Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi
18:12', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Khi chúc nhau ngày Tết, cùng lắm ta cũng chỉ nghĩ đến chuyện “sống lâu trăm tuổi”. Nhưng nếu biết, chín cụ sống thọ nhất tỉnh (tính đến cuối năm 2008), có ba cụ ở các lứa tuổi 117, 115, 113 tuổi; hai cụ 111 tuổi và  bốn cụ 110 tuổi hẳn ai cũng phải ngạc nhiên.

 

Cụ ông sống thọ nhất tỉnh Phạm Cừu (ảnh chụp lúc cụ 109 tuổi). Ảnh: T.X

 

* Những người đón hơn...110 mùa xuân

Người dân ở xóm 2, thôn Chánh Hội (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) rất đỗi tự hào vì có cụ bà Nguyễn Thị Dã (sinh năm 1891), hiện là người sống thọ nhất tỉnh. Nhìn vẻ bề ngoài của cụ, vẫn còn khá rắn rỏi, khó có thể tin cụ Dã đã 117 tuổi. Cụ Dã có hai đời chồng và đều đã qua đời từ rất lâu. Con gái đầu của cụ nay cũng đã 86 tuổi. Khi được hỏi thăm, cháu nội cụ Dã là anh Nguyễn Ngọc Thơ ngồi nhẩm tính mãi vẫn không thể nhớ mình là đứa cháu thứ mấy. Anh Thơ cho biết: “Người cháu nội lớn nhất của bà giờ đã 72 tuổi và cũng đã lên chức cố. Tính sơ sơ, hiện cụ có trên 100 người cháu, chắt, chút, chít…đang làm ăn sinh sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi dịp giỗ chạp hay Tết, con cháu khắp nơi tụ họp về, nhiều người cách cụ nhiều thế hệ quá, nên tính chuyện xưng hô cũng đã đau cả đầu, cuối cùng, chỉ biết thưa bà cố, bà cao”.

Đến thôn Cảnh An (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) hỏi thăm cụ Tô Thị Tri (sinh năm 1893), thì mới hay cụ đã về sinh sống ở quê chồng (thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì) cách đây gần… 90 năm. Cụ Tri đã 115 tuổi, là người sống thọ thứ hai ở Bình Định sau cụ Dã. Cụ Tri mất chồng từ lúc mới 36 tuổi và cụ quyết định ở vậy nuôi hai người con trai trưởng thành. Người con trai thứ hai của cụ đã hy sinh từ năm 1951. Hiện cụ Tri sống tại quê chồng với gia đình người con trai cả là Khưu Chương Sằng. Khi chúng tôi đến nhà thăm, cụ Tri bị cảm lạnh đang nằm nghỉ nên không tiếp chuyện được. Con trai cụ, năm nay cũng đã 86 tuổi, cho biết: “Đã 25 năm nay, mẹ tôi bị ảnh hưởng tai biến nên không đi lại được, nhưng sức khỏe hiện vẫn tốt và vẫn nói chuyện minh mẫn, dù có hơi bị lãng tai”.

 

Nụ cười tươi tắn của người sống thọ nhất tỉnh Nguyễn Thị Dã (117 tuổi).

 

Cả hai cụ Nguyễn Thị Hữu (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) và Nguyễn Thị Phú (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) năm nay đều đã 110 tuổi (sinh 1898) và đều đang sống cùng người con dâu vì con trai đã mất. Điều đặc biệt là hai cụ đều còn khá khỏe mạnh, có thể tự đi lại được và còn minh mẫn. Lúc chúng tôi đến nhà, cụ Dã đang ngồi một mình dưới bếp bưng chén cơm ăn hết sức ngon lành; còn cụ Phú thì đang ngồi ngoài hè nói chuyện cùng con cháu. Khách vừa hỏi thăm, các cụ tiếp chuyện ngay.    

Thật đáng tiếc là khi tìm đến thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), thì người đàn ông thọ nhất tỉnh là cụ Phạm Cừu 110 tuổi (sinh 1898) đang lâm bệnh nặng. Anh Phạm Văn Phước, cháu đích tôn của cụ Cừu, cho biết: “Ba tôi trước cũng ở cùng ông nội và vợ chồng tôi nhưng đã mất năm ngoái, chỉ thọ được 82 tuổi. Còn ông nội thì mới tháng trước bị té gãy xương đùi và đổ bệnh ngày càng nặng. Cả tuần nay, ông chỉ uống được sữa nên sút ký nhanh chóng, chứ bình thường, cụ còn hồng hào, khỏe mạnh và đẹp lão lắm”.  

