* Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
MỘT
Em nói mình là con gái đất Võ. Tôi biết từ rất lâu rồi nhưng vẫn đùa. Đùa bằng giọng trung hẳn hoi: “Là ở đâu, hé?”. Em sửa lại cặp kình cận dày cộm, nheo mắt rồi nhấn nhá từng tiếng một: “Ai về Bình Định mà coi! Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”. Tôi le lưỡi, rụt vai làm như sờ sợ nhưng bước lại gần em hơn và nói nhỏ một bên tai. Nói rất hùng dũng: “Đưa anh về nghen”. Em bậm môi: “Dám hông?”.
|
Hầm Hô. Ảnh: Kim Chi
|
Dám chứ sao không, trời? Tôi trả lời thầm. Có nghĩa mình tôi biết mình tôi hay. Biết và hay cái sự dám ấy mà. Còn đưa? Phải lệ thuộc em thôi và em, tôi biết là không thể. Ngàn vạn lần là không thể. Bởi đó, tiễn em về quê ăn Tết đã mấy hôm rồi mà lòng tôi vẫn buồn tênh. Chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn trống rỗng như khoảng ngày nay, khi không em…
Tôi quen em đã mấy Tết, cũng đã mấy mùa xuân tôi ở lại đất này. Quê tôi quá xa, tàu xe mắc mỏ, thêm nữa, tôi cũng cần phải làm thêm để kiếm tiền. Về sao được? Dẫu nhớ gia đình, những món ăn ngày Tết của mẹ, các anh chị, đám cháu lau nhau và thứ tiếng nói quê đẫm hết ngôi nhà nhỏ… Nhớ bố và cái điếu cày quen thuộc cùng những cút rượu trắng, ao nhà vét đận cuối năm cá chép, cá rô, cá tràu… sao mà nhiều quá thể. Anh cả cười nhe hàm răng vàng xỉn, hồ hởi khua tay: Tha hồ làm cỗ, nhá! Chị dâu trưởng vẫn khéo lắm cái món cá đồng kho tương và chưa thấy ai dám chê cái thứ bánh ong xứ Nghệ của chị gái ở nhà. Em nẫu chay tiếng khó nghe muốn chết. Tôi nào khác gì? Sinh viên cả lớp cả khóa nhăn mặt, chun mũi mỗi khi nghe chúng ta nói chuyện. Thế mà em hiểu hết và tôi hiểu hết. Vùng miền nào có gì ngăn trở khi lòng đã thấu cảm nhau?
Tôi muốn khóc khi được biết quán cà phê mình vẫn phục vụ lâu nay kể cả mấy mùa Tết trước, nay phải đóng cửa nghỉ bán. Nhưng mừng bắt run, khi được chú Tâm - tên người chủ - rủ về quê chơi cho biết Tết Bình Định. Chẳng rõ mặt mũi người ngợm tôi khi ấy thế nào mà khiến chú phải bật cười và buột miệng: “Sao mà sảng hồn dữ vậy con trai? Sợ mất lương hả? Yên tâm đi nghen! Đi chơi mà vẫn được trả đủ, hé!”. Tôi đấm tay trong không khí biểu lộ niềm phấn khích lúc về phòng trọ và mường tượng đến đôi mắt tròn to, trô trố cận thị của em, khi thấy tôi xuất hiện trước cửa nhà. Một căn hộ bình thường nằm trên đường Phan Đình Phùng, ở ngay tại thị trấn Tây Sơn, là cửa hàng “nét” phía trước và cho thuê truyện phía sau. Em nói hồi còn ở nhà, phần truyện là do em phụ trách. Phần “nét” là của ba. Mẹ ôm đồm hết những khi ba đi dạy và em phải tới trường. Ba giỏi toán, mẹ giỏi văn. Em cái gì cũng bình thường nhưng ông anh của em đang đi du học, thì cừ lắm.
Tôi nghĩ em cũng cừ lắm đó thôi! Khi dám thương tôi một thằng nhà quê, nghèo, ở mãi xứ Bắc, lăn lộn và bươn chải tận đất phương Nam để kiếm chữ nghĩa và cơm ăn. Và tôi cũng đang rất cừ đây khi với theo em về tận đất Võ, mùa xuân này. Cận Tết, phương tiện đi lại khó khăn, cũng may nhà chủ có xe hơi riêng và tôi cũng có bằng lái nên ở những đoạn tốt, chú Tâm vẫn nhường vô lăng cho chạy tí chút. Đi đường trường không người thay mệt lắm, nhưng ba bữa Tết, tài xế xe khách chạy ẩu nên giao xe cho tôi lâu, nhà cũng ngại. Gia đình chú Tâm nằm ở một con phố chính tại Quy Nhơn. Chạp trong Nam nắng, nóng nhưng ở đây đã se lạnh. Tôi hỏi người nhà: “Từ đây đi Tây Sơn mấy cây?”. Chú cười to: “Thôi! Ông nhỏ. Ráng tới ngày mai tôi đưa cả nhà đi chơi Hầm Hô rồi ghé luôn”. Bình thường chú kêu tôi là con trai, nhưng hồi vui vui lại kêu là ông nhỏ. Chú người Trung nhưng sống trong Nam lâu, lại lấy vợ Sài Gòn, nên nói tiếng hơi lai lai. Nửa Trung nửa Nam, lơ lớ. Thấy buồn cười!
