Đến xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), tôi được nghe giới thiệu về thôn Trài, nơi định cư của những người dân sống ở vùng sạt lở bên sông Lại. Ấn tượng đầu tiên về nơi này là cái tên “Ca Công”. Hóa ra, tên thôn gắn với câu chuyện về một làng Tuồng.
|
Dân Ca Công ai cũng có thể ca hát. Ảnh: N.T
|
* Câu chuyện một làng Tuồng
Qua lời kể của các bậc cao niên trong thôn và căn cứ vào Hương ước của thôn Ca Công, thì thuở xưa, vùng đất này là một đồi cát trắng hoang vu, cây cối rậm rạp, không người sinh sống. Thời đó, có một đôi trai gái quê ở vùng An Nhơn yêu nhau nhưng không được cha mẹ hai bên tác hợp. Họ cùng nhau bỏ trốn và tìm đến nơi này dựng lều, ngày ra sông Lại bắt cá, đêm bên nhau hát hò. Những lời ca, tiếng hát chứa đầy tâm trạng của họ lâu ngày đã vọng đến những người dân ở các vùng lân cận. Dần dà, mỗi tối, không chỉ hai người mà nhiều người khác, tất cả cùng xúm tụm quanh lều, nghe họ hát và hát theo. Ngày qua ngày, tiếng hát vút cao, bay ra khỏi địa phận một thôn, một xã và lan đi nhanh chóng. Những người có cùng đam mê ca hát ở khắp nơi kéo về đây sinh sống, lập thành những gánh hát. Nổi lên trong số này là hai gánh hát được thành lập từ hai đội bơi đua và một đội trạo.
Danh tiếng của hai gánh hát lan đến tận cung đình Huế. Vua Tự Đức sai người về địa phương mời họ ra Huế biểu diễn. Giai thoại về cái tên thôn Ca Công bắt đầu từ sự kiện này. Các quan được vua phái đi chỉ biết đó là một nơi thuộc phủ Bồng Sơn, tổng Tài Lương, nên rất khó tìm. Khi gặp được các gánh hát, quan hỏi thôn tên gì, thì mọi người đều không biết. Một vị quan trong đoàn bèn nghĩ ra cái tên Cam Lại, chỉ những người sống cam khổ bên dòng sông Lại. Ra đến Huế, hai gánh hát này đã biểu diễn ba đêm, được vua và các quan tán thưởng nồng nhiệt. Vua hỏi tên thôn, phường hát trả lời Cam Lại và giải thích như trên. Vua không đồng tình và đã đặt lại là Ca Công, tức những người ca hát cho công chúng xem. Tên Ca Công có từ đó. Hai gánh hát này cũng được vua đặt là Bầu Tranh (chỉ đồi tranh ở đầu xã) và Bầu Gành (chỉ cái gành ở cuối xã).
Ông La Lâm Thành, 71 tuổi, nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi thường cùng bạn bè chạy ra ngôi miếu đầu làng để nhìn tấm sắc phong “Tam phong tứ sắc” vua Tự Đức ban cho thôn, sau khi các gánh hát trở về. Tấm sắc phong kích cỡ khoảng 1x0,8m, màu đỏ, chữ ánh vàng; bên trong còn có một ấn vuông to màu đỏ. Dân làng đặt nó trong một cái hộp màu đỏ, bên ngoài lại phủ một lớp vải đỏ. Về sau, người nào làm hương bản thì đem sắc phong về nhà, đặt trong tủ thờ. Gian phòng chứa tủ thờ luôn khóa cẩn thận và không ai được phép đến gần. Chỉ vào những ngày lễ, hội lớn của làng, người ta mới để dân đến xem”.