 

Đã 110 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Hữu vẫn thường xuyên đi lượm củi khô về cho cháu mình.

 

* “Bí quyết” sống đại thọ

Có thể thấy, “bí quyết” để các cụ sống đại thọ chính là ý thức giữ gìn sức khỏe và sống vui vẻ. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng giữ được cho đến tuổi như các cụ, quả là điều đáng khâm phục.

Hiện mỗi ngày, cụ già sống thọ nhất tỉnh Nguyễn Thị Dã vẫn còn tự ăn được ba chén cơm nhỏ, thức ăn thì ở thôn quê có gì ăn nấy. Cụ Nguyễn Thị  Hữu thì mỗi bữa cũng ăn được 3 đến 4 chén cơm, thức ăn ưa thích của quanh năm là… mắm ruốc và các loại muối rang, muối tiêu. Cụ Nguyễn Thị Phú từ xưa đến giờ không thích ăn thịt, cá mà chỉ ăn cơm với các loại mắm như mắm cá mặn, mắm cá trích… Cụ Phú dí dỏm: “Nhờ ăn toàn mắm nên tui mới mạnh khỏe và xương cốt còn cứng cáp đến giờ”. Các cụ có sức khỏe đều tốt, ít khi đau ốm vặt hay đau bệnh nặng. Đáng nể nhất về chăm lo cho sức khỏe là cụ Hữu. Bà Nguyễn Thị Được (73 tuổi), con dâu cụ Hữu, kể: “Mỗi khi nhà hết thuốc, cụ đều tự đi bộ đến gần một cây số, đến trạm xá xã để xin thuốc. Cụ bảo, khi nào còn đi được thì cứ để cụ đi khỏi phiền đến con cháu. Có bữa, nước sông trước nhà cạn, cụ còn lội được qua sông, đi tắt đường để đến trạm xá cho nhanh”.

 

Cụ Nguyễn Thị Phú (110 tuổi) luôn sống vui vẻ tận hưởng cuộc đời. Ảnh: Hoài Thu

 

Các cụ đều thương yêu con cháu, đều sống vui vẻ tận hưởng cuộc đời. Cụ Hữu sống ở nhà cùng con dâu, nhưng ban ngày, cụ lại lò dò sang trông nhà cho người cháu dâu ở gần đó. Không những thế, cụ Hữu còn ra bờ sông gần nhà, nhặt các cành cây về phơi khô cho cháu chụm củi; thỉnh thoảng, còn mò mẫm nấu cơm, cho heo ăn. Còn cụ Phú thì khoe: “Tôi tự mình đi xe đò lên thăm vợ chồng đứa con trai tôi ở Gia Lai, rồi ở đó chơi cả tháng, mới về nhà được mấy hôm nay. Biết tui thích cải lương, con dâu trên đó đã thuê một đống băng đĩa cải lương thật hay, tôi coi cả ngày đêm. Tui mê nhất là giọng ca Minh Vương, Lệ Thủy… chứ mấy cháu trẻ bây giờ hát không hay bằng”.

Sự thương yêu, lo lắng chu đáo của con cháu cũng là yếu quan trọng giúp các cụ sống đại thọ. Con cháu luôn kể về các cụ bằng sự tự hào, bằng ánh mắt hạnh phúc khi được ở bên chăm sóc. Tôi nhớ mãi tâm sự của ông Khưu Chương Sằng: “Mẹ tôi đau bệnh, nên tôi càng phải chăm sóc mẹ chu đáo hơn, chỉ mong mẹ sống được lâu để như “cây cao bóng cả” che chở con cháu. Thông qua việc chăm sóc mẹ, tôi cũng muốn làm gương để giáo dục con cháu mình phải luôn luôn hiếu thảo”.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)
Về nơi đất ca, đất hát  (18/01/2009)
Thơ  (18/01/2009)
Câu đối  (18/01/2009)
Tết với các chiến sĩ biên phòng trên biển  (18/01/2009)
Rượu cần ngày Tết của người Ba na  (18/01/2009)
Biểu tượng sừng trâu trong tâm thức người H’rê  (18/01/2009)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2008  (17/01/2009)
Làm thuê- làm thơ  (17/01/2009)