Không ai nói được thú chơi kiểng cổ, cây cảnh nghệ thuật ở Bình Định có từ bao giờ; nhưng có thể khẳng định rằng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đã hình thành nên một thị trường cây cảnh nghệ thuật và một số kiểng cổ của một vài nhóm nghệ nhân ở Bình Định. Ngày nay, phong trào sinh vật cảnh (SVC) Bình Định phát triển rất mạnh, đã xuất hiện nhiều nghệ nhân chơi cây kiểng nghệ thuật mới là giới trẻ.
|
Cây sanh có giá trên 950 triệu đồng của anh Nguyễn Văn Hùng - một trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao ở Bình Định. Ảnh: N.D
|
* Kiểng cổ - nghệ thuật đỉnh cao
Còn nhiều người nhầm lẫn cho rằng kiểng cổ và kiểng (cây cảnh) nghệ thuật là một, nhưng thực tế có sự phân biệt rạch ròi giữa 2 loại hình nghệ thuật này, mà loại hình nào cũng là đỉnh cao của “nghề chơi”. Theo các nghệ nhân “gạo cội” của Bình Định, thì trước thập niên 80 của thế kỷ trước không ai gọi là “kiểng cổ”, mà chỉ gọi đơn giản là “kiểng” đối với những tác phẩm SVC đạt được một số quy chuẩn nhất định. Từ kiểng cổ chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây, khi mà cây kiểng bắt đầu trở thành một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Kiểng cổ và kiểng nghệ thuật đều phải đạt 2 yếu tố: thiên tạo và nhân tạo, trong đó yếu tố nhân tạo là chủ yếu; nhưng kiểng nghệ thuật ít bị ràng buộc theo một quy chuẩn nghiêm ngặt như kiểng cổ.
Thú chơi kiểng cổ vượt lên trên nhu cầu tiêu khiển, giải trí thông thường, trở thành một loại hình văn hóa dân gian, phản ánh nhận thức thẩm mỹ và nhân sinh quan của con người đương thời. Bởi vậy, người chơi kiểng cổ phải có vốn kiến thức nhất định. Các nghệ nhân uốn tỉa cây tự nhiên thành các dáng thế và đặt cho chúng những tên gọi hàm chứa ý nghĩa, đó chính là quá trình sáng tạo nghệ thuật, như: “Tam tòng tứ đức”, “Tam cang ngũ thường”, “Thần Đồng vấn Khổng Tử”… Thông qua tác phẩm kiểng cổ được trau chuốt kỹ lưỡng tới từng chi tiết, các bậc tiền nhân gửi gắm vào đó cả tấm lòng với quan niệm sống, niềm khát vọng, cũng như những quy ước đạo đức.
Theo nghệ nhân Năm Hưng (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước), người sở hữu vài chục kiểng cổ quý, trong đó có nhiều tác phẩm mai cổ có giá trị cao, thì ở Bình Định đã hình thành hai trường phái là kiểng cổ lưỡng diện và tứ diện. Nói về 2 loại kiểng cổ phổ biến này, nghệ nhân Năm Hưng giải thích: “Kiểng cổ lưỡng diện được nghệ nhân sáng tạo trên cơ sở nhân sinh quan của xã hội đương thời, phản ánh tư tưởng, nhận thức, tình cảm của nghệ nhân; mang tính triết lý, tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu ở hai cây kiểng “Tam tòng tứ đức” và “Tam cang ngũ thường”. Còn kiểng cổ tứ diện thường là kiểng một thân, người ta có thể nhìn ngắm trong không gian 3 chiều, ở bất kỳ vị trí nào chung quanh cây. Các chi thường được kéo thành hai tàng: tàng hướng lên trên gọi là nghinh sương, tàng hướng xuống dưới gọi là chiếu thủy”.
Nghệ nhân Bảy Hiền ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn cho biết sự công phu khi tạo ra tác phẩm kiểng cổ: “Hàng trăm cây mới chọn được một cây để tạo kiểng cổ, nhất là kiểng cổ lưỡng diện phải chọn những cây theo thế mẫu tử, phụ tử, hoặc huynh đệ, tỉ muội. Một cây lớn, một cây nhỏ cùng chung gốc, hoặc có một nhánh sát gốc tạo thành cây con. Cây con, hoặc nhánh con tạo 3 chi, thể hiện tam tòng, tam cang; còn cây chủ tạo nên tứ đức, ngũ thường … khoảng cách, tỉ lệ lớn nhỏ phải hợp lý; cây chủ (lớn) phải ôm ấp, che chở cây nhỏ; còn cây nhỏ quấn quýt cây lớn và có hướng vươn lên kế tục thế hệ trước”. Cũng bởi những quy ước khá nghiêm ngặt, nên không mấy nghệ nhân đủ kiên nhẫn theo đuổi nghề tạo kiểng cổ. Không ít gia đình đã gìn giữ và xem các gốc kiểng cổ như là vật gia bảo; nhưng cũng có người do nhu cầu đời sống đã bán đi các gốc kiểng quý của mình.
