Thú chơi nào cũng lắm công phu, riêng thú chơi cổ vật càng công phu gấp bội. Để phân biệt thật giả, đánh giá được giá trị đích thực của món vật mình đang sở hữu, người sưu tập phải chịu khó nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, điều kiện địa lý, quan hệ ngoại giao... để tích lũy kiến thức, bởi mỗi món cổ vật đều chứa đựng những gốc tích, điển tích. Hiểu biết càng sâu sắc thì niềm vui cảm nhận càng lớn...
|
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (thứ 2 và 3 hàng ngồi từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh thăm nhà cổ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Tài trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định. Ảnh: N.P
|
* Đắm mình trong mê cung cổ vật
Một người Bình Định khá nổi tiếng mà giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật trong và ngoài nước biết đến rất nhiều, đó là anh Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng tư nhân Gốm cổ Gò Sành Vijaya Champa- Bình Định, ở 173 Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Anh có được sự kỳ công sưu tập và bảo tồn hàng ngàn cổ vật quý giá như hiện nay, một phần nhờ sự đam mê bất tận, một phần nhờ thừa hưởng kiến thức, hiện vật và niềm nhiệt huyết của người cha, nhà sưu tầm gốm Chăm cổ và gốm Gò Sành trứ danh Nguyễn Thượt.
Anh Nguyễn Kim Ba (còn gọi là Bản đồ cổ), nhà số 115 Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, người có hàng ngàn cổ vật, cũng là một trong những người sưu tầm cổ vật hàng đầu của Bình Định. Với tuổi đời dưới 50, nhưng anh đã dành gần một nửa thời gian sưu tầm và thưởng ngoạn cổ vật. Cứ hàng tuần, hàng tháng, anh ra công sục sạo, năm này sang năm nọ tìm tòi mua thêm từng chiếc một để bổ sung. Càng chơi càng đam mê, dần dần anh có vài chục, rồi vài trăm và hiện nay là vài ngàn món đồ trong bộ sưu tập, trong đó có những món đồ anh mua với khoản tiền lớn.
Hiện nay, bộ sưu tập của anh Nguyễn Kim Ba, với đầy đủ các dòng chất liệu, các thể loại, các đời cao thấp, trong đó có hàng trăm cổ vật vô giá mà khi nhắc đến nhiều nhà sưu tầm phải ước mơ. Hàng chục cổ vật ngự dụng quý hiếm, gọi là đồ Ký Kiểu bằng gốm qua các thời vua chúa; khuyên tai bằng vàng y (nặng đến 3 lượng rưỡi); mũ võ tướng Chăm bằng đồng thế kỷ 11-12; lưỡi rìu, lưỡi búa, lưỡi mác bằng đồng thời Đông Sơn của người Việt cổ, đỉnh đồng da cua, thất lẫm xông trầm men Huế rất tinh xảo và giá trị cao. Mới đây nhất, anh cho ra mắt hai bộ sưu tập mới và hiếm, đó là sưu tập Celadon men sứ thời Minh (Trung Hoa, thế kỷ thứ 14 -15), được trục vớt từ vùng biển xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ và bộ sưu tập đồ đá của người Trung Hoa (thế kỷ 18-19), vớt từ con tàu chìm ở Kiên Giang.
Anh Nguyễn Đức Tuấn, ở số 127 đường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn với bộ sưu tập gần một ngàn món; trong đó nổi bật gồm hơn 150 chiếc bình vôi cổ, độc đáo thuộc ba dòng gốm Việt, Chăm và Trung Hoa. Anh Tuấn còn sở hữu một số độc bình ngũ sắc (thời Thanh - Trung Hoa); các độc bình men lam, men rạn Bát Tràng và đồ ngự dụng qua nhiều thế kỷ. Bộ sưu tập đồ Ký Kiểu của anh, phần lớn là đĩa trà, bát trà nhiều kích cỡ của Việt Nam thời Lê, Trịnh, Nguyễn. Ngoài ra, anh cũng sở hữu một số tô, chén, độc bình, ấm trà… các loại có niên đại từ rất sớm. Anh Tuấn cho biết: “Tôi thích chơi đồ Ký Kiểu vì trên mỗi vật đều có tranh thủy mặc thể hiện được lịch sử, văn hóa của một thời đại, là bài học hay đầy tính triết lý sâu xa mà có khi phải nghiền ngẫm mới hiểu được”. Với 3 gian phòng rộng lớn kê đầy những tủ, kệ, giá đỡ trưng bày cổ vật đầy ắp; nhiều món còn phải để tạm ngổn ngang ở chân cầu thang, bàn nước, phản gỗ…, nhưng mỗi khi có ai điềm chỉ một món “hàng độc” nào đó mà anh chưa tiếp cận là anh đã mất ngủ.
