Tháng 2.2009, Bình Định tổ chức kỷ niệm 50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2009). Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, cuộc Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh vẫn mang tính lịch sử nóng hổi về nghệ thuật lãnh đạo, nghệ thuật vận động quần chúng trong cuộc chiến tranh giải phóng, đóng góp vào lý luận cách mạng trong việc phát huy nội lực, tự mình giải phóng cho chính mình.
|
Lễ hội dân tộc Ba na ở làng Kon Tơlok xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) Ảnh: Duy Quyên
|
* Tính chất của cuộc khởi nghĩa
Nghị quyết lịch sử bàn về cách mạng miền Nam do Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ 15 vào ngày 13.1.1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Đây là cuộc họp mở rộng nên nhiều cán bộ khu ủy V, Tây Nguyên và Nam Bộ được tham gia. Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng ra đời có một ý nghĩa to lớn trong việc xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam. Nghị quyết khẳng định: “Ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác để tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”... “tình thế cách mạng cho cuộc khởi nghĩa từng phần đã chín muồi”.
Sau hội nghị, Bộ Chính trị chủ trương lập đơn vị vận tải quân sự dọc đường Trường Sơn, gọi tắt là đoàn 559, đơn vị vận thủy gọi tắt là đoàn 759. Cũng trong thời kỳ này, nhiều đoàn cán bộ được tăng cường đưa vào hoạt động tại chiến trường miền Nam
Trên dải đất miền Trung thời kỳ này, ngoài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, còn có Khởi nghĩa Bác Ái (Ninh Thuận) và Trà Bồng (Quảng Ngãi) nhưng tính chất các cuộc khởi nghĩa này khác nhau. Nếu ở Trà Bồng và Bác Ái, địch đã dồn dân vào ấp chiến lược; không chịu được, nhân dân cùng đồng loạt nổi dậy chống dồn dân trở về làng cũ; thì Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là chống âm mưu dồn dân của địch. Trong Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, người dân đã nung nấu một ý chí độc lập, tự do. Chính ý thức này đảm bảo cho cuộc khởi nghĩa nổ ra cương quyết, không chần chừ, không do dự và trở thành một phong trào rộng lớn. Cho nên, khởi nghĩa Vĩnh Thạnh thực chất là một cuộc tổng khởi nghĩa.
* Những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn
Quan điểm của một số giới nghiên cứu khi đề cập đến Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh chỉ lưu ý đến thời gian sớm nhất trong toàn miền Nam. Điều này chỉ đúng một phần, nhưng chưa đủ.
Đóng góp lớn của Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đưa vào trong phương pháp đấu tranh cách mạng là một quá trình kiên trì, từ làng lên xã, rồi lên huyện; từ nổi dậy bí mật đến nổi dậy công khai; từ nổi dậy lánh địch đến nổi dậy đánh địch. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã tập trung ý chí của nhân dân vào trong một điểm quan trọng nhất của tư tưởng cách mạng. Từ đó, mỗi người dân đã biết sáng tạo, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đạt được mục đích cuối cùng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến đấu với đối phương, cách mạng từ thế bị động trong cuộc chiến tranh một phía, tiến lên cuộc chiến tranh cách mạng, dùng bạo lực cách mạng để đương đầu với bạo lực phản cách mạng. Điều quan trọng nhất: đây là lần đầu tiên lực lượng cách mạng địa phương làm chủ một địa bàn huyện. Một căn cứ được giải phóng, nhưng địch không bao giờ tái chiếm lại được, điều đó đã phản ánh thế và lực mới của lực lượng nhân dân. Đây cũng là điểm tựa quan trọng, để từ đó, lực lượng nhân dân ngày càng được củng cố và phát triển. Sự hình thành một căn cứ địa cách mạng, trên địa bàn một huyện, cũng đã chứng tỏ rằng các lực lượng cách mạng đã bước vào thế chủ động trên chiến trường.
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ghi nhận một mốc chuyển giai đoạn cách mạng quan trọng trong cuộc phát huy tinh thần đấu tranh của phong trào cách mạng của tỉnh, góp phần đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh hòa nhịp với phong trào cách mạng toàn miền Nam trong cuộc đồng khởi lần thứ nhất. Cuộc khởi nghĩa đã kết hợp cuộc nổi dậy của quần chúng với việc chống càn, chống địch tái chiếm; phát huy được các hình thức tác chiến tại chỗ của du kích địa phương; kết hợp sự nổi dậy của quần chúng cách mạng với công tác binh vận; cao trào của quần chúng luôn đi đôi với sự phát triển của lực lượng vũ trang. Trong đó, đã tỏ rõ hình ảnh cao đẹp về tình máu thịt giữa Đảng và quần chúng, với phương thức bốn cùng để cùng quần chúng làm nên cuộc khởi nghĩa. Về mặt nào đó, có thể thấy rằng cuộc khởi nghĩa mở ra đúng hình thức trưng cầu dân ý, theo sự biểu quyết của dân làng. Mệnh lệnh của cuộc khởi nghĩa đã được xuất phát từ trái tim của nhân dân từ cơ sở. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là bằng chứng rõ nét về nhận thức trong việc xác định vai trò quan trọng của khu căn cứ thuộc vùng núi. Đó là chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng của tỉnh Bình Định. Cuộc khởi nghĩa này cũng được xem như sự trở về truyền thống “mừng cơm mới”, cùng nhau nổi dậy chống địch càn quét. Đây là chuyện đưa nội dung hoạt động cách mạng vào trong phong tục, tập quán, truyền thống; là sự kết hợp tài tình trong việc đưa phương thức hoạt động của quần chúng với hình thức truyền thống nhưng đã mang một nội dung cách mạng phù hợp với tình hình mới.
|