|
Tác phẩm Kim quýt cổ, dáng trực, thế phụ tử của Bình Định. Ảnh: N.D
|
* Cây kiểng nghệ thuật- cảm xúc thăng hoa
Cũng giống như kiểng cổ, kiểng nghệ thuật có bàn tay tạo tác của nghệ nhân rất công phu, nhưng phóng khoáng hơn, không có sự ràng buộc về dáng, thế và các quy chuẩn khác của kiểng cổ. Chẳng hạn như một cây mai xuân tàng nhánh sum suê, bỗng một chi chủ bị sâu đục thân làm chết, trống hẳn một bên. Sau nhiều ngày đắn đo chưa biết tạo lại cây mai của mình ra sao, bỗng một hôm nghệ nhân quyết định cắt bỏ thêm một vài nhánh chính gần gốc, chỉ chừa lại một cành khỏe mạnh gần đọt rồi kéo lả xuống phủ địa, tạo thành dáng văn nhân; thời gian không lâu có khi giá trị còn cao hơn nhiều so với trước. Đã có hàng trăm tác phẩm bonsai ở Bình Định có nguồn gốc cây cội khai thác, nặng hàng tấn, nhưng với sự điêu luyện của mình, các nghệ nhân đã đưa vào khay mỏng, dĩa mỏng, phô bày bộ rễ dữ dội, gan góc giữa trời nhưng cây vẫn sống khỏe, sống tốt.
Những vườn kiểng nghệ thuật ở Bình Định đã nổi danh cả nước lâu nay được gắn liền với những tên tuổi, như: Trần Mân, Năm Hưng, Ngô Tế Thế, Ngọc Sơn, Nghĩa Đàn, Bá Dũng, Phước Lộc, Thanh Trì …với nhiều kiểng cổ, kiểng nghệ thuật có giá hàng trăm triệu đồng mỗi tác phẩm. Nhờ tích lũy lâu năm, nhiều tác phẩm nghệ thuật của họ trở thành những bộ sưu tập SVC siêu hạng. Các thế hệ nối tiếp, như: Ru By, Tuấn Nhí, Tý Đô Thành, Văn Mỹ…, tuy còn rất trẻ nhưng đã rất thành công với kiểng nghệ thuật. Nhất là các tác phẩm mai bonsai của các anh đều đạt quy chuẩn thân lùn, cành rút ngắn, rễ nổi… với đầy đủ các kiểu dáng, như: trực (nhất trụ kình thiên), nghiêng (nghinh phong), bay (siêu phong), thác đổ; đa dạng về thế, như: mẫu tử, phụ tử, huynh đệ, tỉ muội, quần tụ …, mà mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một nội dung, một trạng thái tình cảm với một hàm ý sâu xa. Đạt được những chuẩn mực đó, nên cây sanh nghệ thuật của anh Nguyễn Văn Hùng (Quy Nhơn) tại triển lãm SVC, trong Festival Tây Sơn- Bình Định 2008, có giá hơn 800 triệu đồng, thì mới đây, một đại gia ở Thanh Hóa đã trả giá 950 triệu đồng vẫn chưa sở hữu được.
Ông Nguyễn Duy Quý - Chủ tịch Hội SVC tỉnh Bình Định nói về thú chơi cây cảnh nghệ thuật: “Trước cuộc sống hiện đại, môi trường ở Bình Định cũng như các vùng miền khác dần kém thân thiện với con người. Các tác phẩm SVC nghệ thuật luôn là món quà quý giá gợi cho chúng ta trở về trong sự bằng lòng, mãn nguyện cùng với những hồi ức quý giá của cội nguồn. Nghệ thuật cây cảnh góp phần lành mạnh hóa đời sống, cân bằng, bồi bổ tinh thần cho con người. Hồn cây, hồn nghệ sĩ thăng hoa hòa quyện nhau tạo nên tuyệt tác”.
Ngày nay, việc sáng tạo cây cảnh đang có nhiều chuyển biến tích cực về chất. Hình thức và nội dung tác phẩm đang dần thoát ly bởi những quan điểm khô cứng. Các nguyên tắc có giá trị về giáo dục và khát vọng chính đáng, tính truyền thống cơ bản được coi trọng trong các tác phẩm. Những vẻ đẹp “ngang tàng”, mới lạ đầy tâm sự đang là trang mới trong lịch sử nghệ thuật cây cảnh của giới trẻ Bình Định.
|