Biểu tượng sừng trâu trong tâm thức người H’rê
10:15', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Người H’rê ở Bình Định, chủ yếu sống ở An Lão và Hoài Ân, có truyền thống làm lúa nước từ thuở xa xưa, xa lắm, với phương pháp “dẫn thủy nhập điền”. Điều này đã thể hiện qua biểu tượng sừng trâu trên mái nhà cổ truyền và trong tâm thức của người H’rê.

 

Ngôi nhà cổ truyền của người H’rê đang được dựng với biểu tượng sừng trâu nơi đầu mút chái nhà. Ảnh: N.V.Ngọc

 

Tổng thể ngôi nhà cổ truyền của người H’rê có nhiều yếu tố đặc thù mà ở các dân tộc anh em cận kề như Bana, Chăm H’roi không thể tìm thấy. Một trong những đặc thù ấy là trên hai đầu nóc nhà có hai búi rơm (tranh) bắt chéo hình chữ V, mà người H’rê gọi là kỳ nêm “sừng nhà”.

Ngôi nhà truyền thống của người H’rê trước đây đã có cái dài đến 100m, có từ hai đến 10 bếp. Hiện nay những ngôi nhà dài không còn nữa, thông thường chỉ 10m đến 12m và từ hai đến ba bếp. Nhà sàn người H’rê thấp, có hai hàng cột chính cắm xuống đất bằng gỗ tốt; bên cạnh đó, còn có nhiều hàng cột phụ, được chống đỡ bằng những đoạn cây chắc chắn, bố trí đều đặn kiểu răng lược và ba cầu thang lên xuống. Nổi bật trên đỉnh hai đầu mút chái nhà là biểu tượng đôi sừng trâu. Còn ở hai đầu hồi là hai mái phụ hình tam giác thụt sâu vào hai mái chính để tránh mưa nắng khi hắt vào hai gian đầu hồi.

Biểu tượng đôi sừng trâu trên mái nhà người H’rê được gắn hai đoạn cây trúc (trảy) theo chiều xuôi 450 của hai mái tranh, dài hơn đỉnh mái nhà từ 45cm đến 50cm. Mỗi chiếc sừng như thế được bọc bằng một nắm tranh theo hướng ngọn chúc xuống, gốc hướng lên. Phần gốc tranh thừa được bẻ xòe ra và ghép bằng những mảnh trúc xinh xắn, tạo thành một hình tam giác. Từ xa, nửa giống đuôi sừng trâu, nửa như hình ảnh cánh chim lấy đà cất cánh. Quả thật là một điều lý thú về hình ảnh này, phảng phất giống như hình ảnh mái nhà thời Đông Sơn của người Việt cổ trên trống đồng Ngọc Lũ.

Đây không phải là một ngẫu hứng làm đẹp, mà hàm chứa một ý nghĩa văn hóa. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: tộc người H’rê từ xa xưa đã định cư ven suối, thung lũng, những nơi có thể khai hoang lập ruộng, đã biết thuần dưỡng trâu và dùng sức kéo của chúng vào việc cày bừa, gắn với nghề làm lúa nước. Trong tâm thức của người H’rê, lúa nước xem chừng còn quan trọng và bức thiết hơn lúa rẫy. Ngày nay cũng vậy, việc làm lúa nước là thu nhập chính. Người H’rê ở Bình Định đã sử dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa một năm ba vụ.

Đối với người Việt “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì người H’rê cũng vậy, không những thế, trâu còn là tài sản quyết định thứ bậc về kinh tế trong cộng đồng làng. Điều quan trọng hơn là người H’rê đã xem “trâu” có một “linh hồn” đặc biệt, là vật hiến tế các vị thần linh. Để con trâu có sức khỏe, chủ nhà cúng xin thần linh phù hộ cho trâu nhà mình trước khi vào vụ mùa mới. Còn nếu một năm, gia đình ăn nên làm ra thì “trâu” là nhịp cầu báo ân; bằng ngược lại, cũng chính máu thịt nó bị hiến sinh, tế lễ trong lễ đâm trâu mà người H’rê gọi là Apâm.

Khi người H’rê về cõi vĩnh hằng, tài sản phải chia cho người quá cố là con trâu. Điều này biểu hiện bằng sừng trâu thật cắm về phía đông của ngôi nhà mồ. Rõ ràng, trong tiềm thức cũng như trong đời sống xã hội của người H’rê, con trâu đâu chỉ là tài sản quý giá, mà đã trở thành biểu tượng tâm linh.

  • Nguyễn Văn Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2008  (17/01/2009)
Làm thuê- làm thơ  (17/01/2009)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2008  (17/01/2009)
Tản mạn Tết  (17/01/2009)
Con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ  (17/01/2009)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008  (17/01/2009)
Năm Trâu nói chuyện “Ngưu giác chỉ”  (17/01/2009)
Chàng thủ môn có đôi tay tài hoa  (17/01/2009)
Nét chữ hồn xuân  (17/01/2009)
Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền  (17/01/2009)
Tính cách, vận mệnh người tuổi Sửu  (17/01/2009)
CLB Xuân Bình Định  (17/01/2009)
Ngày 22.12 năm ấy  (03/01/2009)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (03/01/2009)
Có một bài hát của lính trẻ  (03/01/2009)