Hai
Từ nhà em tới Hầm Hô rất gần, chắc chỉ khoảng năm cây. Tôi không ngờ mọi chuyện lại thuận lợi đến làm vậy? Cũng như có ai ngờ ba của em lại là bạn của chú Tâm đâu cơ chứ! “Hồi xưa ba có xuống Quy Nhơn ở trọ mấy năm, học với thằng này. Ba ở quê lấy vợ sớm, nó dân phố ham chơi già đầu mới chịu làm đám cưới, nên con cái mới lít nhít vầy”. Ba em giới thiệu bạn với con gái như vậy và chú Tâm: “Kệ tao! Mắc gì mày, hử! Còn người đây. Mày làm ơn dòm kỹ giùm. Là Huy. Học kiến trúc và làm thêm ở quán của tao. Nghe nói là… là… là bạn với con bé nhà mày. Phải hông cháu?”. Em lí nhí nửa lắc, nửa gật, nửa phải, nửa không trong những tiếng cười giòn tan của mọi người. Ba em thấy nghiêm nghiêm vậy mà cũng dễ gần và mẹ em khá cởi mở. Tiện xe, vợ chồng chú Tâm mời ba mẹ em đi chơi luôn nhưng mẹ em nói muốn ở nhà làm mấy món để trưa đãi khách.
Ba em đọc to hai câu: “Hầm Hô có đá Khổng Lồ/ Có hang Bảy Cử có vò rượu sôi” (*) khi tất cả theo thuyền rong ruổi trên sông Đá Hàng để thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên nơi này. Nước trong vắt, xanh lơ. Và đá. Chồng chất, ngả nghiêng, thẳng tắp, xiên xẹo, lưa thưa, dày đặc là đá và đá. Đá với nước, cùng với muôn tiếng chim rừng cộng với hoa cỏ bao quanh, đã tạo cho Hầm Hô một vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng, khiến tôi cứ bắt ngẩn ngơ. Em nói mùa hè là mùa hoa lộc vừng nở nên cỡ đó tới Hầm Hô sẽ đẹp hơn nhiều. Điều này cũng lạ nữa, vì lâu nay chúng ta đã quá quen với những loại hoa nở lúc xuân sang. Tất cả, ngoại trừ lộc vừng. Nhưng có hề gì khi mùa xuân không hoa. Tôi ngồi kề bên em trên chiếc thuyền chòng chành, đã thích lại như thích thêm, khi được nịnh em câu này: “Hầm Hô có lộc vừng đâu bằng Hầm Hô có em?”.
Hay nhất ở Hầm Hô là khi thuyền đi qua chỗ thác nước. Nước từ trên cao đổ tràn xuống mạnh mẽ, tạo nên một âm thanh rất lạ. Ba em đố mọi người tiếng gì vậy nhưng bỏ ngang chẳng chịu giải thích. Nói để khoan, để khoan… một cách đắc chí! Chú Tâm liếc nhìn ba em nói trỏng: “Cái thằng…” rồi xeo xéo nhìn em và dừng lại rất lâu ở tôi, không quên khèo nhẹ: “Ông nhỏ vậy là hên hung rồi nghen! Nhờ tui đó! Nhờ tui là bạn ba của nẫu. Mới được vầy. Sướng hử?”. Vui ghê! Chú Tâm về quê mình cứ tiếng Bình Định chay nói miết, khiến thím với mấy đứa con ôm miệng cười. Thằng Út của chú nói đớt đớt: “Ba nói cái tiếng gì mà ngộ quá trời, à!”. Tụi nhỏ chọc tiếng của ba nhưng ghiền đồ ăn ở quê ba dữ lắm! Bánh bèo, bánh hỏi, bánh ướt, bánh canh, bún cá, bún bò giò heo… Bọn nhóc mới ở Quy Nhơn có hai đêm một ngày mà ăn không sót một thứ gì. Thím dân Nam nên nói đồ miền Trung rất ngon nhưng hơi bị mặn và bánh xèo tôm nhảy Phước Sơn đúng là có một không hai. Tuyệt chiêu! Sài Gòn mà bợ vô được cái này là hết sẩy.
