* Tạp văn của Đào Đức Tuấn
Những đoàn tàu xình xịch lao đi/ngược hướng miền Trung tuổi nhỏ/chới với sau lưng từng cơn bão nhớ/chới với sau lưng mùa xuân tha hương… Chẳng hiểu sao mỗi độ trước và sau Tết, đón rồi tiễn người thân về lại TP Hồ Chí Minh, tôi lại nhớ mấy vần thơ của anh bạn Phan Hoàng-một người miền Trung “tha hương”.
|
Tàu vào ga Diêu Trì đón đưa những người xa quê. Ảnh: T.M
|
Dẫu biết, sống xa quê hay gần quê ấy là do công việc làm ăn, sở thích lựa chọn của mỗi người (nhất là thời kinh tế mở hiện nay), thế nhưng cứ mãi bâng khuâng trước những cuộc chia tay với người thân…
Mỗi trước Tết, những chuyến bay-tàu-xe từ miền Nam về Trung luôn kìn kìn chật ứ, chuyến ngược lại thì trống không; và sau Tết thì ngược lại. Trước Tết thì người người thân quen đón nhau rộn rã tung hê bởi tháng năm xa cách, sau Tết thì bịn rịn hanh hao không dứt; cả hai cuộc gặp mặt và chia tay đều có những giọt nước mắt chứng nhân… Thế mới biết, sức hút của quê nhà sâu xoáy biết nhường nào! Đến nỗi năm hết Tết đến, đưa tiễn bạn miền Trung về quê sạch sành sanh, làm cho đường sá TP Hồ Chí Minh luôn nêm cứng bỗng trở nên rộng hẳn ra, làm cho thi sĩ Đỗ Trung Quân chợt muốn… leo theo lên xe, dẫu quê nhà của họ Đỗ đích thị là thành phố!
Chuyện công danh gắn với vùng đất sống luôn đau đáu trong mỗi người ở tuổi hai mươi, thế nên mới có nhiều người trẻ dứt áo mẹ cha đi về chốn đô hội để thi thố, dẫu biết trụ được xứ người phải đâu như trở bàn tay! Vất vả lắm, khổ khó đến cùng cực những buổi ban đầu nhưng tấm gương của bao người thành đạt cứ mãi “trêu ngươi” nên đành phải cắn răng chịu đựng mà cày ải vượt lên. Công danh và miếng cơm từ thời bắt còng cho đến thời a còng (@) luôn là điều hệ trọng. Ai đi cứ đi, ai ở cứ ở, đi không được thì về, về không được thì đi… Ai đi có có không không/ai về có có không không ai về...
Rồi năm tháng bon chen, đến tuổi ba-bốn mươi, nhất là khi đã chiều tà, mọi chuyện bắt đầu định hình, danh vọng áo cơm cũng dần định đoạt, cái tình quê lại bồn chồn thống thiết. Cũng có người càng xa lâu thì tình quê càng nhạt, thế nhưng phần nhiều thì điều ấy lại nồng đượm như rượu mạnh ủ lâu. Bạn tôi bảo, sống ở TP Hồ Chí Minh lâu, lâu lắm rồi, bên ngoài đã thành người TP Hồ Chí Minh thứ thiệt, vậy mà trong lòng vẫn đau đáu quê nhà, cứ thấy cái gì mang hơi hướm quê cha là vồ lấy, hôn hít khư khư, kể cả chuyện ăn nói ứng xử buộc phải thay cũng dứt khoát không chịu đổi.
Tết về, ngồi với kẻ hồi hương, nghe tôi chọc anh bạn là “người bỏ xứ kiếm danh”, con cháu tôi ngồi cạnh chêm vào: “Tụi cháu thì cực chẳng đã phải rời… hơi mẹ đi kiếm cơm chứ ở nhà thì biết làm gì…”. Nghe vậy, anh bạn tôi cũng đốp lại ngay: “Danh cái gì mà danh, hồi tao ra trường về đây xin việc, có chỗ nào nhận đâu…”. Quả thực, ông bạn tôi phải cơ cực bao năm ở xứ người mới có được công ăn việc làm tàm tạm và một chút tiếng tăm, giờ bắt đầu hơi mỏi. Còn đứa cháu tôi thì đi Bình Dương làm thợ may công nghiệp trèo trẹo chớ… công danh gì! Ăn Tết rồi, nó muốn ở lại tìm việc quanh quất nơi quê vì hết chịu nổi cảnh làm ca thâu đêm mà dư dật chẳng là bao; “Để coi nhà máy lấy công nhân đâu mà làm…”(?)- nó nói. Thằng anh nó thì vào quận I… chạy bàn cho một quán nhậu, còn chỗ trọ của tụi nó thì phải nói là không đủ để… thở; tám đứa chung một phòng chỉ hơn năm mét vuông. Thấy tôi “la làng” lúc vô thăm, nó cười hì hì: “Còn hơn mẹ con cô Năm, mỗi đêm ngủ ba ngàn đồng, lạng quạng mất đồ như chơi…”. Mẹ con cô Năm nó nói đây là hành phương Nam để… bán vé số, rã cẳng hết ngày rồi về khu “trọ chuột” cạnh Ga Sài Gòn với vuông chiếu “ba ngàn” qua đêm, đã có lúc đang ngủ thì bị mất sạch mấy triệu bạc gom góp chuẩn bị về quê ăn Tết với chồng con… Thương cảm chẳng kém là chồng cô Năm và con bé bảy tuổi ở nhà nấu cơm cho cha làm ruộng - làm mướn, miệng suốt ngày đòi mẹ, làm cho chú Năm lắm khi vừa khóc vừa rên: “Tao cũng nhớ mẹ mày muốn chết đây…!”.
Ôi, cơm áo không đùa với… khách quê! Thế nên, mỗi mùa Tết, sự sum họp của những gia đình này thực sự vui… hơn Tết! Tíu ta tíu tít quấn quýt tối ngày. Mâm cơm Tết cũng bia bọt… như ai. Hỏi chuyện cuộc sống làm ăn thì đều ổn cả, vì cuộc mưu sinh riết rồi mọi cảnh trái ngang cũng trở nên quen thuộc. Cũng như người quê đã quen sống chung với bao thử thách của thiên nhiên, xa cách có nhằm nhò gì, phải vậy không các… nhà thơ?
|