|
Ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (bìa phải) và nhà sử học Dương Trung Quốc (giữa) thăm Bảo tàng tư nhân của ông Nguyễn Vĩnh Hảo.Ảnh: N.P
|
* Cổ vật “bất động sản”... di động
Khoảng năm 2000 trở lại đây, người Bình Định bắt đầu có phong trào sưu tầm, chơi nhà cổ. Năm 2001, ông Phạm Thanh Trì- Giám đốc Công ty TNHH ATT, Chủ tịch CLB UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm cổ vật Bình Định, đưa một căn nhà lá mái cổ mua ở Tuy Phước về dựng tạm ở ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Huệ, TP. Quy Nhơn, đã tạo sự chú ý cho giới sưu tầm cổ vật và những người khá giả. Hiện nay, anh Trì đã chuyển căn nhà này lên vườn kiểng của anh ở khu vực 5, phường Nhơn Phú, tạo một không gian nhà cổ đầy hấp dẫn.
Ngày 26.7.2008, trước khi diễn ra Festival Tây Sơn - Bình Định vài ngày, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam (thuộc Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam), đã cho phép thành lập CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm cổ vật Bình Định. |
Chị Trần Thị Thu Hường (công tác tại một ngân hàng đóng ở Bình Định) lặn lội xuống tận vùng quê xã Phước An (Tuy Phước) mua về một ngôi nhà truyền thống ba gian, hai chái của Bình Định, có tuổi thọ xấp xỉ 150 năm, nhưng còn nguyên vẹn từng chi tiết, như trang thờ, liễn đối, buồng ngủ, chái bếp… của một gia đình quan lại, địa chủ ngày trước. Chị Hường dựng quán cà phê Nhà Cổ ở khu tái định cư Hà Thanh với mục đích chính không phải để kinh doanh, mà chủ yếu là quy tụ bạn chơi, hội chơi cổ vật.
Kỳ công hơn, anh Nguyễn Văn Sinh, chủ quán điểm tâm - cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng để mua 2 ngôi nhà rường Huế về dựng thành quán Anh Nhật Gia Viên với diện tích ngôi nhà hàng trăm mét vuông. Đến đây, thực khách sẽ có được những giây phút thư giãn với không gian nhà cổ; chiêm ngưỡng những đường nét kiến trúc đặc sắc, qua bàn tay điêu luyện của các thợ giỏi ngày xưa; ngồi trên những bộ bàn gỗ được chạm trổ rất công phu và ăn những món bánh dân dã như bánh canh, bánh xèo, bánh bèo, bún song thằn… được chưng bày trong một không gian xưa với cỏ cây, hoa kiểng, chum nước, quang gánh, rá rổ, cổng tam quan, cộ xe, rương, xiển, trường kỷ ….
Cùng với không gian đẹp, rộng thoáng, ngôi nhà lá mái 5 gian và là quán cà phê - trà Cổ Gia Quý, nằm trên QL 1A thuộc địa phận xã Cát Tân (Phù Cát) của anh Nguyễn Tấn Tài đã làm say mê bao nhiêu người qua đây. Từ sự đam mê sưu tầm đồ cổ, đồ cũ giờ đây anh đã có trong tay hơn 10 nét (khung) gỗ nhà lá mái, nhà rường cổ và trở thành người đi lắp đặt nhà cổ cho người có nhu cầu. Hiện anh đang hoàn thành việc lắp một nhà lá mái cổ cho một “đại gia” ở khu biệt thự sân bay Quy Nhơn, với đơn đặt hàng 2 tỉ đồng; đồng thời đang lắp một ngôi nhà lá mái khác cho mình tại TP. HCM. Một số người khác cũng mua nhà cổ về dựng lại làm quán cà phê, quán ăn đang rất thu hút khách.
Ông Phạm Thanh Trì, Chủ tịch CLB: “Ở Bình Định đang lưu giữ số lượng cổ vật tương đối lớn, trong các bộ sưu tập của những người sưu tầm, nghiên cứu cổ vật và gia bảo của một số dòng họ. Những đồ sứ cổ thông dụng hiện nay gồm hai loại. Một là của triều đình đặt làm đồ ngự dụng gọi là đồ “Ký Kiểu”. Những đồ sứ này có các họa tiết, thơ văn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm xuất phát từ ý tưởng, điển tích của vua chúa Việt Nam; hầu hết có màu lam đặc trưng và có ghi rõ niên đại (như Tự Đức niên chế, Minh Mạng niên chế) lưu lạc ra ngoài mua đi, bán lại. Hai là những đồ sứ do các gia đình quyền quý, quan lại cao cấp tự vẽ kiểu rồi đặt hàng với những thương nhân Trung Hoa để làm. Hầu hết những đồ sứ cổ vừa nói qua đều do người Trung Hoa chế ra nhưng đều mang hơi hướng văn hóa Việt Nam”. | |