Thời chống Pháp, chống Mỹ, thôn Ca Công trở thành vành đai trắng. Tấm sắc phong đã cháy trong một lần giặc rải bom xuống thôn. Cũng do chiến tranh, người dân phải sơ tán khắp nơi, nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên ký ức về một thời đỏ đèn đi xem hát. Ông Thành nhớ lại, những ngày còn chiến tranh, có một đoàn hát đến địa phương biểu diễn miễn phí. Một số nghệ sĩ trong đoàn kể rằng họ là con cháu của những người từng sinh sống nơi đây, muốn tìm về quê xưa để tỏ lòng yêu mến vùng đất mà cha ông họ đã gắn bó. Ông Thành nhớ mang máng trong số họ có bà Nhảy (con hay cháu của chủ gánh Bầu Tranh), bà Quởn ở Phù Cát, bà Thơ, bà Lường…
|
Một sân khấu ngoài trời đã được thôn xây dựng ngay tại địa điểm biểu diễn của các gánh hát xưa nay. Ảnh: N.T
|
* Nơi đất ca, đất hát
Với người dân địa phương, nói đến Ca Công là nói đến một vùng đất ca, đất hát. Chỉ vào rất nhiều tấm bằng khen treo trên tường tại trụ sở thôn Ca Công, ông Võ Hoành, Trưởng ban Mặt trận thôn, cho biết: “Người dân vùng đất này rất yêu ca hát và hầu như ai cũng có thể hát được, từ trẻ em đến người già. Thôn cũng có khá nhiều người hát hay. Vì thế, cuộc thi văn nghệ nào xã, thôn cũng “ẵm” đa số giải thưởng. Có một điều đặc biệt là ở đây, số người học hát bài bản không nhiều, mà phần lớn họ chỉ đi xem rồi bắt chước hát theo. Thế nhưng, khi họ đã hát thì câu nào ra câu đó. Dân Ca Công thích xem tuồng cổ và biết nhiều về nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Thế nên, mỗi khi mời các đoàn tuồng về hát vào dịp lễ hội, thôn thường đề nghị đoàn phải hát cho thật đúng chất tuồng”.
Như để chứng minh, ông Hoành đằng hắng mấy cái, rồi giả tiếng trống chầu: “Bùm! Bùm!”. Ngay lập tức ông Võ Hồng Kha, Bí thư Chi bộ thôn Ca Công Nam, hưởng ứng bằng một câu Nam xuân. Ông Kha vừa dứt, ông Thành đã “tiếp lời”… Cứ thế mọi người thay nhau, người câu Nam, người câu Khách….
Ông Hoành cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, xã Hoài Hương có một đoàn tuồng không chuyên. Phần lớn “nghệ sĩ chân đất” trong đoàn là người gốc Ca Công. Thế nhưng, do gặp nhiều khó khăn, nên năm 1985, đoàn đã giải tán. Hiện nghệ sĩ gốc Ca Công của đoàn tuồng chỉ còn mỗi ông La Thanh Đạm, 71 tuổi. Để kỷ niệm một thời đi hát, ông Đạm vẫn còn giữ một bộ trang phục võ tướng. Tìm đến nhà ông Đạm khi trời đã quá trưa, thế nhưng, khi chúng tôi ngỏ ý muốn ông mặc phục trang và biểu diễn một lớp hát, ông Đạm vẫn vui vẻ nhận lời ngay. Trong trang phục một võ tướng, trông ông vẫn còn phong độ; giọng hát vang, ấm; điệu bộ nhuần nhuyễn. Càng hát, ông càng tỏ ra hăng say…
“Dân Ca Công của chúng tôi, nghèo chuyện gì, chứ phong trào ca hát thì không bao giờ thiếu. Lớp trẻ của thôn, tuy không mộ tuồng bằng lớp cao niên, nhưng nhiều đứa biết hát bội và hát rất hay. Bởi vậy, dù không còn đoàn tuồng không chuyên, nhưng tiếng hát bội chưa bao giờ vắng trên đất Ca Công. Không có đoàn thì chúng tôi lập nhóm và hoạt động văn hóa nào trong thôn, trong xã, Ca Công cũng góp bằng các trích đoạn tuồng. Giá đoàn tuồng của xã được khôi phục, thì chỉ khó về kinh phí thôi, chứ nhân lực thì luôn dồi dào” - ông Đạm nói.
|