Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố
11:41', 18/1/ 2009 (GMT+7)

“Trồng rừng đã khó, giữ rừng càng khó hơn”, đó là câu nói của người làm lâm nghiệp. Mỗi mùa xuân về, những người bảo vệ rừng lại bước vào đợt cao điểm để canh giữ, bảo vệ màu xanh của rừng.

 

Phía sau những dãy phố là thảm cây xanh khu vực núi Bà Hỏa. Ảnh: Hoàng Kim Chi

 

1. Theo kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, TP Quy Nhơn có diện tích đất lâm nghiệp 18.241 ha, trong đó diện tích có rừng 9.272 ha, chiếm 50,8%. Những cánh rừng này chính là lá phổi xanh giữ không khí trong lành, đồng thời góp phần phát triển môi trường cảnh quan của thành phố.

Anh Đinh Văn Công, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Vũng Chua (Lâm trường Quy Nhơn - đơn vị được giao quản lý rừng phòng hộ của thành phố), cho biết: Công việc giữ rừng xem đơn giản vậy nhưng rất khó khăn, hằng ngày các anh phải đối mặt với tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây cối, cháy rừng... Như tại khu rừng văn hóa, lịch sử, cảnh quan dọc đường Quy Nhơn - Sông Cầu, thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng và phường Quang Trung, được quy hoạch 2.163 ha, tương lai là một số tổ hợp thắng cảnh du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng của thành phố. Thế nhưng nơi đây cũng là trọng điểm bị chặt phá, lấn chiếm đất rừng liên tục trong thời gian qua, nên các anh phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và tìm biện pháp ngăn chặn.

Rừng ở khu vực núi Bà Hỏa có diện tích hơn 120 ha trải dài qua các phường: Đống Đa, Lê Hồng Phong, Ngô Mây, Quang Trung. Trước đây vùng núi này trông rất trơ trọc và bị hoang hóa, nhưng nhờ bàn tay của con người, cây cối đã hồi sinh trở lại, song khu vực này luôn được “khoanh đỏ” từ trước mùa nắng hạn nhiều tháng, bởi ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên của một bộ phận người dân chưa cao, nên nơi đây hằng năm vẫn xảy ra không ít vụ cháy, xâm hại cây rừng. Anh em bảo vệ rừng phải túc trực “xuyên” Tết, nhất là vào khoảng từ 23 Âm lịch đến mùng 5 Tết; lúc đó có nhiều người đi thăm mộ đốt nhang, đốt giấy; trẻ em lên núi vui chơi đốt lửa... Rừng nơi đây có nhiều cỏ và độ dốc lớn, dù thời tiết có mưa nhiều nhưng chỉ cần có nắng vài ngày là cỏ khô ngay, khi xảy ra cháy thì lửa lan rất nhanh. “Đất ở đây khô cằn, nghèo dinh dưỡng và lại thiếu nguồn nước. Trồng được vạt rừng này là biết bao khó nhọc, phải mất nhiều năm cây thông mới lên cao được hơn 1 mét. Nhìn thấy chúng bị lửa cháy qua mà xót cả ruột” - anh Nguyễn Tấn Đạt, nhân viên bảo vệ rừng nói.

2. Chúng tôi đến xã Phước Mỹ, nơi có cánh rừng tự nhiên duy nhất của TP Quy Nhơn. Theo anh Nguyễn Lưu Thọ, đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng Long Mỹ (Lâm trường Quy Nhơn), đi rừng vào mùa xuân mới thấy hết được vẻ đẹp của hương rừng sắc núi và sự nóng bỏng của nạn... phá rừng. Mùa xuân là Tết trồng cây, nhưng với “lâm tặc” thì ngược lại. Đội Long Mỹ được giao quản lý 1.192 ha rừng tự nhiên, nơi đây vẫn còn nhiều cây gỗ lớn ôm không xuể. Vào đợt tuần tra gần Tết năm ngoái, các anh phát hiện đến 14 lò than tại khu vực rừng đầu nguồn hồ Long Mỹ. Các anh cũng phải thường xuyên đến tận vùng rừng giáp ranh với huyện Đồng Xuân (Phú Yên), nơi mà tình hình khai thác gỗ, chặt cây làm than luôn nóng bỏng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Lâm Huy Hòa, một người dân ở thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, cho biết ngày trước họ đã từng chặt hạ cây cối, phá rừng, tất cả chỉ vì không có kế sinh nhai; nhưng từ khi có chính sách giao khoán rừng cho các hộ dân quản lý và thấy được lợi ích của mình được gắn vào đó thì mọi người ra sức bảo vệ, nên tình trạng phá rừng giảm hẳn, rừng trở nên xanh hơn.

Gió xuân vẫn thì thầm trên những cánh rừng xanh: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây...”, nơi ấy có những người giữ rừng không có những ngày Tết để cho cây rừng còn xanh lá, cho Quy Nhơn trở thành một thành phố xanh với rừng trong phố, phố trong rừng.

  • Khắc Huấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)
Về nơi đất ca, đất hát  (18/01/2009)
Thơ  (18/01/2009)
Câu đối  (18/01/2009)
Tết với các chiến sĩ biên phòng trên biển  (18/01/2009)
Rượu cần ngày Tết của người Ba na  (18/01/2009)
Biểu tượng sừng trâu trong tâm thức người H’rê  (18/01/2009)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2008  (17/01/2009)
Làm thuê- làm thơ  (17/01/2009)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2008  (17/01/2009)
Tản mạn Tết  (17/01/2009)
Con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ  (17/01/2009)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008  (17/01/2009)