hai trem (hai trăm) để sửa xe!”. Hắn xưng “em” một hồi, cuối cùng hạ một tiếng “hai trăm”, tôi thấy như thế cũng là biết điều, dù “hai trem” của hắn, chắc là mua được mấy con ốc chứ sao mua đèn và sơn cho được! Nhưng nghĩ tức cái thằng ngư dân ẩu xị này, hắn cứ tưởng đi trong làng như đi ngoài biển nên tôi tỏ vẻ kiên quyết: “Tôi không lấy hai trăm đâu. Tôi bắt đền cái đèn thôi! Anh đi mua đèn mà lắp cho tôi”.
Thấy tôi có vẻ kiên quyết, hắn giở bài năn nỉ ỉ ôi, than nghèo kể khổ rất “hoàn cảnh”. Tôi thì vẫn giữ lập trường và đưa ra giải pháp: “Thôi thì cái đèn không biết bao nhiêu, để cho khách quan, cậu lên xe, tôi đưa lên gara trên thị trấn, họ thẩm định bao nhiêu, lúc ấy tôi sẽ thông cảm”. Tôi thêm câu này, làm cậu ta phát hoảng: “Lên xe ngay, không tôi gọi công an bây giờ!”.
Nghe đến công an (lại công an), hắn vội vàng lên xe. Vừa mở cửa xe đã thấy nhà thơ Thanh Thảo ngồi sẵn trong đó rồi. Nãy giờ Thanh Thảo nghe toàn bộ cuộc “giằng co”, thấy gã thanh niên đen nhẻm chuẩn bị chui vào ô tô, nhà thơ độp một câu: “Mày làm gì, mày?”. “Dạ, cháu làm thơ!”. Đang thời buổi thơ ế ẩm như rau muống héo mà nghe có thằng làm thơ, Thanh Thảo dịu giọng hẳn xuống: “Thế em đã in tập nào chưa? Em làm thơ từ hồi nào vậy?”. Ông nhà thơ này có cái tật hơi bị lạ, hễ xưng làm lãnh đạo hoặc doanh nghiệp là ổng “mày, tao” liền, nhưng xưng “nhà thơ” là ổng “em, anh” ngọt xớt. Gã ngư dân gãi đầu bối rối: “Dạ, ngày nào em cũng làm thơ anh à!”.
Thanh Thảo nghe thế là “choáng” liền vì thời sung sức nhất của ông thì hai ngày mới mần được một bài, giờ gặp thằng chở thuyền thúng này, mỗi ngày mà nó mần một bài, hay dở đâu chẳng biết chứ xét về mặt năng suất thì hãi rồi. Nhà thơ than: “Chao ôi, qua là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng cũng đành phải tạm gác lại để xông lên viết báo kiếm ăn, em mà còn gắn với nàng thơ như thế thì tội nghiệp quá, hể!”. Nói đoạn, Thanh Thảo móc túi biếu ngay gã ngư dân này hai trăm, bằng đúng số tiền mà gã định “đền” cái đèn xe cho tôi.
Nhìn gã dân chài từ đầu chí đít, Thanh Thảo dịu dàng: “Anh chia sẻ khó khăn với em. Cầm đỡ hai trăm này mà tiêu. Bằng nửa cái “Chào buổi sáng” của anh trên báo Thanh Niên rồi đấy!”. Gã ngư dân bỏ ngay hai trăm vào túi, miệng lí nhí cảm ơn, còn mặt thì vẫn tái mét, không biết vì cảm động hay sợ “lộ” tung tích? Đám trai làng thấy Thanh Thảo móc túi cho thằng “tội phạm” hai trăm, bèn nhao lên: “Răng chú cho tiền thằng nớ mà không cho tụi cháu?”.
Thanh Thảo trợn mắt, quát: “Chúng bay ăn chơi lêu lổng, tiền bồ cũng không đủ mà cho. Nó là nhà thơ, là đồng nghiệp với tao!”. Đám trai làng quyết ăn thua đủ: “Chú bảo nó là nhà thơ đó hả? Hổng phải mô, nó làm thuê đấy! Thằng đó là dân Bình Định, lấy vợ Núi Thành ni, ra ở rể luôn. Làm thuê tróc da lưng chứ thơ phú chi nó. Chẳng qua là nó phát âm sai đấy chú nờ!”. Thanh Thảo vỡ lẽ, khẽ nói thầm cho mình ông nghe : “Hóa ra nó là dân Bình Định, mà dân Bình Định thì “làm thơ” hay “làm thuê” gì đều phát âm như nhau! Hè, mất mẹ nó hai trem rầu (hai trăm rồi)”.
Chúng tôi được một trận cười tức ruột và “tha” luôn cho cái cú đi ẩu làm vỡ đèn của gã ngư dân. Lần đầu tiên, Thanh Thảo phải chịu mất tiền “oan” vì nghe không rõ giọng Bình Định, dù phần lớn sự nghiệp thi ca của ông đều được sáng tác tại miền đất võ này sau 10 năm gắn bó với Quy Nhơn.
Nhưng mà thôi, mất hai trăm chứ hai triệu thì cũng chẳng sao. Bởi, suy cho cùng, làm thơ cũng chính là làm thuê cho cuộc đời này vậy, phải không các nhà thơ?
|