Hiện nay, Bình Định là một trong số ít tỉnh, thành trong cả nước ứng dụng thành công công nghệ thông tin (CNTT) tại các bệnh viện (BV). “Số hóa” BV không chỉ giảm bớt thao tác quản lý bằng thủ công, đơn giản các thủ tục hành chính rườm rà, phòng ngừa tiêu cực mà còn là giải pháp hữu hiệu để hạn chế sai sót chuyên môn.
|
Lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các tỉnh tham quan mô hình hệ thống quản lý thông tin y tế ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn. Ảnh: T.H
|
* Cải cách... thủ tục hành chính
Khu tiếp đón ban đầu ở khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh, trung bình có 1.500 - 1.800 bệnh nhân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến đăng ký khám chữa bệnh. Trước đây, bệnh nhân phải lấy số, xếp hàng chờ đợi rất lâu mới đến lượt mình. Còn bây giờ, với chương trình quản lý tổng thể thông tin y tế, bệnh nhân được phân theo từng nhóm đối tượng cụ thể để tiện việc hướng dẫn và tiếp nhận sổ khám chữa bệnh. Bệnh nhân tái khám cũng không phải mất thời gian chờ nhập thông tin theo kiểu “thủ công” viết tay như trước.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng, khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh, cho biết: “Khi ứng dụng CNTT, các thủ tục hành chính ở BV đã được đơn giản theo hướng nhanh gọn, hoạt động trung gian cũng được loại bỏ bớt, người dân có điều kiện tiếp cận nhanh chóng dịch vụ khám chữa bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế BV cũng giải quyết được nhiều hơn lượng bệnh nhân đến khám trong ngày”.
Năm 2006, trong khuôn khổ dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em, hệ thống quản lý thông tin y tế được triển khai tại 10 BV huyện và khu vực. Trung tâm Y tế huyện An Nhơn là đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên được chọn thí điểm. Kết quả cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong quản lý và chuyên môn rất phù hợp với xu hướng phát triển của ngành y tế. Trước đây, không có hệ thống quản lý thông tin y tế, tất cả các khâu đều phải làm bằng tay. Vào khám bệnh, chỉ riêng việc khai báo thông tin cá nhân, bệnh nhân phải làm nhiều lần ở nhiều khoa phòng khác nhau. Vì thế, dù nhân viên y tế BV có nhiều cố gắng nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ đợi. Thậm chí có bệnh nhân đến khám bệnh buổi sáng nhưng mất cả ngày mới làm hết các xét nghiệm lâm sàng theo yêu cầu của bác sĩ. Công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học của bác sĩ cũng rất vất vả bởi phải lục từng hồ sơ bệnh án để ghi nhận từng triệu chứng. Còn bây giờ, bệnh nhân chỉ cung cấp thông tin ở khoa Khám bệnh.
* Tránh tiêu cực, giảm sai sót
Trong số 13 đơn vị ứng dụng CNTT có 2 BV miền núi là Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Từ ngày ứng dụng hệ thống CNTT, việc quản lý tài chính, viện phí được thực hiện theo một chu trình khép kín, chặt chẽ. Một số BV đã khắc phục được tình trạng “âm” viện phí do thất thoát viện phí.
Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế: Ứng dụng CNTT trong quản lý thông tin y tế ở BV chỉ là một phần nhỏ của ngành y tế. Điều quan trọng là phải ứng dụng CNTT trong khối y tế cộng đồng, trạm y tế xã, khi đó người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. |
CNTT là công cụ hữu ích, giúp các BV quản lý hiệu quả công tác chuyên môn. Bác sĩ khoa Khám thực hiện các thao tác khám, chẩn đoán bệnh, chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn thuốc… những thông tin này đều có sẵn trong máy. Bác sĩ nội trú biết được số lượng, hạn sử dụng của từng loại thuốc đang có trong kho dược của BV. Bác sĩ sẽ biết rất rõ diễn biến bệnh tình của từng bệnh nhân trong khoa mà không cần phải mất quá nhiều thời gian “đi tua” như trước.
Hiệu quả nhất của CNTT là đã góp phần hạn chế tình trạng bác sĩ “bắt tay” trình dược kê đơn để hưởng… hoa hồng. Bệnh nhân biết rõ loại thuốc và giá trị được thanh toán trong đơn. Tất cả đều được công khai minh bạch.
Một bác sĩ cho biết: “CNTT hỗ trợ rất đắc lực cho bác sĩ trong việc giảm các sai sót về chuyên môn. Nói thật, trước kia, bác sĩ kê đơn, điều dưỡng ghi vào sổ, nhập vào máy, cuối cùng ra đơn thuốc cho bệnh nhân lắm khi bị… nhầm thuốc. Đó là chưa kể tình trạng “chữ bác sĩ”, nhân viên nhà thuốc “dịch” không ra cũng cho nhầm thuốc. Như thế chỉ có bệnh nhân là thiệt”.
* Cần được hoàn thiện
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, phân tích: Ban đầu, 75% nhân viên y tế ở BV không biết vi tính, số còn lại gần như chỉ thực hiện các thao tác đơn giản, thống kê, báo cáo. BV đã chủ động đào tạo, tổ chức các lớp vi tính ban đêm để nhân viên tranh thủ học ngoài giờ. 25% nhân viên biết vi tính được phân bổ về các khoa để làm “hạt nhân”. Thời gian đầu chạy hệ thống, BV vẫn duy trì song song cách làm bằng tay và bằng máy, lại “đẻ” ra chuyện nhân viên làm không hết việc, phải làm thêm buổi tối. Liên tục 6 tháng liền như thế, cuối cùng BV cũng đã vận hành thành công hệ thống thông tin y tế phục vụ công tác quản lý và chuyên môn.
Trung tâm Y tế huyện An Nhơn đang lên kế hoạch triển khai HMIS ở 15 trạm y tế xã. Bác sĩ Cao Thanh Tú, trạm y tế xã Nhơn Phong, cho biết: “Ngoài chức năng khám chữa bệnh ban đầu, trạm y tế còn thực hiện rất nhiều chương trình. Chỉ riêng việc ghi chép sổ sách, thống kê, báo cáo cũng đã chiếm hết thời gian của nhân viên y tế. Vì thế, tôi rất mong các trạm y tế cũng sẽ được “nối mạng” cùng trung tâm”. |
Trong khi CNTT đã phát triển với tốc độ chóng mặt thì ở ngành y tế CNTT vẫn rất hạn chế. Hiện nay, khối BV vẫn còn BV Lao và bệnh phổi, BV Tâm thần, BV Y học cổ truyền, BV Điều dưỡng- Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước và An Lão chưa triển khai. Thông tin kết nối giữa các BV đã ứng dụng CNTT, đặc biệt trong chuyển viện vẫn chưa được triển khai. Mô hình bệnh án điện tử, chiết xuất kết quả của các loại thiết bị y tế hiện đại vào phần mềm vẫn chưa thực hiện được. Định hướng trong thời gian tới, ngành y tế sẽ hoàn thiện việc ứng dụng CNTT tại tất cả các BV; hoàn thiện hơn nữa phần mềm, nhất là trong khối cận lâm sàng để chiết xuất thông tin qua mạng LAN.
|