Đang nói chuyện ăn uống, sẵn ba em nhắc lại lời mời: chút tất cả về nhà thưởng thức đặc sản Tây Sơn. Chiều đó ở nhà em mọi người ăn uống no say, ai cũng khen các món rất hấp dẫn, ngon lành và độc đáo. Nói thật, trong mấy thứ tôi mê nhất chim mía rô ti. Chú Tâm bày tôi cách phân biệt chim mía và chim sẻ để khỏi bị mấy quán ăn trong đó… lừa. Ba em nói nhà hàng ở Hầm Hô cũng có chim mía như thế này thêm nữa món chim cút rừng rất ngon. Ba em nhấn mạnh: chim cút rừng khác chim cút nuôi rất xa. Khiến tôi nhớ đến những xe chim cút chiên bơ bán đầy hết trong những đường phố ở Sài Gòn. Chỉ được cái mầu mẻ chứ ăn vô không thấy đậm đà, mặn mòi. Tôi hứa với lòng sẽ có lúc cùng em. Chỉ duy nhất mình em trở lại Hầm Hô và ăn đến chán chê chim cút rừng rô ti. Món gié bò nấu với lá giang, tôi ăn chưa quen, thấy đăng đắng nhưng chú Tâm ưa lắm, còn đòi cho thêm mật vô tô của riêng mình. Thịt heo luộc bình thường, rau sống cũng bình thường, bánh tráng Tây Sơn cuốn cũng bình thường. Thịt, rau đâu có lạ! Còn bánh tráng, lạ sao nổi khi ba má em gửi vô hoài và tôi được ăn hoài. Nhưng nói thật, cái thứ mắm cá mương sông Côn để chấm thịt heo luộc thì đúng là lần đầu tôi được thưởng thức và hoàn toàn bị bất ngờ. Môi tê rần và chân răng bắt nhức. Mắm ở quê em ngon vầy cho tôi ở lại cả đời ăn cơm mắm cũng chịu nữa là! Em trề môi và tôi: “Hứ! Hứ! Hứ! thật mà…” trước lúc lên xe, quay trở lại thành phố.
Ba
Chưa có năm nào Tết, tôi được nhàn hạ và sung sướng như Tết này. Chú Tâm giao cho tôi chiếc gắn máy và chặng đường Quy Nhơn - Tây Sơn, chẳng mấy chốc tôi thuộc làu. Được ăn cơm thêm ở nhà em mấy lần nữa nhưng mắm thì tịnh không. Vắng bặt. Mà cái thứ mắm ấy chỉ cần cơm nóng không thôi, đã quá đỗi tuyệt vời cần chi đến rau đến thịt. Em nháy mắt nói mẹ tin dị đoan, Tết mà mắm cà cả năm cả đời làm trầy da tróc vẩy cũng chỉ đủ mắm cà, cà mắm mà thôi. Nên nhà em vẫn có cái lệ ấy. Không mắm cá mương sông Côn thì da bê cuốn vẫn cứ là ngon bắt… sảng hồn. Nói như chú Tâm. Một lần, em chủng chẳng hỏi:
- Chứ theo tui về đây chi?
- Anh đâu có theo ai. Anh đi xe của chú Tâm mà!
- Vậy lên u trên Tây Sơn chi?
- Để biết Hầm Hô của nẫu đẹp tới đâu?
- Chứ không phải để được gặp nẫu na.
- Không! Không bao giờ…
- Thiệt hé! Thiệt nghen!
- ….
Tôi giữ mãi câu trả lời cho riêng mình như ba em đó. Đâu chịu giải thích vì sao thác nước đổ lại phát ra âm thanh lạ lùng đến làm vậy. Thác nước ở thắng cảnh Hầm Hô ấy mà! Tôi phải theo gia đình chú Tâm vô Sài Gòn trước. Không kịp cùng riêng em trở lại nơi ấy thêm lần nữa. Thôi! Đành hẹn lại chim cút rừng rô ti và hoa lộc vừng hè nở rực. Tối trước ngày đi, tôi ngồi với em nơi khoảnh hè phía trước, cứ nấn ná bên nhau mãi chẳng muốn rời dù chú Tâm đã dặn đường xa nên về sớm và ba mẹ em đã nhắc nhở mấy lần. Em nói giá mà tôi ở lại tới mùng năm để coi lễ hội Tây Sơn. Tôi nói tôi sẽ coi. Nhưng là coi… với. Với theo em. Với theo mùa xuân tôi, ngời ngợi…
|